Ngày 9/5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị (đề án metro).

TP HCM dự kiến có 183 km metro đến năm 2035

Theo đề án, hiện trên thế giới có hơn 200 thành phố có hệ thống đường sắt đô thị và đang triển khai xây dựng tại 32 thành phố, trong đó có TP.HCM. Đặc biệt những năm gần đây các đô thị lớn trong khu vực và thế giới đã có những cuộc bứt tốc xây dựng hoàn thiện hàng trăm km metro chỉ trong một thời gian ngắn.

Điển hình như ở Quảng Châu (Trung Quốc), tuyến đầu tiên xây dựng năm 1993 và đưa vào khai thác năm 1997.

Đến nay, Quảng Châu đã có hệ thống tàu điện ngầm có chiều dài đứng thứ 3 trên thế giới với 621km.

Còn tại Thâm Quyến, tuyến metro đầu tiên được đưa vào vận hành năm 2004. Sau 19 năm thần tốc triển khai, tổng chiều dài của mạng lưới tàu điện ngầm tại thành phố này đã đạt 567km.

Trong khi đó, theo quy hoạch 568, TP HCM sẽ có 220km đường sắt đô thị. Tuy nhiên, hơn 10 năm kể từ khi quy hoạch phê duyệt, hiện chỉ có duy nhất metro số 1 sắp hoàn thành và dự kiến khai thác trong năm 2024.

Như vậy, để hoàn thành được mục tiêu cụ thể theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị đưa ra là "hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (có tính kết nối với vùng thủ đô) và TP HCM vào năm 2035" thì cần thiết phải cải tiến cách làm, thủ tục hành chính trong các khâu khi triển khai đầu tư xây dựng, một số quy định pháp luật có liên quan.

Báo cáo tóm tắt đề án metro, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm khẳng định thời gian qua, sở cùng các sở ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng đề án metro.

Đây là đề án rất lớn có định hướng phát triển, xây dựng lộ trình, kế hoạch, hình thức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn và các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục, triển khai đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TP HCM.

Đề án có mục tiêu, tiến độ cụ thể như đến năm 2035, TP sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183km metro. Đến năm 2045, làm thêm khoảng 168km, nâng tổng chiều dài hơn 351km. Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến số 8, 9, 10 nâng tổng chiều dài lên khoảng 510,02km.

Về cơ chế huy động nguồn vốn và hình thức đầu tư, theo kinh nghiệm thế giới, vốn làm metro được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, vốn ngân sách (vốn ngân sách, vốn vay thông qua phát hành trái phiếu, vốn ODA...) đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt trong quá trình hình thành hệ thống đường sắt ban đầu.

Vì vậy, vốn làm hệ thống đường sắt đô thị TP sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách (trung ương, địa phương), phát hành trái phiếu TP.HCM, nguồn thu quyền sử dụng đất, vốn từ phát triển đô thị theo định hướng TOD, nguồn kiều hối và huy động vốn từ các nguồn vay…