UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây. Theo quy định, quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác.

Theo đó sữ có 10 loại hình được kinh doanh trên khu vực quản lý Hồ Tây.

Cụ thể, mặt nước Hồ Tây - hồ tự nhiên rộng nhất nội thành Hà Nội, một thắng cảnh của trung tâm Thủ đô, sẽ được khai thác kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy không lưu trú qua đêm; kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; tổ chức các lễ hội truyền thống, giải đua thuyền; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn.

Hà Nội chính thức cho kinh doanh sân tập golf, khinh khí cầu, dù lượn... trên mặt nước Hồ Tây

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh gắn với mặt nước Hồ Tây như bơi, lặn; bơi thuyền, canô, xe đạp nước, lướt ván; hoặc với khu công cộng, các tuyến đường dạo quanh hồ như xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch...

Các loại hình kinh doanh này phải đảm bảo yêu cầu về quản lý môi trường (bao gồm nước thải, nước trong hồ và mực nước, vệ sinh mặt hồ); môi trường không khí và các chất thải, rác thải; hạ tầng, quy hoạch, xây dựng và kiến trúc.

UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác Hồ Tây.

Hà Nội chính thức cho kinh doanh sân tập golf, khinh khí cầu, dù lượn... trên mặt nước Hồ Tây

Trước đó ngày 31/1, UBND quận Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Ban quản lý Hồ Tây, đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ. Ban có trách nhiệm quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực hồ Tây và phụ cận...

Được biết trước đây, ở Hồ Tây có một số dịch vụ như nhà nổi, du thuyền, đạp vịt, nuôi, khai thác thủy sản... do các cơ quan khác nhau quản lý, tổ chức. Đến năm 2017, Hà Nội kết thúc nhiều hợp đồng kinh doanh dịch vụ như vậy, và đi đến chủ trương giao một đầu mối quản lý cho quận Tây Hồ. Kèm theo đó là nay ban hành quy định làm cơ sở cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý, khai thác tiềm năng kinh tế cũng như các giá trị lớn lao của Hồ Tây.

Hồ Tây rộng hơn 527 ha, chu vi xung quanh hồ khoảng 19 km. Hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây cơ bản được hoàn thiện đồng bộ từ taluy mái kè với đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Xung quanh hồ và vùng phụ cận có 22 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và một số làng nghề truyền thống nổi tiếng.