1. Bê bối sàn giao dịch tiền điện tử Mt.Gox bị đánh sập

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Sàn giao dịch tiền điện tử Mt.Gox. (Nguồn: Shutterstock)

Sàn này được thành lập từ 2010 bởi CEO người Pháp, trụ sở chính được đặt tại Nhật. Đầu năm 2014, Mt. Gox thông báo 850.000 BTC đã biến mất, có thể do tin tặc tấn công. Thời điểm đó, số tiền bị đánh cắp tương đương 450 triệu USD.

Tháng 7/2014, cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ tuyên bố đã bắt giữ nghi phạm của vụ trộm trên. Một người đàn ông Nga tên Alexander Vinnik – chủ sở hữu và điều hành sàn giao dịch Bitcoin BTC-e bị cáo buộc đã tấn công Mt. Gox và “rửa tiền” thông qua sàn giao dịch của chính mình.

Mt. Gox phá sản nhưng không làm giá của Bitcoin suy giảm. Ngược lại, đồng tiền này tăng giá đã giúp sàn giao dịch có thể trả nợ khách hàng. Tài sản và nợ của Mt. Gox bị “đóng băng” theo giá đồng Yên, trong khi đó số Bitcoin còn lại của sàn này tăng vọt nhiều lần.

Chủ nợ của Mt. Gox đã kỳ vọng số nợ của mình sẽ được trả bằng Bitcoin, tuy nhiên luật pháp Nhật không cho phép nên khách hàng chỉ nhận được số tiền tương đương giá Bitcoin thời điểm 2014.

Năm 2021, cựu CEO sàn Mt. Gox đã nhận bản án 2,5 năm tù treo từ Tòa án Nhật Bản sau khi bị kết tội giả mạo hồ sơ tài chính của công ty và thao túng dữ liệu, còn về cáo buộc tội tham ôn thì lại không có bằng chứng để kết tội.

2. Bitfinex bị tin tặc tấn công

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Bitfinex bị hack năm 2016. (Nguồn: Shutterstock)

Sau vụ hack Mt. Gox, đến lượt Bitfinex trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới và là mục tiêu mới của tin tặc.

Tháng 8/2016, tin tặc tìm thấy lỗ hổng trong cách Bitfinex cấu trúc tài khoản người dùng đa chữ ký, nhờ đó chúng đã thành công chuyển trái phép 120.000 Bitcoin vào ví cá nhân. Bitfinex bị chỉ trích vì không xử lý kịp thời lỗ hổng bảo mật và cũng không có biện pháp tạm ngừng giao dịch trái phép của bọn tin tặc.

Bitfinex đã hoàn tiền cho khách hàng bị mất cắp. Họ phân phối hàng loạt token BFX - một dạng IOU (hình thức ghi nợ trong tài chính truyền thống) - có tỷ lệ 1:1 cho mỗi USD bị mất.

Những đồng token BFX được giao dịch một thời gian dài trên website, sau đó Bitfinex tạm ngừng giao dịch vào tháng 4/2017 và bắt đầu cho phép khách hàng đổi ra tiền mặt.

Năm 2022, việc bắt giữ Morgan, Lichtenstein và tịch thu tài sản bắt nguồn từ vụ hack Bitfinex là kết quả của một cuộc điều tra chung của các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ, các nhà chức trách đã thu giữ phần lớn trong số 119,756 BTC bị đánh cắp từ Bitfinex, Chainalysis báo cáo tổng cộng 108,068 Bitcoin đã được lấy lại.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DoJ) hiện đang kiểm soát lượng tiền điện tử bị đánh cắp này. Việc lần ra dấu vết Bitcoin bị đánh cắp cần có sự kết hợp của phân tích on-chain, hợp tác với nhiều sàn giao dịch tiền điện tử và bao gồm cả việc điều tra trong thế giới thực.

3. "Vụ lừa thế kỷ" BitConnect theo kịch bản Ponzi

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
BitConnect còn được biết đến là "vụ lừa thế kỷ". (Nguồn: Shutterstock)

BitConnect được xem là vụ lừa đảo theo kịch bản Ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) kinh điển nhất ở thị trường tiền ảo, gây thiệt hại hơn 2,5 tỷ USD cho hàng trăm nghìn nhà đầu tư chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm.

Tại Việt Nam, tiền ảo đa cấp BitConnect đã khiến hàng chục nghìn người Việt lao đao, trong đó có thể kể tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Tâm sự trên Facebook, tác giả “Nhật ký của mẹ” chia sẻ rằng đã mất 15.000 USD vì BitConnect.

Cho đến khi sập vào năm 2018, tài sản của BitConnect đã bị tòa án Mỹ phong tỏa dẫn tới đồng BitConnect Coin mất tới hơn 90% giá trị chỉ sau một đêm.

Trùm lừa đảo John Louis Anthony Bigatton, 52 tuổi quốc tịch Úc, bị tòa án Úc cáo buộc ở sáu tội danh với án phạt từ 2 - 10 năm tù giam.

Đầu năm 2021, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã kiện BitConnect và nhà sáng lập Ấn Độ Statish Kumbhani. Ngoài ra, SEC cũng kiện Glen Arcaro, người quảng bá đồng tiền này ở Mỹ và Future Money Ltd, công ty mà Arcaro thành lập để lừa mọi người tham gia chương trình cho vay của BitConnect.

SEC cáo buộc BitConnect lừa các nhà đầu tư Mỹ tổng cộng 2 tỷ USD.

4. Vụ Poly Network - Vụ đánh cắp tiền mã hóa lớn nhất lịch sử

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Vụ tấn công Poly Network được ghi nhận là vụ đánh cắp tiền mã hóa lớn nhất lịch sử. (Nguồn: Shutterstock)

Vụ tấn công Poly Network ngày 10/8/2021 được ghi nhận là vụ đánh cắp tiền mã hóa lớn nhất lịch sử tính đến thời điểm hiện tại, khiến nền tảng này mất hơn 600 triệu USD.

Poly Network là nền tảng DeFi (tài chính phi tập trung) giúp người dùng có thể hoán đổi token giữa các blockchain với nhau. Tin tặc đánh cắp hàng trăm triệu USD tiền ảo nhờ khai thác lỗ hổng trong hệ thống Poly Network.

Không giống như những vụ hack tiền ảo trước đây, Poly Network đã thành công đòi lại số tiền bị mất cắp từ tin tặc sau khi chúng tuyên bố chỉ hack “cho vui”.

Dù vậy, vụ trộm vẫn phơi bày rủi to từ các nền tảng DeFi, vốn cho phép người dùng trao đổi tiền mà không cần thông qua đơn vị trung gian.

5. Sàn tiền ảo lớn nhất Nhật Bản Coincheck bị hack

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Coincheck bị hack năm 2018. (Nguồn: Cointelegraph)

Ngày 26/1/2018, Coincheck đã phát hiện sàn này bị xâm nhập trái phép và giao dịch tất cả các đồng tiền ảo đã bị ngừng sau đó, trừ đồng bitcoin. Số tiền bị đánh cắp lên tới 58 tỷ yen (530 triệu USD).

Coincheck được thành lập năm 2012 và là một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn ở Nhật Bản, cùng với bitFlyer Inc. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản phạt Coincheck do đã không có đủ biện pháp an toàn để bảo vệ tài khoản của khách hàng.

Sau sự cố, sàn giao dịch tiền ảo Coincheck tại Nhật Bản trả lại khoảng 400 triệu USD cho các khách hàng bị đánh cắp tài khoản.

Coincheck dùng các quỹ riêng để hoàn lại khoảng 46,3 tỷ yen cho toàn bộ 260.000 khách hàng đã bị mất tài khoản NEM, đồng tiền ảo lớn thứ 10 thế giới về giá trị vốn hóa thị trường.

6. Lệnh truy nã quốc tế với nhà sáng lập Thodex

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh truy nã quốc tế nhà sáng lập Faruk Fatih Özer. (Nguồn: T24)

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh truy nã quốc tế nhà sáng lập Faruk Fatih Özer của công ty giao dịch tiền mã hóa Thodex.

Người này được cho là đã bỏ trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 20/4/2023, trước khi sàn giao dịch đóng cửa 2 ngày sau đó. Ông Özer, đăng trên website của Thodex, hứa hẹn sẽ trả tiền cho nhà đầu tư và quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, người này không tiết lộ địa điểm hiện tại của mình, cũng như hẹn thời gian trả tiền và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Dữ liệu từ CoinMarketCap, trước khi ngừng giao dịch lượng tài sản trên Thodex vào khoảng 585 triệu USD.

7. Sự sụp đổ của stable coin Luna và UST

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Nhà sáng lập Terra Luna – Do Kwon đã bị bắt. (Nguồn: Shutterstock)

Terra Luna, xuất phát điểm vào năm 2020, và bùng nổ vào năm 2021. Terra, một blockchain định hướng giải quyết bài toán thanh toán.

Trung tâm của hệ sinh thái này là các đồng tiền được neo giá, hay còn được gọi là stablecoin, trong đó nổi bật nhất là đồng UST.

Thông qua Anchor protocol – một giao thức cho vay trên hệ sinh thái Terra, UST cung cấp một lãi suất gửi tiết kiệm hết sức hấp dẫn, ở mức gần 20% một năm (rất cao so với lãi suất ngân hàng các nước). Đặt trong một bối cảnh thị trường với những biến động tăng cao, sức hấp dẫn của UST cứ thế tăng lên theo thời gian.

Nhưng khi thị trường giảm mạnh trong năm 2022, trên giao thức Anchor người gửi tiết kiệm thì nhiều, mà người vay thì ít. Sức hấp dẫn ‘lãi suất 20%’ đã không thể được duy trì, do đó tháng 3/2022, Anchor chính thức đưa ra đề xuất sẽ cắt giảm lãi suất theo từng tháng.

Tháng 5/2022 người dùng bắt đầu rút tiền ồ ạt khỏi Anchor khiến cả 2 đồng coin UST và Luna lao dốc không phanh, sau đó trở thành “một mớ” vô giá trị. Một hệ sinh thái 60 tỷ đô đã bị quét sạch chỉ vỏn vẹn trong một tuần.

Đã có những vụ tự tử, quỹ đầu tư chịu thiệt hại nặng nề, nhưng hơn cả, sự sụp đổ của Terra Luna đã gây lên một vụ khủng hoảng thanh khoản trên toàn thị trường.

Tháng 3/2023 nhà sáng lập Terra Luna – Do Kwon và cộng sự đã bị bắt tại Montenegro khi cả hai đang trên đường lên một máy bay riêng đến Dubai.

Việc bắt giữ được các nhà chức trách Montenegro thực hiện theo lệnh bắt giữ quốc tế, ban hành sau sự sụp đổ của hai đồng tiền số là Luna và UST khiến thị trường này giảm 40 tỷ USD, khiến nhiều người chơi điêu đứng.

Do Kwon cũng bị Hàn Quốc và Mỹ cáo buộc lừa đảo.

8. "Thảm kịch" của sàn giao dịch FTX

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Sam Bankman-Fried là cựu CEO của FTX đã vướng vào vòng lao lý. (Nguồn: Reuters)

Tháng 10/2022, sàn giao dịch FTX lộ thông tin bảng cân đối kế toán với nhiều thông tin cho thấy việc chiếm dụng tài sản khách hàng. CZ – CEO sàn giao dịch Binance, tuyên bố sẽ bán toàn bộ FTT vì sự thiếu minh bạch của FTX. Người dùng đồng loạt quay lưng rút tiền ồ ạt ra khỏi sàn giao dịch FTX.

Giá FTX giảm từ 26 USD về 1,3 USD vào cuối tháng 11/2022. Sam Bankman-Fried (CEO của FTX) phải thừa nhận hành động của mình và tuyên bố phá sản do không thể trả tiền lại cho khách hàng.

Bankman-Fried, 31 tuổi, bị kết tội với 7 cáo buộc hình sự, bao gồm: lừa đảo qua đường điện tín (wire fraud), âm mưu thực hiện hành vi lừa đảo qua đường điện tín với khách hàng của FTX và chủ nợ của Alameda Research; âm mưu lừa đảo chứng khoán và âm mưu lừa đảo hàng hóa với nhà đầu tư của FTX cũng như âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền.

Cựu CEO này có thể đối mặt với mức án tù tối đa là 115 năm cho tất cả những tội danh trên.

9. Phạt Binance 4,3 tỷ USD

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Binance và nhà sáng lập CZ bị SEC kiện. (Nguồn: Reuters)

Tháng 6/2023, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) đã đâm đơn kiện Binance và nhà sáng lập CZ về tội vận hành sàn giao dịch không đăng ký và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư bằng cách sử dụng quỹ Sigma Chain (trụ sở Thụy Sĩ) do chính CZ sở hữu để tăng khống khối lượng giao dịch trên nền tảng của Binance tại Mỹ.

CZ cũng đã trình diện trước tòa án Seattle (Mỹ) và nhận tội không tuân thủ quy định chống rửa tiền và vi phạm lệnh trừng phạt do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra.

Sàn giao dịch phải cấp phép cho Bộ Tài chính quyền truy cập vào sổ sách và hồ sơ của Binance theo điều khoản giám sát 5 năm.

Binance đã đồng ý nộp phạt 4,3 tỷ USD để giải quyết cáo buộc liên quan. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt các cuộc điều tra kéo dài đối với sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.

10. Sàn giao dịch kỹ thuật số lớn nhất nước Mỹ Coinbase bị kiện

10 vụ bê bối đình đám nhất trong thế giới tiền điện tử
Coinbase bị kiện với cáo buộc đưa ra thông tin sai lệch và giao dịch chứng khoán chưa đăng ký. (Nguồn: Reuters)

Ngày 6/6/2023, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) đã kiện Coinbase, sàn giao dịch kỹ thuật số lớn nhất nước Mỹ, cáo buộc nền tảng này đã không đăng ký tư cách sàn giao dịch chứng khoán, gây ra những nguy cơ với các nhà đầu tư.

Những động thái của SEC đánh dấu bước quan trọng trong chiến dịch nhằm kiểm soát ngành công nghiệp tiền ảo mà nhiều năm qua vẫn hoạt động ngoài vòng khuôn khổ pháp lý.