Ngày 17/5, tại Hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?” do báo Thanh niên tổ chức tại TP HCM, ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) đã đại diện VNA nói riêng và các hãng hàng không nói chung để trả lời về vấn đề giá vé máy bay tăng cao.

Theo đó, ông Tuấn thừa nhận việc giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam thời gian qua đã tăng khoảng 15-20%. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định mức tăng vẫn chưa vượt các khung quy định.

“Mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ 43% so với quy định", vị Phó tổng giám đốc cho biết.

Việc giá vé máy bay vọt tăng mạnh cũng được ông Đặng Anh Tuấn lý giải là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76 - 77%. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu cùng tỷ giá được cho biết đã lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Vấn đề chi phí này là khách quan và nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của VNA mà là chung cho các hãng hàng không.

"Về xăng dầu, so sánh mặt bằng giá năm 2024 với 2019, chi phí xăng dầu bị đội lên với Vietnam Airlines là 5.700 tỷ đồng. Riêng nói về tỷ giá thì chúng tôi mất 4.700 tỷ. Cộng hai khoản này, chúng tôi đã mất khoảng 11.000 tỷ đồng. Tôi nghĩ các hãng hàng không khác cũng tương tự. Chúng tôi không kiểm soát được" ông Đặng Anh Tuấn chia sẻ.

Các nguyên do như thời gian bảo trì kéo dài do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu máy bay, chi phí thuê máy bay tăng gấp đôi… khiến cho năng lực cung ứng vận tải hàng không trong năm nay giảm mạnh cũng được đưa ra để lý giải cho tình trạng tăng giá hiện tại.

Theo đại diện Vietnam Airlines, các hãng bay thực tế đã phải rất nỗ lực, hoạt động hết công suất, không kể ngày đêm để phục vụ khách hàng. Ông cũng cho biết dù giá vé máy bay tăng cao nhưng ngành hàng không Việt Nam chỉ được phần lãi rất ít, trên thực tế các hãng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vietnam Airlines: Hiện tại hàng không chỉ lãi 1 đô la/ khách... gặp mưa giông cũng bay theo

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin: "Hiện tại ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 đô la/khách. Nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông – phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 đô la nêu trên cũng bay theo"...

Năm 2023-2024, thậm chí trước đó một chút, do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị và chuỗi cung ứng đứt gãy, rất nhiều cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng trong ngành hàng không thiếu người. Trước đây chúng tôi gửi một động cơ đi sửa mất khoảng 150 ngày, nhưng bây giờ mất 200-300 ngày, thậm chí cả năm máy bay mới quay lại phục vụ được. Tất cả những yếu tố đó đều tính vào chi phí của hãng.

Thêm vào đó, giá thuê tàu bay trên thế giới hiện đắt gấp đôi so với trước đây. Nhưng kể cả như vậy, việc đi thuê cũng rất khó khăn", ông Tuấn phân tích những lý do khiến giá vé tăng cao.