Khai thác khoáng sản làm vật liệu phục vụ đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành văn bản số 4766/BTNMT-KSVN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù…

Trên cơ sở ý kiến của bộ ngành, địa phương, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm rõ thêm thủ tục với các mỏ khoáng sản, nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác.

Văn bản 4766/BTNMT-KSVN cho biết: về thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản, thì UBND các tỉnh/thành phố thực hiện xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản trong Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công dự án.

Về bảo vệ môi trường: Đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở các đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông; tuân thủ quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông.

Về khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng: Đối với các mỏ đã được khảo sát, thăm dò xác định chất lượng, trữ lượng trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án, UBND các tỉnh/thành phố thực hiện các thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công dự án...

Trường hợp hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa có số liệu về tài nguyên, trữ lượng, địa phương chỉ đạo việc thực hiện khảo sát nhanh mà không phải thực hiện các thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản (không quy định mức độ xác định cấp tài nguyên, trữ lượng). Địa phương cân nhắc mức độ khảo sát, đánh giá để có số liệu lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Kết quả khảo sát sẽ được sử dụng để lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Việc khảo sát nhanh có thể tham khảo một số bước cần thiết theo Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13/1/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khai thác khoáng sản làm vật liệu phục vụ đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Ảnh minh họa: VnEconomy
Khai thác khoáng sản làm vật liệu phục vụ đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Ảnh minh họa: VnEconomy

Xác định kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản: Do các nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, nên việc tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp không bắt buộc tiến hành thăm dò quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản, hoặc trường hợp không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐCP ngày 31/7/2019 của Chính phủ.

UBND cấp tỉnh căn cứ khối lượng khoáng sản theo Hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác, tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở xác định các nghĩa vụ tài chính liên quan để yêu cầu nhà thầu thực hiện. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức được tính theo sản lượng khai thác thực tế và thu theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP...

Liên quan đến việc xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư (trong đó có đơn giá tính chi phí hoàn trả) được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ, quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư; Thông tư số 23/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về tổ chức xác định, thẩm định và phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do nhà nước đã đầu tư.

Trường hợp chi phí thăm dò khoáng sản do các tổ chức, cá nhân khác đã đầu tư, thì việc hoàn trả được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Cụ thể, được thực hiện với nguyên tắc “tự thỏa thuận” theo pháp luật về dân sự. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép quyết định chi phí đã đầu tư phải hoàn trả theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.

Về thu hồi, sử dụng đất: Đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc các hạng mục của dự án, được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai, các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật.

Các khu mỏ đất không thuộc các hạng mục của dự án được phê duyệt theo quy định, sẽ thuộc trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai. Do đó, chủ đầu tư thực hiện sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai.

Gia hạn thời gian hoàn thành Công viên hồ điều hòa Mai Dịch

Trả lời câu hỏi của các cử tri quận Cầu Giấy về việc đề nghị UBND TP sớm bàn giao Công viên hồ điều hòa Mai Dịch về cho quận và phường quản lý, khai thác, bảo vệ môi trường, xanh, sạch, đẹp, phục vụ Nhân dân, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án công viên hồ điều hòa Mai Dịch đã khởi công từ ngày 18/1/2016.

Đến nay nhà đầu tư đã hoàn thành thi công đối với phần khối lượng theo Hợp đồng BT và chính thức mở cửa phục vụ nhân dân từ ngày 1/1/2019 theo chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 9825/VP-ĐT ngày 13/12/2018.

Đối với các hạng mục bổ sung ngoài Hợp đồng BT theo chủ trương của UBND TP và các hạng mục phát sinh, bổ sung, điều chỉnh đã thi công hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự án: Nhà đầu tư đang phối hợp với sở Xây dựng hoàn thiện Hồ sơ thẩm định điều chỉnh Thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán điều chỉnh.

Vào ngày 22/2, UBND TP đã có thông báo số 46/TB-VP truyền đạt kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn tại buổi kiếm tra thực địa và làm việc tại Công viên hồ điều hòa Mai Dịch.

Theo đó, yêu cầu UBND quận Cầu Giấy và UBND quận Nam Từ Liêm phối hợp với DN thực hiện dự án tăng cường công tác quản lý đảm bảo trật tự đô thị và VSMT khu vực công viên, hồ điều hòa trong thời gian chờ hoàn thiện các quy trình, thủ tục để tiếp nhận, bàn giao theo quy định.

Một góc Công viên hồ điều hòa Mai Dịch. Ảnh: Kinh tế & Đô thị
Một góc Công viên hồ điều hòa Mai Dịch. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Cụ thể, dự án Xây dựng Khu công viên và Hồ điều hòa khu vực phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch theo hình thức hợp đồng BT được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6173/QĐ-UBND ngày 28/12/2012. Phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 29/7/2022, thời gian thực hiện dự án là hoàn thành quý IV/2022. Tổng mức đầu tư là 648,674 tỷ đồng.

Hiện nay, dự án thực hiện điều chỉnh, bổ sung, phát sinh thiết kế đối với 13 hạng mục công trình, trong đó đã thực hiện thi công hoàn thành 11/13 hạng mục trong phạm vi hợp đồng BT ban đầu.

Với các nội dung theo hợp đồng BT đã ký ban đầu: Đến nay, đã cơ bản hoàn thành và chính thức mở cửa phục vụ Nhân dân từ ngày 1/1/2019 theo chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 9825/VP-ĐT ngày 13/12/2018; 2 hạng mục bổ sung ngoài Hợp đồng BT theo chủ trương cảu UBND TP: Bổ sung 3 giếng khoan và bể lọc nước phục vụ bổ cập nước vào các Hồ điều hòa, khớp nối hệ thống thoát nước khu phía Nam của Dự án với hệ thống thoát nước khu vực chung (khoảng 150m cống hộp). Đến tháng 10/2022, nhà đầu tư đã trình và đang phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức thẩm định điều chỉnh thiết kế BVTC-DT.

Sau khi thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh được phê duyệt, mới tiếp tục triển khai thi công các hạng mục bổ sung của dự án; nghiệm thu các hạng mục đã thi công hoàn thành; thống kê danh mục các hạng mục đủ điều kiện để bàn giao đưa vào sử dụng theo quy định, báo cáo UBND TP, Sở Xây dựng xem xét, quyết định. Trong thời gian triển khai các thủ tục trên, nhà đầu tư vẫn là đơn vị chịu trách nghiệm duy trì, cân bằng, vận hành khu công viên, hồ điều hòa của dự án.

Thừa Thiên-Huế thu hồi loạt dự án đầu tư chậm tiến độ

Từ đầu năm 2023 đến nay, bên cạnh quá trình đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng quyết liệt rà soát, giám sát, xử lý thu hồi nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ triển khai kéo dài, cấp lại cho các nhà đầu tư mới có đủ năng lực để thực hiện theo quy định pháp luật. Qua đó góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng.

Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tập trung rà soát, giám sát 79 dự án chậm tiến độ, xử lý theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Kết quả, đến nay địa phương đã thu hồi 35 dự án đầu tư, 1 dự án tiếp tục rà soát thu hồi/thu hồi một phần, 21 dự án cần giám sát đặc biệt, 5 dự án cần đôn đốc tiến độ thực hiện và 17 dự án đã đi vào hoạt động.

Trong 35 dự án đã thu hồi, đến nay tỉnh đã cấp lại 10 dự án cho các nhà đầu tư mới, 4 dự án không kêu gọi đầu tư, 21 dự án đang được các đơn vị liên quan xây dựng thông tin, tiêu chí kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư quan tâm thực hiện.

Hiện nay, một số dự án nằm ở khu vực trung tâm thành phố Huế chậm tiến độ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang giám sát đặc biệt như dự án đầu tư xây dựng tại khu đất số 4 đường Hà Nội; dự án xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp ở số 14-20 Lý Thường Kiệt; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 4.950 tỷ đồng, đạt gần 50% dự toán. Tỉnh đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3.700 tỷ đồng; 415 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 2.750 tỷ đồng.

Hiện nay, tại các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế có 174 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 112.400 tỷ đồng; trong đó, có 44 dự án vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký hơn 70.400 tỷ đồng.

Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt trên 36.600 tỷ đồng (đạt hơn 32% tổng vốn đăng ký đầu tư). Tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ thu hút thêm 7-12 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký và điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.000-5.400 tỷ đồng.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế xã hội; trong đó, tập trung hoàn thành các tuyến đường Phú Mỹ-Thuận An, đường Chợ Mai-Tân Mỹ, đường phía Tây phá Tam Giang-Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ-Phú Đa) trong năm 2023.

Đồng thời, địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2; hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài và đường Vành đai 3…

Quảng Ngãi đề xuất nhiều giải pháp 'gỡ khó' cho dự án bất động sản

Sau khi Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 25 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư có hiệu lực, Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 20 dự án với tổng diện tích khoảng 332ha, vốn đăng ký thực hiện khoảng 10.332 tỷ đồng (4 dự án theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; 16 dự án theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Quảng Ngãi đã rà soát, xử lý và xác định được nhà đầu tư thực hiện dự án cho 15 dự án, 5 dự án còn lại đang thực hiện các bước tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Dù vậy, việc phát triển các dự án bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại báo cáo 3034/UBND-KTTH ngày 30/6/3023 với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, do quy định về thủ tục, pháp lý trong triển khai thực hiện dự án còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đất đai… cần được cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh bổ sung.

Đơn cử, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức đấu thầu đối với trường hợp phần diện tích thực hiện chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp này, dự án phải thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất và phải được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo hình thức đẩu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai, dự án nhà ở thương mại không thuộc trường hợp được nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi “dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở” mới thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất.

Như vậy, các dự án nhà ở thương mại tại thời điểm hiện nay thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu dự án không thực hiện được việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vì không thuộc trường hợp được thu hồi đất.

Một dự án bất động sản ở Quảng Ngãi.
Một dự án bất động sản ở Quảng Ngãi. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Một vấn đề khác nữa là, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở, trường hợp diện tích đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng thì thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất nhưng chưa quy định đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư

Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung quy định về trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn thông qua hình thức đấu dự án có sử dụng đất và được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư như đã nêu trên.

Đối với việc thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, quy định của các luật liên quan còn chưa thống nhất, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn kiến nghị một số vấn đề đối với các dự án đã chấm dứt chủ trương đầu tư.

Cụ thể, trường hợp dự án đã có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tải định cư, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị cho phép cơ quan có thẩm quyền hủy các quyết định này.

Trường hợp đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt từ 90% trở lên diện tích dự án thì giao cho tổ chức Phát triển quỹ đất hoặc hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiếp tục triển khai.

Trường hợp đã tiến hành chi trả một phần (nhỏ hơn 90% diện tích dự án) thì cho phép hủy bỏ thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các thửa đất chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các thửa đất đã thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giao cho Tổ chức Phát triển quỹ đất quản lý.