Theo Bộ Tài chính, tại thời điểm 31/12/2023, có khoảng 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm nay với tổng giá trị 99.558 tỷ đồng.

92 doanh nghiệp bất động sản sắp đáo hạn gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu

Danh sách các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đáo hạn năm nay lên đến hàng nghìn tỷ đồng bao gồm Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên 7.200 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Golden Hill hơn 5.760 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An 4.700 tỷ đồng; CTCP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam 4.695 tỷ đồng; Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng...

Doanh nghiệp địa ốc có giá trị trái phiếu đáo hạn năm nay hàng nghìn tỷ đồng như Công ty CP Đại Phú Hòa 3.560 tỷ đồng; Công ty CP Thương mại và dịch vụ Danh Việt 3.044 tỷ; Tập đoàn Vingroup 2.600 tỷ đồng; CTCP Kinh doanh Bất động sản S - Việt Nam 2.500 tỷ; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) 2.300 tỷ; CTCP Vinhomes 2.160 tỷ; CTCP Phát triển bất động sản Nhật Quang 2.150 tỷ; CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) có 2.000 tỷ; Công ty TNHH Đầu tư Big Gain 2.000 tỷ; CTCP Phú Thọ Land 1.900 tỷ; CTCP Đầu tư Hải Phát 1.344 tỷ; CTCP Hưng Thịnh Land 1.100 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest 1.300 tỷ đồng, Tập đoàn Sunshine khoảng 1.300 tỷ đồng, Công ty CP Sunshine AM khoảng 4.400 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư Nam Long khoảng 3.100 tỷ đồng...

Bộ Tài chính cũng đưa ra danh sách 182 doanh nghiệp bất động còn dư nợ trái phiếu tính tới cuối năm 2023 với tổng số dư 351.390 tỷ đồng.

Trong danh sách này cũng có nhiều nhà phát triển bất động sản quy mô lớn tại thị trường trong nước có số dư trái phiếu doanh nghiệp trên chục nghìn tỷ đồng như: Công ty TNHH Capitaland Tower 12.240 tỷ đồng; CTCP Vinhomes 11.160 tỷ; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) 10.406 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát 10.000 tỷ đồng; CTCP Thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân 9.736 tỷ; CTCP Bất động sản Hano-vid 9.544 tỷ; CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam 9.299 tỷ; CTCP Bất động sản Mỹ 7.773 tỷ đồng;...

Để giảm áp lực nợ trái phiếu trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản theo nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ.

Trong đó kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 3/2024, tính đến ngày 22/3/2024 đã có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 3.750 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 10.715 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng giá trị phát hành) và 10 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 8.065 tỷ đồng (chiếm 75,3% tổng số).

Theo đánh giá, nếu so với tình trạng gần như đóng băng của phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1/2023 khi hầu như không có đợt phát hành nào thì kết quả phát hành trong quý I/2024 đã hết sức khả quan.

Dữ liệu của VBMA về trái phiếu doanh nghiệp được mua lại cũng cho thấy, trong tháng 3/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 4.475 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 18.278 tỷ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 45,1% tổng giá trị mua lại, tương ứng khoảng 8.250 tỷ đồng.

Liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, theo VBMA, từ nay đến hết năm 2024, tổng giá trị trái phiếu là 213.521 tỷ đồng, trong đó 37% giá trị trái phiếu thuộc nhóm bất động sản (khoảng 79.597 tỷ đồng), theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng, chiếm 26%.

Theo Công ty Chứng khoán MSB, áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm vẫn rất lớn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Chính sách cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc sản phẩm khác tiếp tục được nối dài sang năm 2024, giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực vào thời điểm đáo hạn, tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn khá lớn với khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng 4% so với năm trước sau khi đã trừ đi các khoản trái phiếu mua lại. Theo MSB, áp lực đáo hạn sẽ rơi vào lần lượt quý II/2024 (với 74 nghìn tỷ đồng) và quý III/2024 (với 52 nghìn tỷ đồng).

Công ty Xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings đánh giá trong năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển mới bắt đầu từ triển vọng tín dụng cải thiện. “Chúng tôi cho rằng tỷ lệ chậm trả gốc, lãi đã đạt đỉnh trong năm 2023. Triển vọng tín dụng sẽ cải thiện dần trong năm 2024, được hỗ trợ bởi điều kiện kinh doanh trong nước hồi phục và chi phí huy động vốn ở mức thấp. Điều này sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ và tìm kiếm nguồn tài chính mới của các doanh nghiệp”, các chuyên gia của VIS Ratings nhận định.