Quản lý chặt phát triển nhà ở cao tầng trung tâm Hà Nội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã). Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359 km2.

Quy hoạch cũng đưa ra dự báo đến năm 2030, TP Hà Nội có khoảng 11,9 triệu người, trong đó 10,5 triệu người thường trú. Dự kiến đến năm 2045, số người tăng lên khoảng 14,6 triệu người.

Quy hoạch với mục tiêu đưa Hà Nội thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa.

Tin bất động sản 17/6: Quản lý chặt phát triển nhà ở cao tầng trung tâm Hà Nội
Quy hoạch đặt ra mục tiêu TP Hà Nội có nhiệm vụ dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Ảnh minh họa

Trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố. Nhiệm vụ cụ thể là xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm. Trong quy hoạch phải nêu ra được các định hướng chung về quản lý chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực.

Yêu cầu trọng tâm khác của quy hoạch là nêu ra giải pháp quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia (đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt) gắn với lộ trình triển khai thực hiện theo từng giai đoạn.

TP Hà Nội cũng phải đề xuất được các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường.

Khung chính sách bồi thường Dự án đường HCM đoạn Chơn Thành-Đức Hòa

Theo Công văn số 548/TTg-CN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bình Dương, Long An và Tây Ninh chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin và số liệu; chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3950/QĐ-BGTVT ngày 17/12/2007 với quy mô đường cấp 3, hai làn xe.

Dự án đã được khởi công xây dựng từ năm 2009. Tuy nhiên, việc thi công dự án đã bị đình hoãn từ năm 2011.

Triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, ngày 28/7/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với quy mô hai làn xe.

Theo chủ trương đầu tư được duyệt, tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án trong năm 2023, hoàn thành trong năm 2025.

Hải Phòng: Dự án xử lý nước thải Tràng Minh đi vào hoạt động sau 8 năm ì ạch

Những ngày gần đây, người dân hai bên kênh Đò Vọ, phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng bắt đầu cảm nhận được sự cải thiện về chất lượng nguồn nước, mà dễ thấy nhất là bớt đi mùi tanh hôi từ dưới kênh phả lên. Đó là nhờ trạm xử lý nước thải Tràng Minh và hệ thống phụ trợ bắt đầu hoạt động tương đối đầy đủ.

Kênh Đò Vọ nằm trong hệ thống tiêu thoát nước của toàn quận Kiến An, nhiều năm qua luôn trong tình trạng ô nhiễm. Lý do là, con kênh này nhận toàn bộ nước thải của làng nghề thu gom phế liệu phường Tràng Minh, từ vài hộ hình thành tự phát từ những năm 1980 đến nay là gần 100 hộ, chiếm hơn 80% số hộ trong khu vực. Toàn bộ nước thải của quá trình thu gom, xử lý phế liệu không qua hệ thống xử lý môi trường mà chảy thẳng ra dòng kênh này.

Ngoài ra, Đò Vọ còn phải tải phần lớn nước thải sinh hoạt của các phường khác của quận Kiến An, nên con kênh này càng ô nhiễm, ảnh hưởng kinh khủng đến cuộc sống của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, tháng 6/2014, Chủ tịch UBND Hải Phòng ban hành Quyết định 1354 phê duyệt dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường Tràng Minh với tổng vốn 120 tỉ đồng và giao quận Kiến An làm chủ đầu tư.

Dự án gồm nhiều hạng mục, từ hệ thống cống thu gom đến trạm xử lý nước thải, với nhiệm vụ không chỉ xử lý nước thải làng nghề Tràng Minh, mà còn cả nước thải sinh hoạt tại khu vực từ ngã 5 Kiến An đến cầu Nguyệt, thuộc địa bàn ba phường Trần Thành Ngọ, Phù Liễn và Tràng Minh của quận Kiến An.

Công trình thiết thực về môi trường, phục vụ dân sinh này được khởi công cuối tháng 3/2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

Tin bất động sản 17/6: Quản lý chặt phát triển nhà ở cao tầng trung tâm Hà Nội
Trạm xử lý nước thải Tràng Minh được kỳ vọng cải thiện môi trường dòng nước kênh Đò Vọ sát cạnh. Ảnh: PLO

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã phát sinh một số hạng mục như nạo vét tuyến cống hộp hiện có nằm giữa 2 tuyến thoát nước xây mới để lưu thông dòng chảy; bổ sung khối lượng xây dựng khác nhằm tăng khả năng thu gom nước thải trong khu vực vào hệ thống xử lý nước thải của nhà máy… Vì vậy UBND quận Kiến An điều chỉnh dự án, dự kiến đến năm 2019 đi vào hoạt động

Thế nhưng việc thiếu vốn và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã khiến tiến độ triển khai dự án không đạt được, kể cả khi đã điều chỉnh. Phải đến tháng 7/2020, trạm xử lý nước thải làng nghề Tràng Minh mới được vận hành thử nghiệm…

Nhưng ngay cả như vậy, công trình xử lý môi trường rất ý nghĩa dân sinh này cũng chưa thể đưa vào phục vụ người dân Kiến An ngay.

Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh sau khi được chủ đầu tư là quận Kiến An hoàn thành thì được bàn giao cho đơn vị này. Tiếp đó, Sở phải thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành dự án. Đơn vị trúng thầu là liên danh giữa Công ty Cổ phần Công trình công cộng và Xây dựng Hải Phòng với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại ACC.

Ông Vũ Đức Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công trình công cộng và Xây dựng Hải Phòng, cho biết, đến ngày 21/3 vừa qua, đơn vị mới chính thức tiếp nhận và vận hành hệ thống xử lý nước thải Tràng Minh. Nhưng do thời gian dài không hoạt động, nhiều hạng mục, trang thiết bị công trình bị hư hỏng nên lại phải tiến hành sửa chữa, khắc phục, để rồi đầu tháng 6 này mới chính thức đi vào hoạt động.

Sau 8 năm dự án ì ạch, những ngày này trạm xử lý nước thải Tràng Minh đã hoạt động ổn định với công suất xử lý khoảng 1.300 m3/ngày đêm so với công suất thiết kế 1.500 m3. Qua kiểm định, nước thải được thu gom sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN 40:2011.

Sẽ giải tỏa làng nghề phế liệu Tràng Minh Ô nhiễm ở phường Tràng Minh không chỉ là nước thải. Không khí khu vực này cũng là một vấn đề lớn do các hộ làng nghề thu gom phế liệu vẫn đốt trộm phần rác không tái chế. Do đó, UBND phường Tràng Minh cho biết, giai đoạn đầu từ 2021-2025, địa phương có chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường, trong đó đang dự kiến sang giai đoạn tiếp theo, 2025-2030, sẽ tiến tới giải tỏa làng nghề tự phát này.

Khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Bắc Giang

Chiều 16/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, toàn tỉnh có 12 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Tỉnh đặt mục tiêu tới năm 2025 giải quyết 80% nhu cầu nhà ở của công nhân trên địa bàn và tới năm 2030 giải quyết 90% nhu cầu này.

Theo chủ đầu tư, là liên danh Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Hải Phòng và CTCP đầu tư phát triển Bền vững Evergreen Bắc Giang, dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh được quy hoạch với tổng diện tích 12,6 ha, quy mô 16 tòa nhà chung cư cao 20 tầng và tổng mức đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng. Dự kiến cung cấp khoảng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ cho hơn 20.000 người lao động.

Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất cả nước đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sẽ bàn giao hơn 800 căn hộ vào cuối năm 2023, phấn đấu bàn giao toàn bộ vào cuối tháng 3/2024. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bắt đầu bàn giao nhà vào quý IV năm 2024.

Giai đoạn 3 và giai đoạn 4 dự kiến sẽ bắt đầu triển khai khởi công xây dựng vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 tới. Hiện đã có hơn 600 khách hàng đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký và gần 500 khách hàng đã được phê duyệt mua nhà ở xã hội.

Tin bất động sản 17/6: Quản lý chặt phát triển nhà ở cao tầng trung tâm Hà Nội
Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các dự án nhà ở xã hội, sớm có Nghị quyết, Đề án về phát triển nhà ở xã hội, chú ý công tác quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các dự án. Thủ tướng cũng cảm ơn các doanh nghiệp đã cùng Nhà nước, chính quyền các cấp tích cực triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Nhiều năm qua, việc giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước có hạn, và phải dành nguồn lực cho các ưu tiên khác.

Do đó, phải xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực cho xây dựng nhà ở xã hội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trên tinh thần đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách; cần có sự góp ý của các địa phương, nhà đầu tư, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, nơi tập trung nhiều công nhân, người có thu nhập thấp để xây dựng, hoàn thiện các quy định.

Thủ tướng lưu ý, các chính sách phải đồng bộ thì mới giải quyết được khó khăn về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp; cần hỗ trợ cả người xây dựng và người sử dụng nhà ở xã hội, gồm các hình thức mua, thuê và thuê mua nhà.

"An cư mới lạc nghiệp. Xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, chúng ta phải chung sức, đồng lòng tìm ra lời giải có hiệu quả nhất để triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội khang trang, đẹp đẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường, giá cả phải chăng, phù hợp với người có thu nhập thấp".

Thủ tướng đề nghị Bắc Giang và các địa phương tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất, triển khai các dự án nhà ở xã hội với các thiết chế đồng bộ về văn hóa, thể thao, xã hội, môi trường… để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động; sử dụng hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi, tuyên truyền, vận động để công nhân, người thu nhập thấp tiếp cận vốn vay để mua nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng trên 157 nghìn căn, với tổng diện tích gần 8 triệu m2. Cả nước đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng trên 432 nghìn căn, với tổng diện tích trên 22,5 triệu m2.