Hà Nội: Phấn đấu thêm 920 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2022
Hà Nội đặt mục tiêu chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%

Theo đó, Kế hoạch đã đề ra 6 giải pháp cụ thể, như kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu... Sở Công Thương Hà Nội được giao chủ trì, triển khai; giám sát các hoạt động, kết quả thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Thành phố đặt mục tiêu năm 2022 có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%.

Năm 2021, UBND thành phố đặt mục tiêu có 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 11%.

Kế hoạch này cũng nêu rõ mục tiêu chung là: Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội. Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày.

Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang (huyện Thanh Trì).
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang (huyện Thanh Trì).

Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội.

Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội, tạo dựng và nâng cao năng lực hệ thống doanh nghiệp, góp phần hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết của các doanh nghiệp được hỗ trợ với hệ thống các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như từng bước xuất khẩu.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung vào một số nội dung như: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời, xây dựng Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Hà Nội.