Ngày 16/4, tại TP HCM, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: mã chứng khoán PNJ) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để thảo luận về các kết quả và định hướng kinh doanh, kế hoạch mở rộng, phát hành cổ phiếu tăng vốn...

Trong năm 2023, PNJ đã cắt giảm nhiều chi phí để có thể có tăng trưởng lợi nhuận 8%, do đó trong năm 2024 khó có thể cắt giảm thêm. Thị trường vàng đang biến động nhiều hơn, những mặt hàng mới như vàng miếng có doanh số tăng nhưng biên lợi nhuận thấp hơn ảnh hưởng đến lợi nhuận chung.

PNJ đặt mục tiêu lãi trên 2.000 tỷ đồng, lên kế hoạch tăng vốn 3.399 tỷ đồng

Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 35 năm hoạt động của PNJ. Với kết quả trên, HĐQT PNJ trình ĐHĐCĐ thông qua mức cổ tức năm 2023 là 20%, giá trị hơn 669 tỷ đồng.

Trong đó, PNJ sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2023 là 6% (gần 201 tỷ đồng) vào ngày 12/04 tới. Như vậy, cổ đông PNJ sẽ còn đợt nhận cổ tức 2023 với tỷ lệ còn lại 14%, ứng với hơn 468 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2024 tiếp tục là 20% bằng tiền.

Trong năm 2024, ban lãnh đạo PNJ đặt mục tiêu doanh thu 37.147 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 2.089 tỷ đồng, đều là các con số kỷ lục nếu đạt được.

Tại đại hội, HĐQT PNJ đã trình ĐHĐCĐ phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2024.

Theo dự kiến số lượng cổ phiếu PNJ phát hành gần 3,35 triệu cổ phiếu ESOP, có thể điều chỉnh số lượng cổ phiếu theo mức vốn điều lệ của công ty tại thời điểm triển khai việc phát hành nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ phát hành chỉ chiếm 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua.

Giá phát hành là 20.000 đồng/cp. Thời gian phát hành cụ thể giao cho HĐQT quyết định trong năm 2024.

Đối tượng mua cổ phiếu ESOP bao gồm Thành viên HĐQT, thành viên Ban điều hành, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ cấp trung, nhân viên chủ chốt thuộc PNJ và các công ty con có đóng góp tích cực trong việc hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2023. Tiêu chí lựa chọn cụ thể, danh sách và số lượng cổ phiếu được mua do HĐQT PNJ phê duyệt.

Về quy định chuyển nhượng, PNJ cho biết 100%/số lượng cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng, 70%/số lượng cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng trong vòng 24 tháng và 40%/số lượng cổ phiếu hạn chế trong vòng 36 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

PNJ đặt mục tiêu lãi trên 2.000 tỷ đồng, lên kế hoạch tăng vốn 3.399 tỷ đồng

Toàn bộ số lượng cổ phiếu phát hành thêm do Công ty thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và/hoặc thưởng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu/cổ phiếu quỹ mà CBNV được nhận phát sinh từ số lượng cổ phiếu ESOP đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo tỷ lệ và thời gian tương ứng với số lượng cổ phiếu ESOP đang bị hạn chế chuyển nhượng.

Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ của PNJ sẽ tăng từ 3.347 tỷ đồng lên mức 3.381 tỷ đồng.

Chia sẻ tại ĐHCĐ Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết: “Giá trị thương hiệu hiện đã đạt gần 500 triệu USD và công ty đặt mục tiêu giá trị thương hiệu đạt 1 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, PNJ đang xây dựng các hoạt động ESG để tăng thêm giá trị thương hiệu công ty”.

Ngoài ra, bà Dung cũng chia sẻ thêm bức tranh năm 2024 thực tế vẫn chưa sáng, nền kinh tế có sự phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng. PNJ sẽ quán xuyến vì bất cứ biến động nhỏ nào cũng có thể biến động đến giá vàng để có giải pháp phù hợp. Hiện, giá vàng tăng thì tài sản tăng cũng gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Vị nữ chủ tịch này cũng trả lời thêm câu hỏi của cổ đông về việc giá vốn PNJ có biến động theo giá vàng không? Theo bà Dung, giá vốn sẽ biến động theo giá nguyên liệu, vì tỷ trọng đang chiếm khoảng 50%. PNJ sẽ có điều chỉnh giá khi biến động hơn 5%.