Hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1

Ngày 28/7, ông Lê Văn Tiếp - Chủ tịch UBND huyện Long Thành, Đồng Nai - cho biết, hiện nay toàn bộ diện tích khu vực 1.810 ha xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cùng 722 ha khu vực dự trữ đất dôi dư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các đơn vị liên quan để thi công các hạng mục của dự án.

Đối với phần diện tích còn lại trong tổng diện tích khoảng 5 ngàn ha của dự án, lãnh đạo UBND huyện Long Thành cho biết, chỉ còn lại vài ha tỉnh Đồng Nai đang giải quyết để phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng toàn bộ mặt bằng của dự án.

Mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành đang được thi công. Ảnh: Tiền Phong
Mặt bằng xây dựng sân bay Long Thành đang được thi công. Ảnh: Tiền Phong

Hiện nay, các cơ quan chức năng của huyện Long Thành đang hoàn thiện tất các hồ sơ liên quan đối với 56 trường hợp cuối cùng của dự án chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Trong đó, 21 trường hợp đã được địa phương công khai phương án, 35 trường hợp còn lại, hội đồng bồi thường đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để công khai phương án bồi thường, hỗ trợ.

Theo UBND huyện Long Thành, sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng từ hơn 20 năm trước, trải qua thời gian dài chờ đợi, dữ liệu về đất đai trong khu vực dự án không được cập nhật, bổ sung khiến những sai sót về nguồn gốc, hiện trạng sử dụng đất xảy ra rất phổ biến khiến cho công giải phóng mặt bằng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với việc bàn giao mặt bằng trên 2.500 ha, chủ đầu tư đã đủ điều kiện để triển khai xây dựng hoàn toàn các hạng mục của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Người dân thuộc diện thu hồi đất mở rộng trụ sở Bộ Công an được tái định cư bằng đất

Sáng 28/7, UBND phường Nguyễn Du, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng tổ chức Hội nghị thông báo về các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, kế hoạch thu hồi đất, đo đạc, kiểm đếm đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản thuộc phạm vi thu hồi đất thực hiện dự án trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, TP Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, Tổ trưởng Tổ công tác giải phóng mặt bằng phường Nguyễn Du cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã tổ chức đo đạc kiểm đếm được 20% số hộ cần kiểm đếm so với quy định.

Ông Đức đề nghị các hộ dân phối hợp trong công tác kiểm đếm, bởi đây là quyền lợi của người dân. Trong trường hợp không thể đo đạc kiểm đếm thực tế, tổ công tác sẽ phải dựa báo hồ sơ quản lý, những hồ sơ này có thể không chính xác với thực tế sử dụng, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. “Nếu không đạt được sự đồng thuận, tổ công tác sẽ tổng hợp đề xuất UBND quận ra quyết định thực hiện kiểm đếm bắt buộc”, ông Đức thông tin.

Ngoài ra, để có thông tin chính xác về địa điểm tái định cư, cơ quan chức năng cũng tổ chức nhiều chuyến xe mời người dân qua thăm quan, kiểm tra, đối chiếu diện tích các ô đất tái định cư tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh để người dân có thông tin chính xác nhất.

Ông Ngô Thế Anh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng cho biết thêm, đây là dự án trọng điểm nên được thành phố hết sức quan tâm và cho cơ chế đặc thù. Theo quy định về giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các quận trên địa bàn TP chỉ tái định cư bằng căn hộ. Tuy nhiên, riêng dự án được phép tái định cư bằng đất.

Thông tin thêm về khu tái định cư cho người dân tại thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ông Thế Anh cho biết, đây là khu đất được đầu tư để phục vụ đấu giá đất thương mại, khu đất có diện tích khoảng hơn 3ha. Các chỉ tiêu quy hoạch, khu đất đấu giá có diện tích thường trên 90m2. Khi chuyển sang tái định cư, huyện Đông Anh đã thực hiện phân lô tách thửa lại phù hợp cơ cấu, suất tái định cư.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung một số bổ sung tại Quyết định số 2668/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 của UBND TP.

Theo đó, UBND TP điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định 2668 về việc giao 32.111m2 đất tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh để phục vụ giao đất tái định cư cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng mở rộng trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng và số 30 phố Trần Bình Trọng – 58 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng.

Theo đó, Quyết định điều chỉnh Điều 1: Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất thực hiện dự án được xác định tại biên bản bàn giao mốc giới trên thực địa ngày 5/7/2023 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Đông Anh. Trong tổng diện tích 32.111m2 đất có: 10.054m2 đất để phục vụ giao đất tái định cư. Hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng lâu dài.

Điều chỉnh Điều 2: UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu giao đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi nhà, đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng mở rộng trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng và số 30 phố Trần Bình Trọng – 58 Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng.

Giao đất tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt. Hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện nghĩa vụ tài chính và lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích, thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Sẽ thanh tra một số dự án giao đất không qua đấu giá, dự án chuyển đổi đất nông nghiệp

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đai đã được giao vừa công bố, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh kết quả thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ rất thấp.

Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành trên cả nước, Bộ TN&MT ghi nhận với đất trồng lúa, chỉ tiêu đến năm 2025 cả nước giảm 184.000 ha, nhưng đến hết năm 2022 lại tăng 13.140 ha. Trong khi đó, với đất rừng phòng hộ, chỉ tiêu sử dụng đất đến hết năm 2025 cả nước tăng 53.400 ha, nhưng đến hết năm 2022 chỉ tăng 2.090 ha.

Chỉ tiêu sử dụng đất đến hết năm 2022 cũng đạt tỷ lệ rất thấp. Chẳng hạn, đất giao thông có chỉ tiêu thực hiện đạt 10,74%, đất thể dục thể thao đạt 5,91%; đất khu công nghiệp đạt 3,61%; đất công trình năng lượng đạt 11,25%.

Theo Bộ TN&MT, nhiều tỉnh, thành đề xuất điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, chủ yếu tập trung vào đất trồng lúa, đất khu công nghiệp.

Với chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa có một tỉnh đề xuất tăng 120 ha và 29 tỉnh đề xuất giảm với diện tích là 90.781 ha, thì đến năm 2025 cả nước còn 3,642 triệu ha; 37 tỉnh, thành đề xuất tăng đất khu công nghiệp với diện tích 46.038 ha; 31 tỉnh, thành đề xuất tăng đất giao thông với diện tích 32.701 ha.

Dành hơn 6.000 ha đất cho phát triển nhà ở tại Đắk Lắk đến năm 2030. Ảnh minh họa
Dành hơn 6.000 ha đất cho phát triển nhà ở tại Đắk Lắk đến năm 2030. Ảnh minh họa

Bộ TN&MT đánh giá, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đòi hỏi sự quyết tâm và quan tâm đầu tư từ các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm. Tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến. Đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Ngoài ra, khiếu kiện đất đai, dù có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tập trung thanh tra một số dự án có giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; một số dự án có chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ do HĐND cấp tỉnh thông qua.

Bộ TN&MT cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh; phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dành hơn 6.000 ha đất cho phát triển nhà ở tại Đắk Lắk đến năm 2030

HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình).

Theo đó, Chương trình tập trung vào 7 giải pháp chính, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách hành chính; đất đai; quy hoạch - kiến trúc; nguồn vốn và thuế; phát triển nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội; khoa học – công nghệ; phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh khoảng 180.588 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 76.091 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 104.496 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất ở xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 6.132 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: khoảng 2.921 ha; giai đoạn 2026 - 2030: khoảng 3.210 ha.

Đối với chỉ tiêu chất lượng nhà ở, đến năm 2030, Đắk Lắk phấn đấu tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh đạt trên 95%, không để phát sinh nhà ở đơn sơ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực đô thị.

Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển nhà ở gắn liền với phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tổng diện tích đất ở xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khoảng 6.132 ha. Ảnh: Kinh tế Môi trường
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tổng diện tích đất ở xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khoảng 6.132 ha. Ảnh: Kinh tế Môi trường

Theo Nghị quyết được phê duyệt, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến mục tiêu từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa; huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn của các thành phần kinh tế và của xã hội tham gia phát triển nhà ở.

Quy hoạch, bố trí, khai thác có hiệu quả quỹ đất và tiềm năng đất đai; thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản, chủ động bình ổn thị trường theo quy luật cung cầu.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng hướng tới phát triển nhà ở thương mại theo quy hoạch được duyệt; rà soát, xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, điểm dân cư nông thôn đồng bộ văn minh, hiện đại, hoàn thiện các dự án nhà ở đưa vào sử dụng; triển khai chỉnh trang, tái phát triển đô thị, khu dân cư hiện hữu; phát triển nhà ở gắn với điều kiện tự nhiên, địa lý, xã hội, phong tục và tập quán của địa phương, góp phần tạo bản sắc đô thị, nông thôn và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở phù hợp với công tác quản lý trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trước đó, giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 7 dự án phát triển nhà do các thành phần kinh tế đầu tư với quy mô sử dụng đất khoảng 124 ha. Trong số đó, với tổng mức đầu tư 5.421 tỷ đồng được chi cho 5 dự án đang triển khai xây dựng hạ tầng đô thị

Một số dự án nhà ở trọng điểm đã khởi công như Dự án Khu đô thị sinh thái - văn hóa cà phê Suối Xanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng; Khu đô thị Ecocity Premia do Tập đoàn Capital House làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng với diện tích gần 50 ha…

Sở Xây dựng Đắk Lắk thông tin, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh dự kiến bổ sung 17 dự án nhà ở đô thị vào Chương trình phát triển nhà ở.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư, việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030).