Dự án mở rộng đường Âu Cơ thi công chậm: Chủ đầu tư phải đắp hoàn trả hơn 600 mét đê

Cho đến nay, dự án hạ đê mở rộng đường Âu Cơ mới chỉ hoàn thành khoảng một nửa. Gồm: đoạn 1 từ khách sạn Thắng Lợi đến đoạn giao với phố Xuân Diệu; đoạn 2 từ Xuân Diệu đến ngõ 123 Âu Cơ.

Đoạn 3, từ ngõ 123 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân và đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân vẫn đang thi công. Đoạn này có chiều dài hơn 700 mét, nền đê sông Hồng được hạ cốt để mở rộng lòng đường. Để phòng chống lũ, một đoạn tường chắn bê tông sẽ được xây dựng với chiều cao từ 3 đến 4 mét.

Hiện tại, đoạn công trình có chiều dài hơn 700 mét này đã được hạ thấp mặt đê. Dự án đang tiến hành dựng khung sắt để đổ móng và tường chắn. Từ số nhà 376 đến 404 nhiều đoạn đã đổ xong tường chắn và chờ dỡ giàn giáo.

Tuy nhiên, giữa tháng 6 vừa qua, đại diện Bộ NN&PTNT đã đề nghị thành phố Hà Nội cho dừng thi công để đảm bảo phòng chống mưa lũ năm 2023. Đặc biệt với các đoạn mặt đê đã bị hạ thấp nhưng chưa được thi công tường bê tông, đại diện Bộ NN&PTNT yêu cầu chủ đầu tư phải đắp hoàn trả tường đất có độ cao như ban đầu để phòng chống lũ. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, toàn bộ mặt đê bị hạ chưa kịp xây tường bê tông là 630 mét.

Chủ đầu tư đang phải đắp hoàn trả hơn 600 mét đê Âu Cơ do thi công chậm
Chủ đầu tư đang phải đắp hoàn trả hơn 600 mét đê Âu Cơ do thi công chậm. Ảnh: Tiền Phong

Lý giải nguyên nhân dự án mở rộng đường Âu Cơ bị chậm tiến độ, đại diện lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án thi công hoàn chỉnh và theo các thiết kế đã được thi công ở đê An Dương, nhưng khi thi công đến đoạn 3 của dự án thì đại diện Bộ NN&PTNT đề nghị phải điều chỉnh thiết kế, thay đổi phương án thi công. Việc này dẫn đến đoạn 3 và đoạn 4 dự án gần như phải xây dựng lại thiết kế, điều chỉnh lại phương án thi công; tiếp đó trong các năm 2020 - 2021 dịch COVID bùng phát khiến dự án phải dừng thi công thời gian dài...

Ông Nguyễn Huy Sỹ, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, chủ đầu tư và các đơn vị thi công chấp hành yêu cầu của Bộ NN&PTNT và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội trong việc đắp đất hoàn trả tường đê đã bị hạ. Đến nay các đơn vị thi công đã đắp trả được khoảng 500 mét trên tổng số 630 mét đê đất đã hạ thấp chưa thi công.

“Hiện các mặt đê được đắp có chiều cao từ 2 đến 4 mét không chỉ đảm bảo cao trình phòng chống lũ của Bộ NN&PTNT mà còn cao hơn mức báo động lũ cấp 3 (chưa từng xảy ra với đê qua nội thành Hà Nội)”, ông Sỹ thông tin.

Với các đoạn đê còn lại, ông Sỹ cho biết, từ nay đến trước 30/7 chủ đầu tư và các nhà thầu sẽ đắp hoàn trả xong. Tại đoạn tường chắn đã dựng khung sắt để đổ bê tông ở đoạn từ ngõ 124 đến nút giao Xuân Diệu (gần chợ hoa Quảng Bá), các nhà thầu đang huy động máy móc, thiết bị, nhân công, thi công 3 ca liên tục để đẩy nhanh tiến độ, đặt mục tiêu đổ hoàn thiện các đốt tường chắn này.

Theo đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, nếu việc thi công không phải dừng 4 tháng trong mùa mưa theo Luật Đê điều thì dự án sẽ xong trong năm 2023. Tuy nhiên, sau khi dừng 4 tháng, đến tháng 11 tới dự án mới được thi công trở lại và phải đào, di chuyển toàn bộ khối lượng nền đất vừa đắp trả, nên tiến độ hoàn thành dự án được điều chỉnh sang quý II/2024.

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với hai tuyến cao tốc

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.

Theo đó, Tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP.

Tuy nhiên, do đoạn tuyến trải dài trên địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai nên việc thiết lập, phê duyệt các hồ sơ kiểm kê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo phân cấp, phân quyền đều thuộc UBND cấp tỉnh.

Vì vậy, có rất nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp và đồng bộ các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng. Cụ thể, đối với diện tích trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do có những đoạn tuyến phải điều chỉnh cục bộ để phù hợp với địa hình nên phải thiết lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo nội dung hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 97/TCLN-KL ngày 16/1/2023).

Tuy nhiên, qua kết quả rà soát điều chỉnh sơ bộ cho thấy, mặc dù có điều chỉnh thay đổi địa điểm, vị trí cục bộ hướng tuyến nhưng diện tích rừng tác động sẽ giảm so với chủ trương đã đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, hiện nay theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì phần lớn diện tích đất thực hiện dự án đều nằm trên đất lâm nghiệp đối tượng rừng sản xuất, mà việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để phù hợp với Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia phải thực hiện theo nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 259/TB-VPCP ngày 4/7/2023 của Văn Phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để thực hiện các nội dung trên thì mất rất nhiều thời gian, từ đó sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Đối với phần diện tích trên địa phận tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án thì việc chấp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là các khó khăn về thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.

Tương tự như Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cũng gặp các khó khăn đối với việc điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án đầu tư và các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên nhằm sớm triển khai thực hiện dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng không phải lập lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng rừng do việc điều chỉnh cục bộ hướng tuyến (mặc dù có thay đổi vị trí, địa điểm do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến nhưng diện tích rừng bị ảnh hưởng giảm so với chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất); cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện điều chỉnh cục bộ diện tích thực hiện dự án ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp; chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương tiếp nhận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của đại diện liên danh nhà đầu tư làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt báo cáo đánhgiá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư, đầu tư công.

Thành viên Tập đoàn Him Lam đăng ký dự án 1.110 tỷ đồng ở Hải Phòng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng vừa công bố biên bản mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại tại thôn Phạm Dùng, xã An Hồng, huyện An Dương, ghi nhận nhà đầu tư duy nhất đăng ký là Công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Bàng.

Dự án được thực hiện trên khu đất có quy mô gần 7,3 ha. Khu đất thực hiện dự án hiện chủ yếu là đất nông nghiệp, canh tác cấy lúa, đất giao thông và kênh mương nội đồng.

Quy mô xây dựng bao gồm 346 căn nhà ở liên kế cao tối đa 5 tầng với tổng diện tích đất xây dựng 2,4ha, tổng diện tích sàn gần 9,5ha; khoảng 349 căn nhà ở xã hội, bao gồm 2 tòa nhà cao tối đa 9 tầng, tổng diện tích đất xây dựng 8.873 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 2,4ha.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.110 tỷ đồng, bao gồm 1.059,9 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án và 49,7 tỷ đồng chi phí bồi thường tái định cư. Thời hạn thực hiện dự án là 10 năm kể từ ngày UBND thành phố ban hành quyết định giao đất. Tiến độ xây dựng cơ bản là hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình trên đất theo quy hoạch vào quý 4/2029.

Thành viên Tập đoàn Him Lam đăng ký dự án 1.110 tỷ đồng ở Hải Phòng. Ảnh: HaiPhong.org.vn
Thành viên Tập đoàn Him Lam đăng ký dự án 1.110 tỷ đồng ở Hải Phòng. Ảnh: HaiPhong.org.vn

Về doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư Hồng Bàng được thành lập năm 2008 với tiền thân là Công ty Cổ phần Him Lam Hải Phòng, là một thành viên của Tập đoàn Him Lam.

Công ty có trụ sở chính tại Số 1, Lô 6, Khu tập thể PG, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng, hoạt động ở hai mảng chính là đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng. Tính đến ngày 22/10/2021, công ty có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật hiện là ông Nguyễn Thanh Khoa (SN 1963).

Đầu tư Hồng Bàng còn được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội và thương mại Him Lam Hùng Vương tại phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng với diện tích 12,3 ha.

Phú Thọ sắp đấu giá 173 lô đất, khởi điểm từ 425 triệu đồng/lô

Tại huyện Lâm Thao, Công ty Đấu giá Hợp danh Anh Minh thông báo đấu giá 57 lô đất là tài sản của UBND huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ).

Dự kiến buổi đấu giá diễn ra sáng 8/8, tại UBND xã Xuân Lũng.

Các lô đất ở này tại địa chỉ khu Ao Cây Si, xã Xuân Lũng. Diện tích các lô đất từ 105 – 236 m2. Mức giá khởi điểm từ 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/m2, tương đương khoảng trên 472 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/lô.

Người tham gia đấu giá phải đặt trước 90 triệu đồng/lô đất.

Tại huyện Tam Nông,ngày 14/8, Công ty Đấu giá Hợp danh Phú Thọ phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển Quỹ đất huyện Tam Nông cũng tổ chức đấu giá 64 lô đất. Đây là tài sản của UBND huyện Tam Nông.

Một góc huyện Lâm Thao (Phú Thọ). (Ảnh: XDS)
Một góc huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Ảnh: XDS

Cụ thể, 64 lô đất đấu giá tại khu Sủng, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông (Phú Thọ) là đất ở, có thời hạn sử dụng lâu dài.

Diện tích các lô đất từ 120 – 318,7 m2. Mức giá khởi điểm từ 6 – 7 triệu đồng/m2; tương đương khoảng 720 triệu đồng đến trên 2,2 tỷ đồng/lô.

Người tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền khoảng 20% giá khởi điểm trên từng lô đất, tức là khoảng từ 144 triệu đến hơn 446 triệu đồng/lô.

Gần nhất, sáng 1/8, tại huyện Yên Lập,52 lô đất ở xã Mỹ Lung và xã Thượng Long được Công ty Đấu giá Hợp danh Phú Thọ cùng Hội đồng xử lý đấu giá quyền sử dụng đất huyện Yên Lập tổ chức đấu giá.

Theo đó, 52 lô đất có diện tích từ 127,1 – 222 m2. Giá khởi điểm từ 2,9 triệu đến 3,8 triệu đồng/m2, tương đương khoảng trên 425 triệu đến hơn 799 triệu đồng/lô.

Người tham gia đấu giá phải đặt trước 80 triệu đồng/lô và phải nộp trong 3 ngày, từ ngày 27/7 đến 17 giờ ngày 31/7.

Buổi công bố giá được tổ chức tại hội trường UBND thị trấn Yên Lập.

Tất cả các lô đất đấu giá ở huyện Lâm Thao, Tam Nông và Yên Lập nói trên đều có hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, theo phương thức trả giá lên.