HoREA đề xuất cá nhân chịu thuế bậc 1 được mua nhà ở xã hội

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), lũy kế từ năm 2011 đến hết năm 2022, trên cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn chỉ đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn.

Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.

Tại TP.HCM đã hoàn thành đưa vào sử dụng 23 dự án nhà ở xã hội với 18.085 căn trong giai đoạn 2015-2020 đạt 75% kế hoạch và dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 25 dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với tổng số căn hộ là 30.610 căn.

Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội của cả nước tiếp tục sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây. Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến ngày 18/05/2023, cả nước mới hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 19.516 căn, chỉ đạt 4,55% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025 và đang triển khai thực hiện 294 dự án với khoảng 288.499 căn.

Để đạt được mục tiêu phát triển 428.000 căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2025 thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội

Do vậy, HoREA góp ý một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cụ thể, cần khắc phục quan niệm xem nhà ở xã hội là “nhà rẻ tiền” có chất lượng thấp, Hiệp hội đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) khẳng định “nhà ở xã hội có chất lượng tương đương nhà ở thương mại là nhà ở thuộc dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân, dự án ký túc xá học sinh, sinh viên, dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang có sự hỗ trợ của nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở”.

Thực tế thời gian qua, đã có một số dự án nhà ở xã hội có chất lượng xây dựng công trình không tốt, bị thấm, dột, nhanh xuống cấp hoặc thiếu các tiện ích, dịch vụ tại chỗ và thiếu các tiện ích, dịch vụ đô thị trong khu vực lân cận, không kết nối giao thông thuận tiện, nên đã có dự án nhà ở xã hội rao bán đến vài chục lần vẫn không có người mua, hoặc có một số dự án nhà ở xã hội bị khách hàng khiếu nại, nên đã xuất hiện cách nhìn nhận chưa đúng về chất lượng nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là “nhà rẻ tiền”. Đơn cử như dự án nhà ở xã hội tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, đã thiết lập kỷ lục về số lần thông báo mở bán 26 lần nhưng chưa thể bán hết hơn 1.000 căn hộ.

Theo HoREA, từ quan niệm, nhận thức chưa đúng về nhà ở xã hội và chỉ nhằm tìm cách làm giảm giá thành nhà ở xã hội hoặc xem nhà ở xã hội là “nhà rẻ tiền”, nên quy định bắt buộc sử dụng gạch không nung cho dự án nhà ở xã hội là chưa hợp lý.

Ngoài ra, quy định về “suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội dạng chung cư” thấp hơn khoảng 30% so với “suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (không phải chung cư nhà ở xã hội)” là chưa hợp lý (Quyết định số 510 ngày 19/05/2023 của Bộ Xây dựng).

Cụ thể, tại Mục 11120.10 quy định suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội dạng chung cư ≤ 20 tầng có 01 tầng hầm, suất đầu tư là 8,844 triệu đồng/m2 sàn và tại Mục 11110.05 suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (không phải chung cư nhà ở xã hội) ≤ 20 tầng có 01 tầng hầm, suất đầu tư là 11,612 triệu đồng/m2 sàn (cao hơn 2,768 triệu đồng/m2 sàn, cao hơn 31% so với suất vốn đầu tư chung cư nhà ở xã hội cùng loại).

“Như vậy, làm sao bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cùng loại?”, HoREA nêu vấn đề.

HoREA đề xuất cá nhân chịu thuế bậc 1 được mua nhà ở xã hội
HoREA đề xuất cá nhân chịu thuế bậc 1 được mua nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: VnEconomy

Hiệp hội cũng nhận thấy, các nước cũng rất quan tâm phát triển loại căn hộ nhà ở xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng theo hướng xây dựng loại căn hộ 01 phòng ngủ cho hộ độc thân, căn hộ 02 phòng ngủ cho hộ ít người hoặc có trẻ nhỏ, căn hộ 03-04 phòng ngủ cho hộ đông người.

Tương đồng như các nước, nước ta đã quy định dự án nhà ở xã hội chủ yếu là căn hộ 1-2 phòng ngủ, có diện tích tối thiểu 25m2, tối đa 70m2 và tùy theo từng dự án cụ thể có thể có một số căn hộ có diện tích đến 77m2, nhưng số lượng căn hộ lớn này không vượt quá 10% tổng số căn hộ của dự án nhà ở xã hội.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải khẳng định nhà ở xã hội có chất lượng tương đương nhà ở thương mại, không phải là “nhà rẻ tiền”.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định điều kiện về thu nhập đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN), trừ trường hợp đối tượng được mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.

Hiệp hội nhận thấy, quy định này đã loại trừ rất nhiều người không đáp ứng điều kiện về thu nhập nên không được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi lẽ, những người này tuy có nộp thuế TNCN nhưng với mức nộp thuế rất thấp và thực chất vẫn là người có thu nhập thấp đô thị.

Thí dụ, vợ chồng ông bà A có 2 con nhỏ, bà A có thu nhập 10 triệu đồng/tháng nên không thuộc diện chịu thuế TNCN. Ông A có thu nhập 24 triệu đồng/tháng và kê khai 2 con là 2 người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh như sau: 11 triệu đồng + (4,4 triệu đồng x 2) = 19,8 triệu đồng và ông A có thu nhập chịu thuế là: 24 triệu đồng - 19,8 triệu đồng = 4,2 triệu đồng.

Do thu nhập chịu thuế là 50,4 triệu đồng/năm (dưới 60 triệu đồng/năm - thuộc bậc 1 của các bậc thuế TNCN), nên theo quy định của Luật Thuế TNCN thì ông A chịu thuế suất 5% và phải nộp thuế TNCN là 210.000 đồng /tháng ((50,4 triệu đồng x 5%)/12 = 210.000 đồng/tháng)

Do ông A thuộc diện phải nộp thuế TNCN nên ông A không đủ điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhưng trên thị trường cũng không có loại nhà ở thương mại giá thấp (low cost housing). Với tổng thu nhập như trên thì ông bà A cũng khó hội đủ điều kiện để được vay tín dụng với lãi suất thương mại để mua nhà ở thương mại.

Từ thí dụ trên đây, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 75 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung thêm đối tượng “chịu thuế thu nhập bậc 1 đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” được mua, thuê mua nhà ở xã hội và bổ sung đối tượng “cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập”.

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 954 (ngày 02/06/2020) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng tăng thêm “mức giảm trừ gia cảnh” khoảng 25%.

HoREA cũng cho rằng tại Điều 80 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về “đất để xây dựng nhà ở xã hội quy định khi lập, phê duyệt quy hoạch…, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội” là đúng. “Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội” phải thông qua 02 kênh, do Nhà nước tạo lập, phát triển quỹ đất hoặc do tư nhân tự bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người có đất bị thu hồi…

Kon Tum: Chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy thủy điện 10,2 MW tại huyện Đăk Glei

Ngày 16/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Thủy điện Đăk Pek với công suất 10,2 MW tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án 328 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Pek làm chủ đầu tư.

Dự án có công suất thiết kế 10,2 MW, điện lượng trung bình năm (Eo) 34,12 triệu Kwh. Diện tích mặt đất sử dụng 34,13 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án 328 tỷ đồng, trong đó: Vốn chủ sở hữu 115 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35% tổng vốn đầu tư, góp bằng tiền mặt, tiến độ góp vốn từ năm 2023 đến năm 2026. Vốn vay 213 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 65% tổng vốn đầu tư, tiến độ vay vốn từ năm 2023 đến năm 2026. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày được Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Tiến độ thực hiện dự án từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2026. Tiến độ hoàn thành các thủ tục pháp lý để được bàn giao mặt bằng: Từ tháng 4/2023 đến tháng 1/2024. Tiến độ khởi công, xây dựng các hạng mục công trình từ tháng 2/2024 đến tháng 6/2026. Tiến độ hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, hoạt động từ cuối tháng 6/2026. Dự án sử dụng công nghệ Tuabin Francis trục ngang không thuộc danh mục công nghệ hạn chế hoặc cấm chuyển giao.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan.

Đồng Nai: Hơn 32ha đất rừng được đề xuất chuyển mục đích phục vụ tái định cư

Ngày 20/6, Hội đồng thẩm định chuyển mục đích sử dụng đất rừng tỉnh Đồng Nai cho biết đã bỏ phiếu thống nhất cao với đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện dự án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo đó, dự án hạ tầng tái định cư tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có quy mô gần 34ha, bố trí chỗ ở cho khoảng 4.500 ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 32,3ha là đất rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý cần được chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ dự án.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã được khởi công hôm 18/6. Ảnh: Mạnh Thìn.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã được khởi công hôm 18/6. Ảnh: Mạnh Thìn

Sau khi đánh giá tính khả thi, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để phục vụ tái định cư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục theo quy định để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác. Nếu được HĐND tỉnh thông qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc, đề nghị chủ dự án xây dựng phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế.

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai có tổng chiều dài 16km. Dự án có diện tích thu hồi khoảng 138ha, trong đó TP Biên Hòa gần 62ha và huyện Long Thành gần 77ha. Số hộ được bồi thường, hỗ trợ khoảng 1.557 hộ (TP Biên Hòa khoảng 904 hộ, huyện Long Thành 653 hộ). Dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai đã khởi công, tuy nhiên, việc chậm bồi thường, chậm tái định cư đang khiến nhiều người dân lo lắng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ dự án là hết sức cần thiết trong thời điểm này.

Sắp ra mắt dự án nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ tại Hải Phòng

Evergreen Tràng Duệ là dự án thuộc Khu đô thị Seoul Eco Home Tràng Duệ, có vị trí tọa lạc tại tuyến đường Quốc lộ 10 xã Lê Lợi và xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Dự án nằm đối diện KCN Tràng Duệ và có vị trí chiến lược trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh.

Evergreen Tràng Duệ có tổng diện tích đất 31.369 m2 với tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.594 tỷ đồng. Trong đó, diện tích khu đất ở chiếm 39,47%, đất giao thông nội bộ 26,47%, đất dịch vụ hỗn hợp 10,82%, đất cây xanh và cảnh quan 10,93%, phần còn lại dành cho các tiện ích công cộng khác tại dự án.

Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng là 176.886 m2, bao gồm 156.828 m2 diện tích sàn và 20.058 diện tích tầng hầm. Dự kiến cung cấp chỗ ở cho khoảng 9.137 người.

Dự án Evergreen Tràng Duệ được thiết kế xây dựng với mô hình căn hộ chung cư, sở hữu 10 tòa chung cư với chiều cao 15 tầng. Cung cấp ra thị trường ra thị trường 2.583 căn hộ studio và căn hộ 1 – 2 phòng ngủ, có diện tích từ 26 – 40 – 52 – 55 m2.

Phối cảnh dự án Evergreen Tràng Duệ.
Phối cảnh dự án Evergreen Tràng Duệ.

Tại dự án Evergreen Tràng Duệ, cư dân có thể thừa hưởng được những tiện ích nội khu như: khu phức hợp thể thao, hồ điều hòa, trung tâm thương mại, công viên, khu vui chơi trẻ em, khu thể dục thể thao ngoài trời, khu phố thương mại, bãi đỗ xe tập trung, hệ thống các phòng khám…

Bên cạnh đó, từ dự án cư dân cũng có thể tiếp cận những tiện ích ngoại khu như: Cách KCN Tràng Duệ 150 m, cách chợ Tràng Duệ 1,2 km, cách cầu Trạm Bạc 1,5 km, cách 1,8 km đến cầu Rế 2, cách UBND xã Lê Lợi, TH & THCS Lê Lợi 2 km,…

Chủ đầu tư dự án Evergreen Tràng Duệ là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP), được thành lập ngày 20/07/2006, đặt trụ sở tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Được biết, Công ty Sài Gòn - Hải Phòng là công ty con của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), hiện KBC đang sở hữu 86,54% trên tổng số vốn của Công ty Sài Gòn - Hải Phòng.

Ngoài dự án Evergreen Tràng Duệ (thuộc Khu đô thị Seoul Eco Home), chủ đầu tư còn thực hiện một số dự án khác như: KCN Tràng Duệ 1, 2, 3, Khu đô thị Tràng Duệ, Khu đô thị Tràng Cát…

Ngày 28/05/2023, UBND thành phố Hải Phòng và Công ty Sài Gòn - Hải Phòng tổ chức lễ khởi công dự án Khu nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị - Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (Evergreen Tràng Duệ).

Dự kiến, dự án Evergreen Tràng Duệ dự kiến sẽ được bàn giao vào quý 4/2024.