FLC, Vinaconex và nhiều doanh nghiệp bị bêu tên vì chậm nộp bảo hiểm xã hội
FLC, Vinaconex, Eurowindow và nhiều doanh nghiệp bị bêu tên vì chậm nộp bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 2/2023 (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024). Tổng số doanh nghiệp là 60.751 đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội nợ bảo hiểm với số tiền nợ từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 57 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX là đơn vị có số tiền nợ đứng đầu danh sách hơn 60.700 doanh nghiệp chậm nộp các loại bảo hiểm từ một tháng trở lên. Hiện đơn vị này đang chậm đóng bảo hiểm trong 48 tháng với số tiền nợ trên 57,1 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp bất động sản như: Lilama 3 với số tiền nợ trên 44,5 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà 6 với hơn 20,5 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn FLC nợ tiền hơn 8 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển hạ tầng Vinaconex nợ số tiền hơn 4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cen Land) nợ hơn 1 tỷ đồng,....

Cùng đó loạt doanh nghiệp như: Công ty CP Tập đoàn DUA FAT, Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển Nhà Hà Nội số 17, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera – CN TCT Viglacera, Công ty CP KOSY, Công ty CP Hancorp, Công ty CP đầu tư kinh doanh Địa ốc Hà Nội, Công ty TNHH Bất động sản Mặt trời Thủ đô, Công ty CP thương mại Viglacera, Công ty CP ECOLAND…cũng nằm trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội.

Xem chi tiết danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH tại đây

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, những đơn vị có tên trong danh sách chậm đóng có hành vi vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Được biết, Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định các vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt như: Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.

Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng; chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Căn cứ theo Khoản 4, Điều 38, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 1/3/2020 quy định:

“4. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.”

Như vậy, nếu nợ đóng BHXH doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định. Mức xử phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên tối đa mức phạt không quá 75.000.000 đồng.