Đại gia Nguyễn Cảnh Sơn trèo lái Eurowindow ra sao?

Ông Nguyễn Cảnh Sơn, sinh ngày 10/04/1967 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là doanh nhân Việt Nam và là nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Eurowindow, Phó Chủ tịch ngân hàng Techcombank. Theo thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Cảnh Sơn là con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh, 1 dòng họ có gia thế hơn 600 năm lịch sử.

Tháng 9/1990 ông học Kinh doanh tại thủ đô Moscow. Sau khi ra trường 9/1994, ông Nguyễn Cảnh Sơn khởi nghiệp tại Liên bang Nga với việc thành lập công ty T&M Trans.

Lúc mới khởi nghiệp, ông Sơn cung cấp các dịch vụ hải quan, chủ yếu giữa Việt Nam, Nga và Trung Quốc. Theo lời những người cùng thời với ông kể lại, ông Sơn rất nhanh nhạy trong việc duy trì quan hệ với đối tác và khai thác tối đa các cơ hội có thể.

Ngay từ đầu khi bước chân vào kinh doanh, ông Nguyễn Cảnh Sơn đã xác định phải xây dựng mô hình tổ chức công việc 1 cách bài bản, nhịp nhàng, chú trọng đến xây dựng đội ngũ. Cũng bởi vậy dù Cty T&M Trans ra đời khá sớm những đã có chi nhánh ở Hà Nội, TP HCM, nhiều thành phố lớn bên Trung Quốc và các cảng đầu mối của Nga.

Sau nhiều năm làm ăn và đạt được 1 số thành tựu tại xứ người, vào ngày 29/08/2002 Công ty Eurowindow - một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài do ông Nguyễn Cảnh Sơn làm chủ tịch HĐQT chính thức được thành lập, đánh dấu sự quay về Việt Nam của doanh nhân gốc Nghệ An này.

Eurowindow lúc đó khởi nghiệp với ý tưởng đầy táo bạo, tiên phong đưa sản phẩm cửa nhựa uPVC vào Việt Nam, nhiều người tỏ ra hồ nghi về khả năng thành công của sản phẩm, vì những năm đầu của thập niên 2000, tại Việt Nam chưa có khái niệm về cửa nhựa lõi thép mà người dân chủ yếu sử dụng cửa gỗ truyền thống hay cửa nhôm.

Năm 2003, sau khi khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội), sản phẩm cửa nhựa uPVC mang thương hiệu Eurowindow với nhiều tính năng ưu việt, đã tiên phong mở cửa thị trường Việt Nam và thuyết phục được khách hàng, thay đổi quan niệm, thói quen sử dụng cửa truyền thống và tạo nên cuộc cách mạng về cửa tại Việt Nam.

Đại gia Nguyễn Cảnh Sơn
Đại gia Nguyễn Cảnh Sơn.

Tới năm 2007, cùng với việc nhận đầu tư từ quỹ Private Equity New Markets (PENM), hoạt động kinh doanh cửa của Eurowindow được vận hành với tên Công ty cổ phần Eurowindow.

Trong những năm đầu, Eurowindow phải đầu tư lớn cho việc quảng bá, giới thiệu về công năng và chất lượng sản phẩm cửa nhựa uPVC. Đây là sản phẩm mới lại có giá thành cao, nên thời gian đầu cửa Eurowindow dùng để phục vụ cho các dự án thuộc Eurowindow Holding – tập đoàn mẹ quản lý các tài sản đầu tư của ông Nguyễn Cảnh Sơn tại Việt Nam. Năm 2003, Eurowindow chỉ có doanh thu khiêm tốn khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đóng vai trò là người ‘educate’ thị trường, Eurowindow được hưởng lợi lớn khi thị trường bùng nổ và cửa nhựa lõi thép trở thành sản phẩm phổ biến. Năm 2008, công ty cho biết, doanh thu của Eurowindow đã đạt 475 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đóng vai trò là người ‘educate’ thị trường, Eurowindow được hưởng lợi lớn khi thị trường bùng nổ và cửa nhựa lõi thép trở thành sản phẩm phổ biến. Năm 2008, công ty cho biết, doanh thu của Eurowindow đã đạt 475 tỷ đồng.

Gần 20 năm hoạt động, Eurowindow đã chiếm thị phần lớn về sản phẩm cửa tại thị trường trong nước. Công ty cung cấp cửa nhôm, vách nhôm kính lớn, cửa gỗ, cửa nhôm gỗ, cửa gỗ chống cháy, cửa cuốn, cửa tự động, cửa thủy lực, các sản phẩm kính…

Năm 2019, Eurowindow doanh thu đạt 3.626 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động bán hàng tăng 26%, chiếm tỷ lệ 75% cơ cấu.

Eurowindow hiện nay không đơn thuần là một công ty sản xuất cửa nhựa hàng đầu tại Việt Nam, mà đã trở thành một tập đoàn đa ngành, sở hữu, chi phối hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cửa sổ nhựa, trung tâm thương mại, đến xây dựng và bất động sản….

Eurowindow 'ôm trùm' thâu tóm đất tỉnh lẻ

Eurowindow River Park

Dự án chung cư Eurowindow River Park do Công ty TNHH Thăng Long thuộc Eurowindow Holding làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 2,2ha, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng với 5 tòa chung cư cao từ 33-37 tầng nổi và 3 tầng hầm. Trong đó, đó có 1 tòa là nhà ở xã hội, 4 tòa còn lại là nhà ở thương mại.

Phải nói đây là dự án ở vị trí đắc địa bởi nằm trên trục đường 5 kéo dài, vị trí gần sát cầu Đông Trù, khu vực ngã ba sông Hồng và sông Đuống.

Dự án được khởi công năm 2016 và dự kiến bàn giao vào quý 4 năm 2019. Hiện tòa nhà ở xã hội Eurowindow River Park đang xây đến tầng 17, còn 4 tòa chung cư thương mại đang ở giai đoạn đào móng, ép cọc nhồi.

Tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multicomplex

Dự án Eurowindow MultiComplex tọa lạc tại số 22 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghệ cao (Decotech) thuộc Eurowindow Holding làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 51,3 triệu USD. Dự án đã được khởi công vào tháng 4/2010 và chính thức hoạt động từ tháng 10/2013.

Eurowindow MultiComplex được xây dựng trên khu đất có diện tích 3.969,5m2, gồm 25 tầng nổi, 3 tầng hầm và 2 tầng kỹ thuật. Với tổng diện tích mặt sàn là 60.804m2, Eurowindow MultiComplex là tổ hợp đa chức năng gồm: Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp.

Tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multicomplex
Tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multicomplex.

Dự án này từng bị phản ánh việc cư dân về ở gần 3 năm nhưng chủ đầu tư không chịu tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị. Đồng thời, hạch toán thu chi không rõ ràng minh bạch, vận dụng cơ chế chính sách không đúng quy định nhằm mục đích giải thích cho việc thu phí dịch vụ 10.000 đồng/m2.

Không những vậy, Eurowindow MultiComplex là một trong những dự án bất động sản được dùng làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng VPBank.

Eurowindow Office Building

Dự án Eurowindow Office Building nằm tại ngã ba Tôn Thất Tùng – Chùa Bộc do Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội (đơn vị thành viên của Eurowindow Holding) làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 2.000m2, tổng diện tích mặt sàn gần 20.000 m2, bao gồm 18 tầng (17 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật) và 3 tầng hầm. Trong đó, tầng 1 được sử dụng làm sảnh và khu dịch vụ; từ tầng 2 đến tầng 17 dành cho khu văn phòng. Tầng hầm có diện tích rộng rãi dùng làm chỗ để xe, với sức chứa 70 ô tô và 200 xe máy.

Làng châu Âu và TTTM Quốc Oai

Dự án Làng Châu Âu và TTTM Quốc Oai là một khu đô thị tổng hợp có tên gọi “Làng Châu Âu”, bao gồm khu biệt thự cao cấp, khu biệt thự nhà vườn mang phong cách kiến trúc Châu Âu, trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp cao hơn 20 tầng, khu cảnh quan, cây xanh, và đường giao thông, bãi đỗ xe.

Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư T&M Hà Tây. Đây là một công ty thuộc Công ty Cổ phần Eurowindow Holdings. Theo giới thiệu trên website của chủ đầu tư, Làng Châu Âu và TTTM Quốc Oai được xây dựng trên diện tích 32,24ha với tổng vốn đầu tư 2.856 tỷ tương đương với 165 triệu USD.

Ban đầu, chủ đầu tư dự kiến khởi công dự án vào quý II/2009 và đưa vào sử dụng trong quý IV/2011. Thế nhưng, gần chục năm trôi qua, dự án vẫn chưa có dấu hiệu triển khai.

Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva

Tổ hợp đa chức năng Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva là tổ hợp bao gồm: Khu Đại siêu thị Magnit (hệ thống bán lẻ có doanh thu lớn nhất Liên Bang Nga); Khu mua sắm với các thương hiệu quần áo, giày dép, đồ gỗ, đồ nội thất, hàng tiêu dùng... hàng đầu của Việt Nam, Nga và thế giới; Phố ẩm thực Nga-Việt; Siêu thị nội thất gia đình; Khu vui chơi trẻ em; Bãi đỗ xe trong nhà và ngoài trời...

Dự án được xây dựng với tổng số vốn đầu tư 239.5 triệu USD trên khu đất có diện tích 4,9ha.

Khu Trung tâm Thương mại Hà Nội-Moskva nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, nơi cửa ngõ vùng Đông Bắc Moskva, thuận tiện cho việc giao lưu thương mại giữa các tỉnh thành, địa phương lớn của LB Nga.

Dự án Tòa tháp Eurowindown TP Vinh, tỉnh Nghệ An

Ngày 23/6/2015, Sở Xây dựng Nghệ An có Công văn số 1201/SXD.QLQH, do ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở ký, gửi UBND tỉnh có nội dung: Xét đề nghị của Công ty CP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh, tại Tờ trình số 29/2015/TT/VICENTRA ngày 4/6/2015, xin thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mặt bằng tổng thể Dự án Tòa tháp Eurowindown tại số 2 đường Trần Phú, TP Vinh.

Chỉ một tuần sau, ngày 29/6/2015, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2725/QĐ.UBND-XD điều chỉnh quy hoạch chi tiết Dự án Tòa tháp Eurowindow tại số 2 đường Trần Phú. Sau đó, UBND tỉnh liên tiếp hối thúc phường Hồng Sơn bàn giao và giải phóng mặt bằng (GPMB), để nhà đầu tư tổ chức khởi công xây dựng.

Dự án là tòa tháp Eurowindow Nghệ An tọa lạc tại vị trí số 2 Trần Phú, với quy mô 20 tầng bao gồm 19 căn nhà phố thương mại và 14 tầng khu căn hộ cao cấp. Diện tích dự án bao gồm 2.874m2 do Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư trung tâm thương mại Vinh. Công trình kiến trúc, tòa nhà 20 tầng gồm: khối đế cao 4 tầng, diện tích xây dựng 2.000m2, mục đích sử dụng: thương mại dịch vụ, khối căn hộ tầng 5 đến tầng 20 diện tích xây dựng 920m2. Chiều cao công trình 72,9m, kể cả thiết bị không quá 85m. Trên nóc công trình có gắn đèn cảnh báo chướng ngại vật hàng không. Mật độ xây dựng trên khu đất 69,5%.

Theo đó, công ty xin điều chỉnh công năng sử dụng khối đế 4 tầng (tầng 1 đến tầng 4) từ Trung tâm thương mại sang nhà ở kết hợp thương mại (giữ nguyên quy mô, diện tích, chiều cao thiết kế cơ sở đã được phê duyệt), tầng 5 thành tầng kĩ thuật + sân phơi. Việc điều chỉnh này được UBND tỉnh đồng ý tại Công văn số 9891/UBND.CN ngày 27/12/2014; Công văn số 3667/UBND-CN ngày 8/6/2015. Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở tại Văn bản số 187/SXD-HĐXD.

Ngày 7/4/2016, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 249, phê duyệt mức giá đất tại lô đất trên là 43.120.000 đồng/m2, trong đó giá thị trường lên đến vài trăm triệu/m2.

Dự án Tòa tháp Eurowindown TP Vinh, tỉnh Nghệ An
Phối cảnh Dự án Tòa tháp Eurowindown TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Như vậy, khác với dự án hơn 4.000 tỷ được thực hiện theo luật Đấu thầu, sự hiện diện trước nay của Eurowindow ở Nghệ An được nhận định thương vụ thâu tóm đất công sản số 2 Trần Phú tại ngã tư Chợ Vinh không qua đấu giá, khi mức giá bán được UBND tỉnh Nghệ An chỉ định được cho là thấp hơn nhiều lần giá thị trường.

Tuy nhiên, quyết định UBND của tỉnh Nghệ An không nhận được sự đồng tình của dư luận bởi đây là mảnh đất nằm giữa trung tâm thương mại, buôn bán không những của tỉnh Nghệ An mà cả vùng Bắc Trung Bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, mảnh đất có giá trị rất cao nên cần phải đấu giá nhưng UBND tỉnh lại chỉ định.

Đến nay, nhiều sai phạm tại dự án này vẫn chưa được xử lý triệt để. Tương tự trước đó, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới hơn 4.000 tỷ đồng tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam, TP. Vinh theo hình thức chỉ định thầu. Nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Eurowindow Holding và Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý dự án số 1.

Được biết, tổng mức đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam, TP Vinh là 4.185 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 131 tỷ đồng, chi phí thực hiện dự án là 4.054 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất để xây dựng dự án khu đô thị này là 37,8 ha, trong đó diện tích đất thuộc ranh giới phường Đông Vĩnh là 30,4 ha; diện tích đất thuộc ranh giới phường Cửa Nam là 7,4 ha.

Tuy nhiên sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về việc tạm đình chỉ quyết định Về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới này.

Dự án Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, tỉnh Thanh Hóa

Đầu tháng 6/2020, liên danh của Eurowindow Holding được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ định làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, dự án với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (bên mời thầu) tổ chức triển khai các bước công việc tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Kết quả trúng sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt gồm 1 nhà đầu tư là liên danh CTCP Eurowindow, Holding - CTCP Xây dựng và Quản lý dự án số 1 (Địa chỉ: Tầng 16, số 02 Tôn Thất Tùng, phường Trung Tự, Quận Đống Đa, TP Hà Nội). Hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư là chỉ định nhà đầu tư; một giai đoạn, một túi hồ sơ.

Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là quý III/2020. Thời gian thực hiện hợp đồng không quá 8 năm kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.

Dự án Melinh Plaza Yên Bái

Tại khu vực Tây Bắc, mới đây Eurowindow Holding khởi công xây dựng dự án Melinh Plaza Yên Bái. Đây là dự án nằm tại vị trí trung tâm thuộc phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Dự án là tổ hợp nhà ở thương mại, bao gồm: một Trung tâm thương mại, 12 căn nhà phố thương mại, 12 căn biệt thự đơn lập và 6 căn biệt thự song lập cùng hệ thống đường nội khu, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Đây được đánh giá là vị trí “đất vàng” của TP Yên Bái với giá trị thương mại vô cùng cao.

Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang

Một trong số các dự án sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Thông báo Kết luận Thanh tra mới đây phải kể đến là Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang tại các lô D12a, D12b, D12c Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.

Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang có tên thương mại là Movenpick Cam Ranh Resort. Dự án có có địa điểm tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Tổng diện tích dự án theo công bố của chủ đầu tư là 34,2 ha. Tổng mức đầu tư là 2.300 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Movenpick Cam Ranh Resort, gồm các khu: Khu thương mại và dịch vụ cao cấp (tổng diện tích sàn xây dựng 15.200m2); Khu khách sạn 5 sao và biệt thự cao cấp (tổng diện tích sàn xây dựng 59.250 m2) và Khu căn hộ nghỉ dưỡng condotel (tổng diện tích sàn xây dựng: 7500 m2).

Dự án được khởi công năm 2014. Dự kiến đưa vào khai thác quý II/2018. Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2018 khu khách sạn 5 sao Mövenpick Hotel và căn hộ nghỉ dưỡng Mövenpick condotel mới hoàn thiện thi công 80%.

Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang
Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang.

Theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ được báo chí đăng tải, tại dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang đã xảy ra một số vi phạm như sau:

Thứ nhất, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy Chứng nhận đầu tư (CNĐT) lần đầu vào năm 2008, điều chỉnh lần thứ 1 vào năm 2009 để thực hiện dự án trên diện tích chưa được Vùng 4 Hải Quân bàn giao cho tỉnh (Vùng 4 Hải quân bàn giao cho tỉnh từ ngày 05/02/2010). Điều này là vi phạm pháp luật về đầu tư.

Vi phạm thứ hai là việc Dự án chậm tiến độ. Theo Giấy CNĐT lần đầu ngày 19/5/2008, thời hạn thi công và hoàn thiện công trình là đến hết ngày 20/10/2015, nhưng đến thời điểm thanh tra dự án chưa hoàn thành.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, để xảy ra các vi phạm trên đây, người phải chịu trách nhiệm là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan, Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng; Trưởng BQL các dự án KDL Bắc bán đảo Cam Ranh và Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm.

Để xử lý vi phạm tại Dự án, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các khối lượng còn lại để đưa dự án vào hoạt động. Nếu chủ đầu tư vi phạm cam kết, tiếp tục chậm tiến độ phải xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, xác định tiền sử dụng đất, chống thất thu ngân sách nhà nước (trong đó có cả việc rà soát khi dự án đã được phê duyệt thay đổi quy hoạch xây dựng); Kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Lý do khiến mức lợi nhuận của Eurowindow Holding tiếp tục giảm

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Eurowindow Holding (mã chứng khoán EWH) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với mức lãi sau thuế 127,3 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2020, và giảm 70% so với mức 429,8 tỷ đồng năm 2019. ROE năm 2021 là 2,6%.

Theo đó, vốn chủ sở hữu của Eurowindow Holding tại ngày 31/12/2021 ở mức 7.760 tỷ đồng, tăng 236 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Nợ phải trả đạt 7.139 tỷ đồng, giảm 159 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,1, tương ứng với dư nợ trái phiếu Eurowindow Holding tại ngày cuối năm là 776 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh chưa thực sự tích cực trong 2 năm 2020-2021 có thể được giải thích phần nào bởi tác động của đại dịch Covid-19, song từ năm 2019 về trước, cơ cấu tài chính của Eurowindow Holding đã mang tới nhiều vấn đề đáng bàn.

Tới cuối năm 2019, tổng tài sản hợp nhất của Eurowindow Holding là 14.816 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn là hàng tồn kho (3.037 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ), các khoản phải thu ngắn và dài hạn (6.716 tỷ đồng), tài sản cố định (918 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu là 7.463 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần 3.000 tỷ đồng, vay ngắn và dài hạn là 2.870 tỷ đồng.

Eurowindow Holding đóng vai trò công ty mẹ, đầu tư và quản lý vốn ở 11 công ty con gồm CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghệ Cao (tỷ lệ lợi ích 95,7%), CTCP Đầu tư Trung thâm Thương mại Vinh (95%), CTCP Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (51,45%), CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (44,67%), CTCP Eurowindow Quảng Bình Luxury (80%), CTCP Eurowindow Quảng Bình Five Star (80%), CTCP Đầu tư Xây dựng toà nhà Mê Linh (50%), CTCP Eurowindow (53,27%), Công ty TNHH Cửa sổ nhựa Châu Âu (52,86%), CTCP Nam Bắc (52,21%).

Các công ty liên kết là CTCP Quản lý và Khai thác tổ hợp Trung tâm Văn hoá - Thương mại và Khách sạn Hà Nội - Matxcova (29,57%), CTCP Đầu tư T&M Hà Tây (13,94%), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Xây dựng số 2 Hà Nội (25,73%), CTCP Vinafacade (12,05%), CTCP Bài hát Yêu thích (50%). Ngoài ra, còn ba khoản đầu tư tài chính khác đáng chú ý là 19% ở CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang, 18% tại CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Hà Nội - Matxcova và 11,6 tỷ đồng vào Techcombank.

Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Eurowindow Holding là 3.129 tỷ đồng.

Về cơ cấu sở hữu, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Cảnh Sơn trực tiếp nắm 8,5% cổ phần Eurowindow Holding, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Chi có 0,5%, 91% còn lại thuộc về CTCP EuroFinance - một pháp nhân cùng nhóm. Cuối tháng 4/2022, ông Nguyễn Cảnh Sơn Tùng (SN 1994) - con trai ông Nguyễn Cảnh Sơn đã đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật của EuroFinance, thay cho mắt xích kỳ cựu Nguyễn Thị Quỳnh Chi.

Tổng doanh thu hợp nhất của Eurowindow Holding năm 2019 là 3.626 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018, trong đó ghi nhận tốc độ tăng mạnh từ hoạt động bán hàng với biên độ 26% lên 2.771 tỷ đồng và chiếm tới 3/4 nguồn thu của tập đoàn. Trong khi đó, doanh thu từ kinh doanh bất động sản lại giảm 27% về còn 408 tỷ đồng và chỉ chiếm chừng 1/10 tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Trừ đi các khoản chi phí, lãi hợp nhất sau thuế của Eurowindow Holding năm 2019 là 430 tỷ đồng, tăng 5,7% so với kết quả năm 2018.

Phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Eurowindow Holding vẫn đến từ mảng sản xuất, kinh doanh cửa nhựa của công ty con CTCP Eurowindow. Năm 2018, Eurowindow đạt doanh thu khoảng 2.300 tỷ đồng, lãi sau thuế khoảng 220 tỷ đồng.

Tới cuối năm 2019, số dư vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của Eurowindow Holding ở mức 2.969 tỷ đồng, phần lớn là vay tín dụng và trái phiếu với mức lãi suất từ 8-12%/năm. Chi phí lãi vay luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu chi phí của tập đoàn, trong đó năm 2018 là 190 tỷ đồng, năm 2019 là 170 tỷ đồng.

Đáng chú ý là trong khi phải đi vay với lãi suất cao, thì Eurowindow Holding lại dễ dàng có các khoản cho vay, phải thu mang tính nội bộ với một số pháp nhân có liên hệ, với tổng giá trị lên tới 4.252 tỷ đồng, tương đương ngót nghét 1/3 tổng tài sản cả tập đoàn.

Cụ thể, ngày 31/12/2017, EWH đã ký hợp đồng cho vay đối với CTCP Đầu tư và Bất động sản Á Âu. Đây là khoản cho vay vốn lưu động không kỳ hạn và không có tài sản đảm bảo, lãi suất cho vay năm 2019 là 2%/năm. Dù hạch toán là khoản phải thu ngắn hạn song số dư cho vay của Eurowindow Holding với Bất động sản Á Âu trong năm 2019 không những không giảm, mà còn tăng mạnh từ 2.594 tỷ đồng lên 2.947 tỷ đồng, xấp xỉ vốn cổ phần của tập đoàn.

Ngoài ra, Eurowindow Holding còn duy trì số dư phải thu 530 tỷ đồng, không lãi suất, không tài sản đảm bảo với Bất động sản Á Âu liên quan đến các thoả thuận hợp tác đầu tư kinh doanh các toà nhà CT1A, CT1B, CT2B và CT2C thuộc khu ĐTM Nghĩa Đô, Hà Nội.

Bên cạnh đó, Eurowindow Holding còn khoản phải thu cho vay dài hạn đối với Công ty TNHH Đầu tư Incentra. Đây là khoản cho vay có lãi suất chỉ 1%/năm theo cam kết bảo lãnh ký từ năm 2011 để bảo lãnh cho các nghĩa vụ nợ của Incentra với BIDV. Hạn mức của khoản bảo lãnh này là 142,5 triệu USD, số dư tại ngày 31/12/2019 là 33,5 triệu USD, tương đương 775 tỷ đồng. Để so sánh, Eurowindow Holding tới cuối năm 2019 có khoản vay quỹ Deutsche Investitions giá trị 6,5 triệu USD, lãi suất LIBOR 6 tháng cộng biên độ lên tới 4,2%/ năm.

Nghiệp vụ đi vay ngân hàng với lãi suất cao, rồi cho vay lại doanh nghiệp thân hữu với lãi "tượng trưng" dù vô tình hay hữu ý, cũng đã kéo tụt lợi nhuận của Eurowindow Holding, cùng với đó là nghĩa vụ thuế phải nộp cho nhà nước cũng suy giảm.

Liên tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn

Liên tục đầu tư vào các dự án địa ốc đình đám, nhu cầu vốn của hệ sinh thái Eurowindow Holding tất nhiên là rất lớn; một phần đáng kể trong số đó, trong vài năm trở lại, được tài trợ từ nguồn trái phiếu doanh nghiệp.

Trực tiếp Eurowindow Holding ngày 25/10/2019 phát hành 250 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 11%/ năm, cho 2 trái chủ là CTCP Chứng khoán SSI, và nhà đầu tư cùng nhóm SSI là CTCP Đầu tư Đường Mặt trời.

Tới ngày 22/10/2021, tức là ngay trước khi lô trái phiếu trên đáo hạn 3 ngày, SSI tiếp tục thu xếp một đợt phát hành trái phiếu mới cho Eurowindow Holding, với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10%/ năm, và có giá là 250 tỷ đồng.

Lô trái phiếu được đảm bảo bằng 8,3 triệu cổ phần TCB của Techcombank, với cam kết giá trị tài sản đảm bảo luôn không thấp hơn 150% dư nợ gốc. Với thị giá TCB giảm mạnh trên sàn chứng khoán vừa qua, 8,3 triệu cổ phần TCB từng có lúc về chỉ còn 270 tỷ đồng, và hiện là 323 tỷ đồng, chỉ tương đương 129% dư nợ gốc của lô trái phiếu 250 tỷ đồng.

Ngoài công ty mẹ Eurowindow Holding, CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong - chủ đầu tư dự án 455ha ở Khánh Hoà vào ngày 22/1/2020 cũng huy động thành công 500 tỷ đồng qua phương thức này. Hay CTCP Đầu tư T&M Việt Nam từ tháng 7-9/2020 đã phát hành 823,2 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 29 tháng.

Eurowindow Holding báo lãi khiêm tốn, nợ phải trả hơn 7.000 tỷ đồng năm 2021. Ảnh: EWH
Eurowindow Holding báo lãi khiêm tốn, nợ phải trả hơn 7.000 tỷ đồng năm 2021. Ảnh: EWH

Bên cạnh đó, CTCP xây dựng và Quản lý dự án số 1 (PCM1) vào ngày 14/7/2021 cũng đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản là quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản liên quan đến 3 thửa đất có diện tích lần lượt là 44.838m2; 9.980m2 và 4.495m2 tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư T&M Việt Nam.

Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 8,9%/năm, các kỳ tiếp theo bằng mức tham chiếu cộng biên độ 1,5%/năm. 500 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành sẽ được PCM1 dùng để thanh toán tiền đặt cọc nhận chuyển nhượng dự án Trung tâm thương mại Vật liệu Xây dựng và trang thiết bị nội thất Mê Linh Plaza, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội và dự án Trung tâm thương mại & dịch vụ tổng hợp Mê Linh Plaza Hà Đông thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư T&M Việt Nam.

Không rõ tiến độ sử dụng vốn đến đâu, song biết rằng, vào ngày 14/7/2022 vừa qua, PCM1 đã mua lại 200 tỷ đồng trước hạn của lô trái phiếu trên.

Ở một chi tiết đáng lưu ý, cả lô trái phiếu của PCM1 lẫn T&M Vân Phong đều được thu xếp bởi VPBank và Chứng khoán VPS. Trong khi VPS đơn thuần chỉ là nghiệp vụ thu xếp, thì nhóm chủ VPBank, nên biết, đã có những thương vụ khá mật thiết với Eurowindow Holding.

Đơn cử, tại Cam Ranh, tổ hợp Mövenpick Resort và Radisson Blu Cam Ranh trước nay được biết đến với vai trò sở hữu của Eurowindow Holding. Tuy nhiên, nhóm MIK Group - thương hiệu bất động sản của giới chủ VPBank từ cuối năm 2015 đã mua lại một phần đáng kể dự án này, chi tiết sẽ được đề cập trong một bài viết khác.