Thương hiệu càng lớn, rủi ro bị ăn cắp càng cao

Có một điểm chung đáng suy ngẫm từ nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, võng xếp Duy Lợi, VIFON... Đó là những thương hiệu này dù đã “làm mưa làm gió” ở thị trường trong nước nhưng khi bước ra nước ngoài lại bị … mất nhãn hiệu, thậm chí phải trải qua cuộc chiến pháp lý hao tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc nhưng vẫn mang về phần thiệt thòi. Điều đó gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho bất kỳ thương hiệu Việt nào đang trên đà phát triển mạnh mẽ và muốn “dấn thân” vào biển lớn quốc tế.

Doanh nghiệp càng phát triển càng phải chú trọng quyền sở hữu thương hiệu
Quyền sở hữu thương hiệu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường quốc tế. Mặt khác, cơ hội cũng chính là thách thức khi các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể thông qua những hành lang pháp lý này để cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ta.

Cuộc chơi quốc tế mở rộng thì việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu thương hiệu đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, những thương hiệu càng nổi tiếng càng dễ bị dòm ngó để ăn cắp, bất kể là lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, khoa học hay sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp.

Thực trạng là thế nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá “mù mờ” với chính quyền lợi của mình.

Theo thống kê của Bộ Khoa học & Công nghệ, năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp; đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50% trong vòng 5 năm. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gấp đôi từ 105 đơn (năm 2015) lên 269 đơn (năm 2020). Điều này cho thấy xu hướng tăng lên về số lượng doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu và tài sản sở hữu trí tuệ.

Nhưng so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta thì vẫn còn là khoảng cách rất lớn. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tính đến 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người,

Một báo cáo khác của Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy, riêng trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ trích ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Như vậy, vẫn còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp và hàng chục triệu người lao động vẫn chưa nhìn nhận một cách đúng đắn về quyền sở hữu trí tuệ, hay nói cách khác, họ vẫn chưa nhận thấy được những rủi ro đang hiện hữu phía trước.

Doanh nghiệp càng phát triển càng phải chú trọng quyền sở hữu thương hiệu
So với các doanh nghiệp nước ngoài, nhận thức của doanh nghiệp trong nước về quyền sở hữu thương hiệu còn rất hạn chế. Trong ảnh, thương hiệu Starbucks đã đăng ký bảo hộ trên 130 quốc gia

Các chuyên gia trong nước đã đưa ra nhiều cảnh báo tại các buổi toạ đàm chuyên sâu về vấn đề này được tổ chức trong những năm gần đây. Thứ nhất, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp mình; nếu để bên khác đăng ký trước, khả năng mất thương hiệu rất cao. Việc mất thương hiệu không chỉ làm mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường của doanh nghiệp.

Thứ hai, hiện doanh nghiệp Việt mới chỉ chú trọng đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở trong nước nhưng chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Nếu doanh nghiệp này có định hướng xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ sang nước ngoài mà chưa đăng ký thương hiệu, khả năng bị ăn cắp rất lớn. Bởi nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở thị trường nước ngoài.

Trên thực tế, nhiều bài học quá khứ đã cho thấy, do sự bất cẩn của các doanh nghiệp Việt, nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước đã bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm và phần lớn trong số đó phải “ngậm ngùi” chấp nhận bị mất thương hiệu ở nước ngoài. Chính vì thế, doanh nghiệp có sản phẩm thương hiệu tốt có nhu cầu xuất khẩu nên chủ động xin bảo hộ tại nước ngoài.

Quyền sở hữu thương hiệu: “Lá chắn bảo vệ” của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới là một xu hướng tất yếu. Những doanh nghiệp càng phát triển lớn mạnh càng hướng tới “bước ra biển lớn”. Để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, không còn cách nào khác các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong cả thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa con số doanh nghiệp đã đăng ký thương hiệu và chưa đăng ký thương hiệu tại Việt Nam khiến chúng ta phải suy ngẫm. Quả thực, vẫn còn rất nhiều rào cản khiến phần lớn doanh nghiệp Việt “chần chừ” không đăng ký thương hiệu.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại) tại Toạ đàm “Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam” năm 2021, nhiều các chủ doanh nghiệp vẫn cho rằng doanh nghiệp mình bé, nên không quan tâm đến trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp e ngại kinh phí đăng ký thương hiệu không rẻ, chưa kể đăng ký tại từng quốc gia cũng rất tốn kém và mất công sức.

Trong quá khứ, nhận thức sai lầm về tầm quan trọng của quyền sở hữu thương hiệu đã đem về “trái đắng” cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tồn tại từ lâu đời, xây dựng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ví dụ điển hình là khi cà phê Trung Nguyên có ý định tiến vào thị trường Mỹ vào năm 2000, trong khi Công ty Trung Nguyên đang đàm phán với Công ty Rice Field thì đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Doanh nghiệp càng phát triển càng phải chú trọng quyền sở hữu thương hiệu
Cà phê Trung Nguyên từng đứng trước nguy cơ bị mất thương hiệu trên đất Mỹ

Cuộc chiến này đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí trong và ngoài nước. Theo nhiều nguồn tin, Trung Nguyên đã mất hàng hàng trăm nghìn USD trong khoảng 2 năm để lấy lại chính thương hiệu của mình trên đất Mỹ. Bài học cay đắng đó đã cảnh tỉnh ban lãnh đạo của đoanh nghiệp này, sau đó Trung Nguyên sau đó đã “mạnh tay” đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Có thể thấy, để tránh việc phải bỏ rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để giành lại chính thương hiệu của mình, doanh nghiệp cần chủ động, sáng suốt hơn trong việc bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài ban đầu có thể khá cao so với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp nhưng sẽ không đáng là bao khi so sánh với chi phí mà doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nếu rơi vào tình huống phải đi kiện tụng để lấy lại thương hiệu.

Mặt khác, việc nắm vững pháp luật về quyền sở hữu thương hiệu nói riêng, cũng như các quyền sở hữu trí tuệ khác nói chung, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, kiến tạo tương lai doanh nghiệp một cách chắc chắn và bền vững hơn; mà còn khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.

Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu tại từng nước vừa tốn kém về chi phí vừa rườm rà về thủ tục, cho nên hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế đã ra đời, trên cơ sở Công ước Paris cho phép các doanh nghiệp được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ là đơn vị đầu mối trong lĩnh vực này.