Ngày 6/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 đang diễn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Phát biểu tại sự kiện, TS. Mary C. Hallward Driemier - Cố vấn kinh tế cấp cao về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo (Ngân hàng Thế giới - WB) khẳng định xu hướng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, nhưng ở các ngành công nghệ khác nhau, có sự ứng dụng công nghệ khác nhau và cần có sự sàng lọc để thành công.

Adidas đóng cửa nhà máy ở Đức chuyển về Việt Nam vì một lý do bất ngờ
Cách mạng Công nghiệp 4.0 không phải nguy cơ mà tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh, tính kết nối, giá trị trong tương lai, bà Mary C. Hallward Driemier khẳng định.

Trước nhận định cho rằng ứng dụng robot hóa, tự động có thể thay thế nhân công và các nước có lợi thế về nhân lực, lao động và tiền lương thấp sẽ thất thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược, bà Mary C. Hallward - Driemier cho rằng điều này chưa hẳn đúng. Ví dụ như hãng giày thể thao hàng đầu thế giới là Adidas từng xây dựng nhà máy sản xuất giày bằng robot tự động tại Đức. Tuy nhiên, tháng 4/2020 hãng này tuyên bố đóng cửa để chuyển sang Việt Nam, bởi nơi đây gần chuỗi cung ứng, đại diện WB chia sẻ.

Bà Mary C. Hallward Driemier cũng cho rằng, việc Adidas dùng công nghệ robot để sản xuất giày nhưng phải đóng cửa ngay sau đó cho thấy không phải ngành, lĩnh vực nào cũng áp dụng thành công tự động hóa.

Quan trọng là Việt Nam cần đảm bảo năng lực kinh tế, dịch vụ tốt hơn để gia tăng tính cạnh tranh trong những ngành có thế mạnh, lợi thế của mình. Cách mạng Công nghiệp 4.0 không phải nguy cơ mà tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh... bà Mary C. Hallward Driemier khẳng định.

Adidas được thành lập vào năm 1924 tại Đức bởi hai anh em nhà Dassler là Adi Dassler và Rudolf với tên tiền thân là Gebruder Dassler Schuhfabrik. Đến thời điểm hiện tại, Adidas đã trở thành một trong những nhãn hàng thời trang thể thao lớn nhất thế giới.

Adidas bắt đầu sản xuất giày chủ yếu bằng robot tại nhà máy “Speedfactory” gần trụ sở chính ở Bavarian (Đức) năm 2016, rồi sau đó mở tiếp cơ sở mới gần Atlanta năm 2017.

Hãng Adidas cho biết việc mở nhà máy tại Đức sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường chủ chốt Châu Âu và cắt giảm chi phí lưu kho. Hơn nữa, việc tự động hóa sẽ giảm chi phí nhân công, vốn là điểm mạnh của các nhà máy giá rẻ tại Châu Á.

Phía Adidas cũng tuyên bố sẽ mở thêm các cơ sở tương tự trên toàn cầu, bao gồm những nhà máy mới tại Mỹ vào năm 2017.

Nhưng thực tế, đến 2019, hãng này tuyên bố dây chuyền sản xuất bằng robot tại nhà máy Đức và Mỹ sẽ ngừng hoạt động từ tháng 4/2020 để hãng có thể tập trung nhiều hơn cho hai trong số các nhà máy tại châu Á. Theo các chuyên gia, chi phí vận hành và khó khăn trong mở rộng công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm được cho là nguyên nhân.