Tại sao đa số người trẻ hiện nay khó mua nhà lần đầu?
Người trẻ hiện đại vẫn đang loay hoay với câu chuyện mua nhà.

Nhiều người trẻ hiện đại vẫn đang loay hoay với câu chuyện "an cư". Theo đó, có một nghịch lý là dù nằm trong nhóm người mong muốn sớm mua được nhà nhưng giới trẻ đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong việc tìm kiếm nhà ở phù hợp với tài chính và nhu cầu của mình.

Cụ thể, các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP HCM đang trở thành điểm đến của số lượng lớn người trẻ thuộc nhóm lao động có trình độ, từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Điển hình như TP HCM có dân số hơn 10 triệu người, 55% trong số đó là người trẻ và có khoảng 30% dân số trong độ tuổi trẻ có nhu cầu mua nhà.

Hay theo nghiên cứu thị trường do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam mới công bố cũng cho thấy, hầu hết thành viên của Gen Z và thế hệ Millennials (người trưởng thành trong đô thị lần lượt ở độ 18 - 25 tuổi và 26 - 41 tuổi) đều muốn sở hữu một ngôi nhà.

Đặc biệt với thế hệ Millennials, họ cho rằng quyền sở hữu nhà là dấu hiệu thành công hàng đầu. Vì vậy, nhu cầu "an cư" của khách hàng trẻ là rất lớn.

"Khát" phân khúc nhà ở bình dân

Độ tuổi từ 25 - 35 được xem là độ tuổi có khả năng thu nhập tốt để mua nhà. Đối với nhóm tuổi này, việc sở hữu một căn nhà đòi hỏi thu nhập và số dư nhất định để có thể đặt trước được một khoản tiền.

Tại TP HCM, nhóm khách hàng này thường nhắm đến các căn hộ nhỏ có diện tích từ 50 - 70m2 ở các khu vực ngoại ô. Mặc dù đây là thị trường tiềm năng nhưng nguồn cung phân khúc này hiện không nhiều.

Như ở TP HCM, thị phần căn hộ từ 2-3 tỷ đồng rất ít, chiếm dưới 20% thị phần nguồn cung hiện tại và chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại ô. Điều này dẫn đến lựa chọn hạn chế cho người mua. Mức giá cũng ở mức cao, không phải ở mức dễ dàng cân nhắc.

Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà của các bạn trẻ là từ 30 - 45 triệu đồng hàng tháng. Đây được coi là mức có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng.

Xét những câu chuyện thực tế, việc giá cả chênh lệch với thu nhập vẫn là vấn đề mấu chốt dẫn đến việc người trẻ hiện khó mua nhà lần đầu. Chị M.H (Thanh Hoá, nhân viên văn phòng) chia sẻ, chị đã làm việc ở Hà Nội được 5 năm. Tuy nhiên với thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng, việc mua một căn nhà đối với H. là điều gì đó rất xa vời. Cô gái trẻ tính toán, mỗi tháng chắt bóp chi tiêu cũng chỉ để dành ra khoảng trung bình 5 triệu đồng. Giá nhà cao và thu nhập thấp, nếu muốn mua căn chung cư ở vùng ven Hà Nội, H. phải nhờ cậy đến 80% sự hỗ trợ tài chính từ gia đình.

Trong khi đó với những người trẻ đã lập gia đình, gánh nặng các khoản chi tiêu, con cái càng khiến cho mục tiêu mua nhà khó khăn hơn. Như anh H.N. (26 tuổi, ở Hải Dương) cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng anh khoảng 25 triệu đồng/tháng. Ở Hà Nội đã 7 năm, hai vợ chồng N. phải thuê căn phòng trọ khoảng 12m2, hạn chế chi tiêu hết mức nhưng cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Chưa kể, có con nhỏ các khoản phát sinh rất nhiều, có tháng kinh tế hụt trước, thiếu sau. Việc mua nhà ở Hà Nội đối với đôi vợ chồng này là bất khả thi.

"Trước đây, mỗi tháng vợ chồng tôi để dành được khoảng 10 triệu đồng. Từ khi có con đến nay, số tiền để dành hàng tháng chỉ là con số 0 tròn trĩnh, thậm chí còn phải chi tiêu cả tiền tiết kiệm để dành từ tháng trước khi con cái ốm đau”, anh N. nói.

Tại sao đa số người trẻ hiện nay khó mua nhà lần đầu?
Sở hữu căn nhà với người trẻ trở nên khó khăn khi giá cả tăng cao.

Chi phí sống tăng cao so với thu nhập

Không chỉ thu nhập và giá cả, chi phí sống tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM ngày càng tăng cao trong khi thu nhập không tăng theo cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giấc mơ an cư của người trẻ. Điều này làm cho việc tích trữ thu nhập để có khả năng trả mức giá cao trở nên khó khăn hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể mua được nhà, hàng tháng mỗi người nên tiết kiệm khoảng 50% thu nhập.

Ngoài ra, chỉ nên mua nhà khi có 50% vốn tự có và vay ngân hàng 50% giá trị căn hộ. Điều này giúp bạn không quá áp lực và nặng gánh với con số đang nợ cũng như trả lãi hàng tháng. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao việc, thu nhập không ổn định mức cao nên việc tiết kiệm 50% với các bạn trẻ tương đối khó khăn.

Tại sao đa số người trẻ hiện nay khó mua nhà lần đầu?
Thị phần căn hộ từ 2-3 tỷ đồng rất ít. Ảnh: MH

Đưa ra lời khuyên với người lao động có nhu cầu vay vốn mua nhà hạng C, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, mức thu nhập và tỷ lệ trả nợ phải đạt 50/50. Kế hoạch lý tưởng nhất là một gia đình hai vợ chồng đi làm phải có tổng thu nhập 50 triệu đồng. Trả 50% thu nhập cho ngân hàng. 50% còn lại chi trả sinh hoạt hằng ngày, tiền học cho các con,...

Để có thể mua nhà, các chuyên gia cho rằng, các bạn trẻ cần lập kế hoạch chi tiêu chi tiết để cân đối và kiểm soát được việc quản lý chi tiêu. Trước tiên, hãy liệt kê tất cả các khoản chi phí sinh hoạt, trong đó chia ra khoản nào thiết yếu, khoản nào không thiết yếu để có thể dễ dàng cắt bỏ. Các khoản chi thiết yếu bao gồm như tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống…Còn lại những khoản không cần thiết như: giải trí, mua sắm, du lịch… nên hạn chế để tạo thói quen chi tiêu hợp lý.