Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm mới đây đã ký văn bản thông báo Kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình trong giai đoạm 2011-2018.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại tỉnh Ninh Bình.
Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại tỉnh Ninh Bình.

Cụ thể: Tại kết luận thanh tra số 465/KL-TTCP ngày 24/3/2021 về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời kỳ từ 2011 - 2018. Thanh tra Chính phủ đã thông tin về kết quả thanh tra của 20 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Qua kiểm tra 20 dự án, có 12 dự án của 10 chủ đầu tư chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.

Trong đó có 2 dự án của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường gồm dự án khai thác đất tại mỏ đất đá hỗn hợp đồi Thông Tin và dự án khai thác đá tại núi Voi Trong, xã Đông Sơn, Tp.Tam Điệp.

Dự án khai thác mỏ đá Núi Bài Thung của Công ty CP Đầu tư thương mại Thiên Tân; Dự án chế biến đá tại mỏ đá xã Gia Minh của Công ty TNHH Thảo Anh Gia Sinh; Dự án đá vôi tại xã Gia Hòa của Công ty CP Vissai Ninh Bình;

Dự án khai thác mỏ đất Ba Mào và Dự án khai thác mỏ đá núi Hống của Tổng Công ty Xây dựng và Lắp máy Việt Nam; Dự án khai thác đá vôi tại mỏ núi Thung Chuông của Công ty TNHH An Thành Long; Dự án khai thác và chế biến đá vôi tại mỏ đá phía Đông Bắc núi Thung Chuông của Công ty CP Đầu tư phát triển Quang Minh Ninh Bình.

Ninh Bình: 'Điểm mặt' loạt dự án khai thác khoáng sản sai phạm
Các dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Ảnh minh họa

Dự án khai thác đá vôi Hang Nước II của Công ty CP Xi măng Hướng Dương; Dự án khai thác mỏ đá vôi núi Mả Vối của Công ty TNHH đá Việt Hồng Quang; Dự án khai thác đá hỗn hợp khu vực Đồi Ngang của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển Xuân Thành.

Các dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như: hệ thống tưới nước, phun sương tại khu vực khai thác, chế biến chưa đảm bảo được việc ngăn ngừa, giảm thiểu bụi; xe vận chuyển khoáng sản trước khi ra khỏi khu vực mỏ không được che phủ bạt theo quy định; Việc quản lý và báo cáo quản lý chất thải nguy hại của nguồn chủ thải định kỳ hàng năm chưa thực hiện đầy đủ…

Chưa dừng lại, một số dự án khai thác khoáng sản vượt công suất với khối lượng lớn trong nhiều năm, dẫn đến các biện pháp, phương án bảo vệ môi trường đã thực hiện không đáp ứng được nhưng chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không xin phép cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện, có 18/20 dự án chưa có trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác thực tế, không quản lý được trọng tải của xe vận chuyển khoáng sản khi ra khỏi khu vực mỏ như yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Ninh Bình: 'Điểm mặt' loạt dự án khai thác khoáng sản sai phạm
Tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư khai thác khoáng sản có vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các quy định về an toàn lao động; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhiều lần có hệ thống. Ảnh minh họa

Về phí bảo vệ môi trường, TTCP cho biết, qua thanh tra 20 dự án tại Ninh Bình cho thấy, có một số chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản thực hiện việc quy đổi, kê khai khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường không đúng quy định, như: không quy đổi từ “tấn” ra “m3” hoặc có quy đổi nhưng hệ số thấp hơn hệ số do UBND tỉnh quy định, không nhân với hệ số khai thác lộ thiên, gây thât thu ngân sách nhà nước.

TTCP tạm tính số tiền phí bảo vệ môi trường phải nộp bổ sung của 5 doanh nghiệp là gần 1 tỷ 467 triệu đồng.

Về thuế tài nguyên, TTCP xác định còn 3/5 chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản để sản xuất xi măng, gồm: Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương, Công ty TNHH Duyên Hà, Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng đã nộp thuế tài nguyên theo hệ số quy đổi 2,74 tấn/m3, chưa thực hiện việc quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m3 theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Bình để nộp thuế tài nguyên bổ sung đối với khối lượng khoáng sản khai thác từ tháng 4/2017 trở về trước.

Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 4/4/2017 quy định hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 nhưng Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương vẫn quy đổi theo hệ số 1,8 tấn/m3 để nộp thuế tài nguyên (đến thời điểm thanh tra vẫn không thực hiện theo quy định của UBND tỉnh). Việc làm trên của công ty đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu, cơ quan Thuế đôn đốc nộp nhưng doanh nghiệp không thực hiện.

TTCP đã áp dụng hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 để tạm tính số tiền thuế tài nguyên đối với 3 công ty nêu trên còn thiếu là hơn 32,5 tỷ đồng.

Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện việc chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến các tồn tại để có hình thức xử lý theo đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ cho biết: Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản có vi phạm các quy định của luật bảo vệ môi trường, luật khoáng sản. Tuy nhiên, chưa có biện pháp giám sát thường xuyên, sau khi bị xử phạt một số chủ đầu tư vẫn chưa nghiêm túc khắc phục các sai phạm hoặc thực hiện mang tính đối phó.

Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã kê khai, quy đổi khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên không đúng quy định của pháp luật và quy định của tỉnh, gây thất thu ngân sách nhà nước. Công tác bảo đảm an toàn lao động tại một số dự án khai thác khoáng sản chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, tại một số mỏ khai thác không đúng thực tế dẫn đến nguy cơ về tai nạn lao động. Bên cạnh đó, phần lớn người lao động tại các mỏ là lao động phổ thông, ít kinh nghiệm, chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động.

Về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trước đây, do việc giao đất cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng được thực hiện trên bản đồ, không đo đạc, xác định ranh giới cụ thể, vì vậy diện tích đất do các nông, lâm trường quản lý, sử dụng chênh lệch nhiều so với thực tế, do đó việc quản lý, sử dụng đất không cụ thể và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau khi thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi các nông trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường; không chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các trình tự, thủ tục để quản lý đất đai. Không kịp thời tiến hành rà soát, phân loại các loại diện tích đất, đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các công ty được giữ lại sử dụng; không ban hành quyết định giao đất và chuyển sang hình thức thuê đất đối với diện tích công ty được tiếp tục sử dụng; không ban hành quyết định thu hồi đối với các điện tích đất công ty không còn nhu cầu sử dụng, dẫn đến có nhiều diện tích đất không quản lý được, phát sinh tình trạng lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái phép, không ký hợp đồng thuê đất đầy đủ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư khai thác khoáng sản có vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các quy định về an toàn lao động; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhiều lần có hệ thống.

Đồng thời, chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan các tồn tại, vi phạm đã nêu tại kết luận này để có hình thức xử lý theo đúng quy định… Giao thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan thuế tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc áp dụng hệ số quy đổi khối lượng của tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để truy thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên đối với các doanh nghiệp đã thực hiện quy đổi chưa đúng quy định, chưa nhân hệ số khai thác lộ thiên…