Cụ thể, các hành vi sẽ bị xử phạt đối với tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản (chủ đầu tư) bao gồm:

Không nộp hồ sơ để làm ​thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất; Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng sẽ áp dụng với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Không nộp hồ sơ làm 'sổ đỏ' cho người mua nhà chủ đầu tư dự án BĐS có thể bị phạt 1 tỷ đồng
Không nộp hồ sơ làm 'sổ đỏ' cho người mua nhà chủ đầu tư dự án BĐS có thể bị phạt 1 tỷ đồng

Hình thức và mức xử phạt tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản tương ứng với thời gian và mức độ vi phạm từ sau 50 ngày đến 6 tháng.

Đối với các trường hợp vi phạm từ trên 6 tháng đến 9 tháng sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 50 triệu đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Từ trên 9 tháng đến 12 tháng sẽ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 300-500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Từ 12 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100-300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản còn phải khắc phục hậu quả. Cụ thể là nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất quy định phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với trường hợp không đủ điều kiện về chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản theo quy định Luật Đất đai và các quy định khác của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở.

Theo quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết; quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp...

Sổ đỏ là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ) do Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành, còn sổ hồng là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (có bìa màu hồng) do Bộ Xây dựng ban hành trước ngày 10/12/2009.

Tuy nhiên, sau ngày 10/12/2009, hai loại giấy này được thống nhất thành một loại giấy chung là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất. Tóm lại, có thể hiểu sổ đỏ (hay sổ hồng) là cách gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà người dân thường gọi dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận.