"Ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản

Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex - WTO), với tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư của Bộ Giao thông Vận tải.

Tổng công ty này được cổ phần hóa năm 2005, Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động đa ngành, đặc biệt là 4 lĩnh vực chính gồm Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và Thương mại dịch vụ.

Năm 2017, Tập trung vào lĩnh vực Bất động sản, Năng lượng và Sản xuất Công nghiệp. Hiện nay, Vietracimex có hơn 20 công ty, xí nghiệp trực thuộc trên khắp cả nước

Bất động sản và năng lượng được xem là 02 lĩnh vực mũi nhọn của WTO. Đối với mảng bất động sản, Tổng Công ty này là chủ đầu tư của một loạt dự án lớn như: Dự án Hinode City tại địa chỉ 201 Minh Khai, Hà Nội; KĐT Kim Chung – Di Trạch Hoài Đức, Hà Nội; dự án Phạm Hùng (Mỹ Đình, Hà Nội); Hanoi Golf Club (Sóc Sơn, Hà Nội)… Bên cạnh đó, Vietracimex - WTO còn sở hữu 2 lô đất ở Hà Nội tại số 926 đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội với diện tích 8.534,8 m2 và lô đất tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn rộng 29.204 m2.

 Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động đa ngành, đặc biệt là 4 lĩnh vực chính gồm Bất động sản
Vietracimex sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động đa ngành, đặc biệt là 4 lĩnh vực chính gồm Bất động sản. Ảnh minh họa: wto.com.vn

Tại TP HCM, Vietracimex cũng là chủ đầu tư của hàng loạt các dự án như: KĐT Bình Khánh; Lô 2 (1.570 căn hộ) khu tái định cư 38,4ha tại KĐT mới Thủ Thiêm; dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long quy mô 41,87 ha (đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM)… Ngoài ra công ty này đang xây dựng một số tổ hợp khách sạn tại các tỉnh, thành khác như: dự án Sunrise VNT Phú Quốc, Trung tâm văn phòng và khách sạn 5 sao Lạng Sơn…

Trong đó, Vietracimex luôn dành nhiều quảng cáo cho 3 dự án lớn gồm Hinode City Plaza, Vietracimex Tower và Hinode Royal Park được coi là niềm tự hào của Công ty.

Thứ nhất, Chung cư Hinode City Plaza(số 201 Minh Khai, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Dự án này có các loại hình căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng. Tổng số căn hộ: 1099 căn 2-3-4 phòng ngủ, căn hộ Duplex. Dự án này đã hoàn thành vào Quý III/2019. Giá bán căn hộ tại đây khoảng 37 - 60triệu đồng/m2, dao động từ 3,5 – 6.2 tỉ/căn hộ (cập nhật T4/2022).

Theo Vietracimex, với vị trí đắc địa tại số 201 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, dự án không chỉ mang đến sự thuận lợi mà còn được phát triển hệ thống tiện ích hoàn hảo cho dự án. Hinode City được thiết kế theo thuyết ngũ hành Á Đông, đậm phong cách văn hóa Nhật Bản được thể hiện đồng bộ, ấn tượng tại khu Vườn Nhật, khu tắm khoáng onsen, vườn thiền, vườn yoga thượng uyển,...

Thứ hai, dự án Khu Đô Thị Kim Chung Di Trạch - Hinode Royal Park (Xã Kim Chung và Di Trạch, Hoài Đức, TP Hà Nội). Tổng diện tích dự án: 146,7 ha với loại hình dự án gồm: Nhà phố vườn, nhà phố thương mại, Biệt thự phố, Biệt thự song lập, đơn lập ven hồ. Dự án này có 8.983 căn chung cư và 2.623 căn thấp tầng. Giá bán của các sản phẩm tại dự án này dao động từ 25 - 50 triệu đồng/m2.

Theo quảng cáo, Vietracimex đầu tư hệ thống tiện ích đa dạng khép với hệ thống trường học liên cấp, bệnh viện quốc tế; TTTM; tiện ích công viên cây xanh, hồ trung tâm, bể bơi, nhà hàng, spa… tạo nên một môi trường sống sạch, an toàn và thân thiện.

Phối cảnh dự án Hinode City 201 Minh Khai
Phối cảnh dự án Hinode City 201 Minh Khai.

Thứ ba, dự án Vietracimex Tower (Lô E4-17 KĐT mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Loại hình phát triển: Cao ốc văn phòng, TTTM. Vietracimex Tower là cao ốc văn phòng nằm ở trung tâm quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, siêu thị, ngân hàng và các dịch vụ ăn uống.

Dự án là tòa tháp cao 30 tầng, trong đó dùng 2 tầng hầm đỗ xe; khối đế từ tầng 1- 4 là trung tâm thương mại, dịch vụ; các tầng phía trên dùng làm văn phòng.

Vietracimex Tower sẽ là trụ sở làm việc chính của Tổng Công ty Vietracimex, được dự đoán sẽ là một trong những tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng tiện nghi, là điểm đến của nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thủy điện, WTO nổi tiếng với các dự án như: Thuỷ điện Tà Thàng tại Lào Cai công suất 60MW, vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng; thuỷ điện Bắc Mê công suất 45MW, vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng; thủy điện Mỹ Lý, công suất 180 MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng; thủy điện Nậm Mô 1, công suất 90 MW, tổng mức đầu tư 4.128 tỷ đồng; thuỷ điện Đạ Dâng - Đa Chomo công suất 24MW, vốn đầu tư 653 tỷ đồng…

Tại dự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng, tỉnh Lào Cai, Vietracimex đã vướng nhiều sai phạm nghiêm trọng khi chưa thực hiện việc thuê đất, thậm chí không có GCNQSDĐ đã tiến hành triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động; bị người dân khiếu nại triền miên vì khuất tất trong đền bù GPMB; nợ 46,9 tỷ đồng tiền thuế, phí.

Trong lĩnh vực điện mặt trời, Vietracimex - WTO đang đầu tư 02 dự án tại tỉnh Bình Thuận là nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1 và Hồng Phong 2 với tổng mức đầu tư xấp xỉ 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty này cũng đầu tư vào nhà máy điện gió Hòa Thắng 1,2 tại tỉnh Bình Thuận. Gần đây nhất vào đầu năm 2021, Vietracimex - WTO cũng chính thức khởi công Dự án Điện gió Cà Mau 1 – giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng với công suất 350 MW, bao gồm 4 nhà máy 1A, 1B, 1C và 1D, được xây dựng trên biển thuộc các xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi và xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn.

Sai phạm nghiêm trọng trong nhiều dự án nghìn tỷ

Dù được coi là niềm tự hào nhưng nhiều dự án bất động sản của Vietracimex cũng vướng hàng loạt sai phạm. Điển hình như dự án Hinode City tại địa chỉ 201 Minh Khai đã bị phạt với hàng loạt sai phạm từ vi phạm trật tự xây dựng đến PCCC.

Cụ thể, năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã cho phép Vietracimex chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất này để thực hiện dự án. Đến ngày 17/09/2012, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4095/QĐ-UBND phê duyệt tiền sử dụng đất dự án là gần 475 tỷ đồng; nhưng phải đến ngày 28/02/2017, Vietracimex mới nộp đủ số tiền này vào ngân sách Nhà nước.

Ngày 25/05/2017, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 2559/UBND-SXD về việc chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án. Theo quyết định điều chỉnh này, tổng số căn hộ tại dự án theo phê duyệt ban đầu là 810 căn, sau đó được điều chỉnh thành 1.099 căn, tăng 289 căn. Quy mô dân số ban đầu khoảng 3.842 người, tăng lên thêm 159 người thành 4.001 người.

Ngày 18/09/2019, UBND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với Vietracimex về hành vi vi phạm “Tổ chức thi công xây dựng sai giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. UBND quận yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh GPXD; nếu hết thời hạn 60 ngày sẽ áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà các sai phạm này sau đó không hề bị cưỡng chế tháo dỡ, còn các hoạt động thi công xây dựng tại dự án thì được thực hiện rầm rộ hơn khi chưa bị kiểm tra, xử phạt.

Ngày 28/04/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc điều chỉnh về bố trí cơ cấu mặt bằng công năng một số tầng tại các hạng mục công trình công trình thuộc dự án Hinode City. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Vietracimex liên hệ với Sở Xây dựng kiểm tra hồ sơ, thẩm định an toàn kết cấu công trình và hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung GPXD đã được cấp theo quy định; liên hệ với Cục Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn thẩm định phương án PCCC; chỉ được xây dựng khi được cấp GPXD bổ sung và hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng.

Phối cảnh Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch
Phối cảnh Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch.

Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là các vi phạm tại Dự án Kim Chung - Di Trạch (TP Hà Nội).

Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) được phê duyệt từ 2008. Dự án có quy mô dân số dự kiến 20.000 - 30.000 người. Tuy nhiên, sau giai đoạn thị trường gặp khủng hoảng năm 2012 - 2013, Chủ đầu tư xây một vài công trình rồi bỏ hoang nhiều năm. Cuối năm 2021, Vietracimex tái khởi động Dự án với tên thương mại mới là Hinode Royal Park.

Kết luận thanh tra nêu rõ, về quy hoạch, thời gian lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch phân khu S2 của Thành phố kéo dài từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2014 đã vi phạm quy định của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP. Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 kéo dài từ tháng 3/2014 đến tháng 10/2018 cũng vi phạm quy định Nghị định số 37/2010/NĐ-CP.

Về công tác giải phóng mặt bằng, theo kết luận thanh tra, sau 3 tháng kể từ khi có quyết định thu hồi đất tổng thể, UBND huyện Hoài Đức mới ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân là không đúng quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.

Không chỉ vậy, cơ quan thanh tra cũng xác định, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức đã không ban hành thông báo thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân (104 hồ sơ được kiểm tra đều thiếu thông báo thu hồi đất). Hành động này không đúng với quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.

UBND huyện Hoài Đức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng lại không căn cứ vào diện tích đo đạc thực tế. Điều này cũng không đúng với quy định của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.

Tại thời điểm thanh tra, diện tích đất của Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch được bàn giao là 136,48 ha, giảm 1,68 ha so với diện tích đất được giao tại Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 8/5/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ).

Tuy nhiên, Vietracimex và UBND huyện Hoài Đức chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ để trình UBND TP Hà Nội điều chỉnh lại diện tích đất giao cho Vietracimex; chưa bàn giao đất theo quy định đối với 10,28 ha đất là chưa nỗ lực thực hiện, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của Dự án.

Về giao đất, nộp tiền sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ việc thu hồi 138,17 ha đất, giao Vietracimex thực hiện Dự án nhưng không quy định cụ thể diện tích đất giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thời hạn sử dụng đất… để làm căn cứ cho việc xác định tiền sử dụng đất, không căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được duyệt là thực hiện không đúng quy định Nghị định số 181/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, trước khi ra quyết định giao đất cho Vietracimex, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây (cũ) đã không thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Dự án là thực hiện không đúng quy định Nghị định số 181/NĐ-CP.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những vi phạm của Chủ đầu tư (Vietracimex) khi ký hợp đồng chuyển nhượng đất, nhà cho 16 khách hàng khi Dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

Ngoài ra, Vietracimex đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng và nhà ở của Dự án mà không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000, 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt...