4 ngân hàng có vốn Nhà nước đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp
4 ngân hàng có vốn Nhà nước đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp

Sau Vietcombank, 3 ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và VietinBank cũng đồng loạt giảm lãi tiết kiệm ở mức 0,2 điểm % mỗi kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,3%/năm.

Ngày 11/10, ngân hàng Agribank điều chỉnh giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Cụ thể, kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang được Agribank áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 5,3%/năm, giảm 0,2% so với trước đó.

VietinBank và BIDV cũng đồng loạt giảm 0,2% lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,3%/năm.

Big4 Ngân hàng Việt Nam là tập hợp những ngân hàng quốc doanh có tổng tài sản đều đạt mức trên 1 triệu tỷ đồng. Đây đều được xem là những ông lớn của lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Danh sách này đều tập hợp những cái tên quen thuộc và đều nhận được sự tin tưởng của người dân bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.

Như vậy, toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Cụ thể, nhóm Big4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng thương mại cổ phần có biểu lãi suất tiền gửi thấp hơn. Cụ thể, ABBank đã áp dụng lãi suất 4,9%/năm cho kỳ hạn 9 tháng và 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. MSB đang đưa ra lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 5,1%/năm. Ngoài ra, một số nhà băng như Techcombank, SeABank hay GPBank cũng đang công bố biểu lãi suất từ 5,35%/năm đến 5,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, gần tương đương với nhóm Big4.

Tính đến cuối quý II, Agribank có số dư tiền gửi khách hàng đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với hồi đầu năm; Agribank và BIDV (gần 1,546 triệu tỷ đồng), Vietcombank (gần 1,327 triệu tỷ đồng), VietinBank (1,310 triệu tỷ đồng).

Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm Big4 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua cũng trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, có sự phục hồi so với các tháng trước đó song vẫn thấp chỉ bằng một nửa nếu so với cùng kỳ năm trước và chưa bằng một phần 2 mục tiêu định hướng cả năm nay là 14 - 15%.