Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm tới 59,99 điểm (-4,7%), còn 1.216,61 điểm. Chỉ số HNX cũng giảm mạnh 11,63% (-4,82%) còn 229,71 điểm trong khi Upcom cũng mất tới 11,63 điểm, còn 229,71 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của các chỉ số trong nhiều tháng trở lại đây và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng. Thanh khoản tăng mạnh dưới áp lực bán tháo, giá trị giao dịch HoSE hơn 33.500 tỷ đồng.

Sắc đỏ áp đảo hoàn toàn thị trường khi số lượng cổ phiếu giảm lên đến 475 mã, gấp gần 12 lần số lượng cổ phiếu tăng. Trong số này, 111 mã giảm hết biên độ và phần lớn đều đóng cửa trong tình trạng không có bên mua.

VN-Index rơi gần 60 điểm, nhà đầu tư 'chết lặng'
Diễn biến phiên giao dịch ngày 15/4. Ảnh chụp màn hình

VN-Index bốc hơi 59,99 điểm là mức giảm mạnh chưa từng thấy kể từ phiên ngày 12/5/2022 (chỉ số mất 62,69 điểm). HoSE ghi nhận 111 cổ phiếu giảm hết biên độ, HNX là 31 mã và UpCOM 15 mã. Tính về số lượng mã giảm sàn thì HoSE hôm nay vẫn chưa bằng phiên ngày 26/10/2023 (114 mã sàn) nhưng hôm đó VN-Index chỉ giảm 46,21 điểm.

Trong bối cảnh thị trường cơ sở điều chỉnh mạnh, phái sinh giao dịch sôi động. Hợp đồng tương lai VN30F2404 đóng cửa giảm hơn 49 điểm, khối lượng giao dịch hơn 310.000 hợp đồng, tăng mạnh so với những phiên gần đây.

Trong rổ VN30 có tới 29 mã giảm giá. Trong đó, BCM, BID, GVR, MSN, SSI, VRE giảm kịch sàn và nhiều mã giảm sát giá sàn. Trong nhóm này chỉ duy nhất SHB tăng nhẹ 0,44%.

Dòng cổ phiếu ngân hàng chỉ duy nhất SHB giữ được sắc xanh, còn lại hàng loạt cổ phiếu giảm sàn hoặc gần giá sàn như VAB, BID, CTG, TPB, EIB.

Cổ phiếu các nhóm ngành công nghệ, vật liệu cơ bản, dầu khí, chứng khoán…cũng lao dốc mạnh.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn duy nhất PTB đứng ở tham chiếu. Các mã PVB, PVD, PVC giảm hết biên độ. Các mã BSR, OIL. PLS, PVS, POS, TOS đều giảm sâu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không còn mã nào ở chiều giá tăng. Nhiều mã giảm kịch sàn như AGR, APS, BCG, BSI, BVS, CTS, EVS, FTS, HCM, VND, VDS...

Nhóm cổ phiếu bất động sản - xây dựng có cổ phiếu “nằm sàn” nhiều nhất: NVL, KBC, CII, HHV, VCG, DIG, PDR, TCH, NLG, VRE, FCN, LCG, DXG, KDH, CTD, BCM, SZC… Trong đó nhiều cổ phiếu trắng bên mua khi chốt phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ hai liên tiếp. Nhóm này hôm nay giải ngân 1.841 tỷ đồng để mua 67,9 triệu cổ phiếu trong khi bán ra 103,3 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị 3.079 tỷ đồng. Theo đó, giá trị bán ròng đạt 1.238 tỷ đồng, đánh dấu phiên có áp lực xả hàng mạnh nhất trong khoảng 3 tuần trở lại đây.

VHM là cổ phiếu đối diện lực bán mạnh nhất từ nhà đầu tư nước ngoài với giá trị ròng hơn 278 tỷ đồng, sau đó đến CTG hơn 207 tỷ đồng và SSI hơn 83 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tranh thủ mua vào cổ phiếu MWG với giá trị ròng hơn 105 tỷ đồng.

Tại thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều chứng kiến tình cảnh giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 15/4, sau khi cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xung đột lan rộng.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1% xuống 39.114,19 vào thời điểm nghỉ giữa phiên sáng. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng để mất 0,8% xuống 16.596,27 điểm. Các thị trường Singapore, Seoul, Đài Bắc và Manila đều mất ít nhất 1%. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney và Wellington.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.055,31 điểm, sau khi Trung Quốc mới đây đã công bố các biện pháp quản lý thị trường mới góp phần cải thiện hoạt động của thị trường trong dài hạn.