Hà Nội tạm chi hơn 22 tỷ đồng để chuẩn bị cải tạo chung cư cũ tại 5 quận

UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 4900 về việc tạm cấp kinh phí cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy để lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ năm 2022.

Theo Quyết định trên, tổng kinh phí tạm cấp là 22,125 tỷ đồng từ nguồn điều hành tập trung (kinh phí các nhiệm vụ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy có trách nhiệm bố trí kịp thời kinh phí lập đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ năm 2022.

Trước đó, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đề nghị thành phố tổ chức rà soát lại toàn bộ những chung cư cũ cần tiến hành xây dựng lại, chia ra thành các nhóm để từ đó có lộ trình triển khai thực hiện của.

UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri về xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ và để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, UBND thành phố đã ban hành đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội (số lượng nhà chung cư cũ là 1.579 nhà, hiện nay UBND các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục rà soát để cập nhật bổ sung).

Các kế hoạch dự kiến chia 4 đợt cải tạo chung cư cũ, trong đó đợt 1 lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, cải tạo chung cư cũ 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công, Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).

Hà Nội tạm chi hơn 22 tỷ đồng để chuẩn bị cải tạo chung cư cũ tại 5 quận. Ảnh minh họa
Hà Nội tạm chi hơn 22 tỷ đồng để chuẩn bị cải tạo chung cư cũ tại 5 quận. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, đôn đốc 14 dự án cải tạo chung cư cũ đang triển khai; rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D (phát sinh trong quá trình kiểm định) còn lại trên địa bàn; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV/2022 thì có thể tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự kiến trong quý I/2023, dự kiến khởi công cải tạo chung cư cũ trong quý II/2023.

Hồi tháng 10 vừa qua, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã thống nhất tạm cấp ngân sách với số tiền gần 128 tỷ đồng để các quận, huyện kiểm định chung cư cũ trong năm nay với nguồn kinh phí được trích từ nguồn điều hành tập trung ngân sách thành phố năm 2022.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.579 nhà chung cư, tập thể cũ. Hầu hết các chung cư cũ này được xây dựng từ giai đoạn 1960 - 1992, có quy mô từ 2 - 5 tầng, kết cấu bằng tường gạch, bê tông ghép và tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành.

Từ năm 2005 - 2014, đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Từ năm 2014, sau khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả. Sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 chung cư cũ của thành phố.

Hòa Bình chấm dứt Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy vì không theo tiến độ

UBND tỉnh Hòa Bình vừa đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy tại xã Hữu Lợi và thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC là nhà đầu tư. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định hiện hành.

Địa phương này cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để thực hiện dự án trên tại Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 09/3/2022. Trong đó, tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt là đến hết tháng 7/2022 hoàn thành thủ tục pháp lý; đầu tư xây dựng các hạng mục công trình từ tháng 8/2022; đến tháng 8/2024 hoàn thành đầu tư hạng mục khách sạn, resort, trung tâm hội nghị, đến tháng 8/2026 hoàn thành đầu tư hạng mục sân golf và công trình phụ trợ.

Tuy nhiên về tình hình thực hiện dự án, nhà đầu tư mặc dù được địa phương hỗ trợ triển khai nội dung liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng với những hộ dân có đất trong phạm vi thực hiện dự án khoảng 129ha, đã chuyển hồ sơ chuyển nhượng đến Công ty cổ phần Tập đoàn FLC từ ngày 5/4/2022, và diện tích đất do Nhà nước quản lý khoảng 18,2ha đang hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền giao đất cho nhà đầu tư. Nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa triển khai thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai, thủ tục pháp lý theo quy định.

Hòa Bình chấm dứt Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy vì không theo tiến độ. Ảnh minh họa
Hòa Bình chấm dứt Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy vì không theo tiến độ. Ảnh minh họa

Ngày 11/11/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện nhà đầu tư báo cáo chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chưa ký quỹ bảo đảm đầu tư, chưa triển khai thủ tục pháp lý sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC không triển khai thực hiện theo tiến độ cam kết được phê duyệt tại Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 9/3/2022.

Vừa qua để siết chặt công tác quản lý trong lĩnh vực đất đai nhằm tránh gây lãng phí tài nguyên, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 10571/VPUBND-KTN về việc tập trung kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện, hoàn thành việc kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất tại địa phương theo yêu cầu; đề xuất (nếu có), báo cáo kết quả thực hiện, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ; chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, hoàn thành việc kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; dự thảo văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai; đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/12/2022.

Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa đề xuất bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Liên quan đến quy định bắt buộc chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời ý kiến của cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay Bộ là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì để nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển loại hình nhà ở này.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, Bộ yêu cầu bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Cụ thể, UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, những kiến nghị liên quan đến mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung (dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô lớn) sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Trước đó, liên quan đến quỹ đất nhà ở xã hội 20%, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án, nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp.

Theo đó, HoREA kiến nghị, nếu có cơ chế chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20% sẽ vừa sát với thực tiễn, vừa có được quỹ nhà ở xã hội nhiều hơn với giá thành hợp lý hơn, phù hợp hơn với khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh minh họa
Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh minh họa

HoREA cho rằng, các dự án nhà ở thương mại (khu đô thị, khu nhà ở) rất đa dạng về phân khúc thị trường từ cao cấp đến bình dân; về quy mô diện tích từ dưới 1ha đến vài chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha. Do vậy, cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, việc sử dụng 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại sẽ làm cho sản phẩm bị phân mảnh. Trong cùng một dự án có hai loại hình chất lượng khác nhau (nhà ở xã hội và nhà ở cao cấp) cũng gây bất lợi cho người sống ở nhà ở xã hội vì dễ dẫn đến cảm giác bị phân biệt đối xử.

KTS Nguyễn Văn Thanh, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm: “Nhu cầu của người giàu và người nghèo khác nhau, nên nếu áp đặt chung vào một khu thì cũng sẽ dẫn đến sự bất hợp lý. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư nếu có thực hiện cũng theo hình thức đối phó, phần diện tích thương mại thì được triển khai xây dựng nhanh để bán lấy lời,còn phần diện tích nhà ở xã hội để kéo dài chậm triển khai. Vì vậy, các địa phương cần phải thực hiện một cách nghiêm túc số tiền hoán đổi từ diện tích 20% đó chỉ để dùng xây dựng nhà ở xã hội tại một khu vực khác để đảm bảo tính đồng bộ, tập trung”.

Ghi nhận tổng hợp các ý kiến trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các ch. uyên gia đều cho rằng, dự án nhà ở xã hội nên là đầu tư công, do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thực tế, quá trình điều tiết thị trường nhà ở xã hội chủ yếu thông qua các doanh nghiệp với cơ chế chính sách hỗ trợ như hiện nay không hiệu quả. Hệ quả là khó có nhà ở giá thấp, Nhà nước thiếu chủ động trong quản lý, điều tiết nhà ở xã hội để ổn định an sinh. Đồng thời, việc phát triển quỹ sản phẩm phục vụ nhu cầu của Nhân dân cũng rất hạn chế, bởi vậy việc bỏ quy định dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp với tình hình hiện nay.

Dự án đất nền The Green Valley tại Lâm Đồng

The Green Valley có vị trí tọa lạc tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm trên trục đường kết nối Quốc Lộ 20 & Quốc Lộ 55, cách trung tâm Bảo Lộc chỉ 10 phút đi xe thông qua trục đường Âu Cơ lộ giới 30 m.

The Green Valley có quỹ đất lên đến hơn 5 ha, thiết kế xây dựng với mô hình đất nền nghỉ dưỡng. Dự án có mật độ xây dựng chỉ gần 30%, hơn 70% diện tích còn lại dành cho mảng xanh và hạ tầng tiện ích.

Dự án được đầu tư với 3 giai đoạn, trong giai đoạn 1 dự án cung cấp ra thị trường 82 nền biệt thự. Các sản phẩm đất nền có diện tích từ 350 – 471 m2.

Quy cách xây dựng: xây dựng tự do, thiết kế gợi ý 1 trệt 1 lầu, 3 phòng ngủ, mỗi phòng có wc riêng như phòng khách sạn, tùy nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Dự án đất nền The Green Valley tại Lâm Đồng
Dự án đất nền The Green Valley tại Lâm Đồng.

Cư dân tương lai của The Green Valley sẽ được trải nghiệm hàng loạt các tiện ích như: địa điểm check in, đài vọng cảnh, công viên chủ đề, khu tiệc nướng ngoài trời BBQ, hệ thống đường đi nội bộ và đèn chiếu sáng…

The Green Valley được hưởng lợi thế tuyệt vời hệ sinh thái tiện ích ngoại khu bao gồm: cách quốc lộ 20 thành phố Bảo Lộc 15 phút, cách hồ Phương Nam 20 phút, cách sân bay Lộc Phát 25 phút, trường học các cấp 25 phút, cách Linh Quy Pháp Ấn 30 phút, cách đồi chè Tâm Châu 35 phút, cách tu viện Bát Nhã 35 phút, cách thác Damb’ri 40 phút…

The Green Valley được phát triển bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Bất động sản Viethouse, được thành lập ngày 14/07/2022, số 9 đường số 12, khu đô thị Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm tại dự án The Green Valley có mức giá bán chỉ từ 4,9 triệu đồng/m2.