Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang vừa ký Quyết định số 2194/QĐ-UBND về việc thu hồi khu đất của Công ty TNHH Một thành viên ôtô Vinaxuki Thanh Hóa, có địa chỉ tại hai xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng quyết định đã cho Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu thuê lại toàn bộ khu đất trên để tiếp tục sử dụng, thực hiện dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng. Nhà nước sẽ thu tiền thuê đất hàng năm, thời hạn thuê đất được tính từ ngày ban hành quyết định này đến ngày 26/10/2059. Riêng thời hạn thuê phần diện tích đất còn lại được tính theo Quyết định số 2904/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Thu hồi đất dự án của Công ty ôtô Vinaxuki cho một công ty lắp ráp ô tô khác thuê lại
Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Vinaxuki được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng có tổng diện tích 456.344 m2. Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ôtô các loại.

Theo quyết định trên, Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh theo quy định; phối hợp với Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu để giải quyết, thực hiện các nội dung khác có liên quan đến việc đầu tư, xây dựng, sử dụng đất nếu có.

Ngoài ra, Công ty Vinaxuki Thanh Hóa phải phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế Thanh Hóa để giải qyết, xử lý dứt điểm đối với các khoản nợ ngân sách Nhà nước liên quan đến khu đất theo đúng quy định.

Được biết, Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Vinaxuki được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng có tổng diện tích 456.344 m2. Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ôtô các loại.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm. Nhưng thực tế, nhà máy này đi vào hoạt động năm 2011 nhưng đến 2013 thì nhà máy bắt đầu ngưng hoạt động rồi bỏ hoang từ đó cho đến nay.

Qua tìm hiểu, Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu được thành lập vào tháng 10/2019, có trụ sở chính đặt tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Công ty có vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập, trong đó Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Hùng nắm giữ 95%. Ông Hùng cũng là người đại diện pháp luật cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Tài chính và Thương mại Toàn Cầu - thành lập vào tháng 12/2020, vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, đóng trụ sở chính tại thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, (Hà Nội).

Thu hồi đất dự án của Công ty ôtô Vinaxuki cho một công ty lắp ráp ô tô khác thuê lại
Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki Thanh Hóa có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh theo quy định; phối hợp với Công ty cổ phần Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu để giải quyết, thực hiện các nội dung khác có liên quan đến việc đầu tư, xây dựng, sử dụng đất nếu có.

Vinaxuki một thời huyền thoại

Đầu năm 2004, nhà máy ô tô Vinaxuki đã được khởi công tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm, đến tháng 8/2005 thì khánh thành. Trong các năm 2006, 2007, 2008 Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa đạt 27% và 3 dòng xe con với tỷ lệ nội địa hóa đạt 5%.

Những năm này, hoạt động của nhà máy đều có lãi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ xong cho các ngân hàng. Ngân hàng ủng hộ và cam kết giúp Vinaxuki tiếp tục đầu tư công nghệ cao, sản xuất các cụm phụ tùng cốt lõi và nội địa hóa ô tô.

Năm 2009, các ngân hàng đã cho Vinaxuki vay gần 300 tỷ vốn kích cầu đầu tư. Các loại xe ô tô lắp ráp đưa ra thị trường đều tiêu thụ mạnh, nhiều đại lý phải chờ đợi hàng tháng mới lấy được xe. Đời sống, việc làm của người lao động đảm bảo, được cải thiện.

Cũng trong năm 2009, hai công ty lớn của nước ngoài muốn mua 50% cổ phần của Vinaxuki, cùng với đó, có nhiều đối tác muốn hợp tác, ở các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và lắp ráp ô tô.

Đến năm 2010, nhà máy cơ bản hoàn thành với hệ thống sản xuất đồng bộ từ dập chi tiết thân vỏ xe đến hàn, sơn, lắp ráp, kiểm định và đã xuất xưởng hàng loạt các sản phẩm từ năm 2011. Cùng với đó, Vinaxuki còn hợp tác với các công ty Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân vỏ xe công nghệ cao và xây dựng một trung tâm thiết kế các sản phẩm ô tô. Đã sản xuất xong cabin, khung gầm xe tải và thân vỏ xe khách, xe con 5 chỗ.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề tới Vinaxuki khi thị trường ô tô suy giảm, hàng ngàn xe lắp ra không bán được, giá giảm dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn.

Thu hồi đất dự án của Công ty ôtô Vinaxuki cho một công ty lắp ráp ô tô khác thuê lại
Máy móc bị bỏ hoang trong dự án Nhà máy Vinaxuki tại Thanh Hóa.

Đến năm 2012, Vinaxuki lần đầu tiên bị lỗ 45 tỷ đồng, không có tiền trả nợ vốn vay cho các ngân hàng. Khó khăn tiếp theo là từ đầu năm 2012, các ngân hàng đồng loạt cắt, không cho vay vốn lưu động. Ông chủ Vinaxuki đã phải bán cả nhà ở, vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng, mong được tái cơ cấu để vay vốn lưu động. Từ đó, nhà máy không còn tiền để trả lương người lao động, không còn tiền để mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần dần ngừng hoạt động.

Năm 2013, Vinaxuki đã nhiều lần đề nghị với các ngân hàng cho vay khoảng 150 tỷ đồng để vận hành nhà máy, cho ra sản phẩm, đảm bảo cho người lao động có việc làm và tránh cho các dây chuyền công nghệ kỹ thuật khỏi hư hỏng thì mới có khách mua. Còn đóng cửa nhà máy, họ chỉ mua ở dạng phế liệu. Nhưng các ngân hàng không đồng ý và khăng khăng yêu cầu bán toàn bộ nhà máy.

Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Vinaxuki được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn 1.360 tỷ đồng tại Thanh Hóa cũng bị phá sản do quyết định từ bỏ việc lắp ráp xe tải đơn thuần để chuyển một lượng vốn lớn định hướng sang chế tạo, sản xuất xe con với tỉ lệ nội địa cao, trong khi tình hình tài chính thế giới cũng như Việt Nam có nhiều biến động tiêu cực, khủng hoảng, dẫn tới thị trường tiêu thụ ô tô bị đình trệ, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn kèm lãi suất cao, kết hợp với những hạn chế trong cả kinh nghiệm sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ để có thể sản xuất được một chiếc ô tô hoàn chỉnh trong thời điểm đó đã khiến công ty gặp nhiều khó khăn khiến dự án dần đi vào ngõ cụt.

Đến 2020, từ một dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn lên đến 1.360 tỷ đồng, sau hơn 10 năm, Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa được Vietcombank rao bán với giá 36 tỷ đồng bao gồm tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị thuộc dự án Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng... Diện tích sử dụng để xây dựng nhà máy là 456.344 m2, diện tích nhà xưởng khoảng 36.000 m2. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 26/1/2059. Máy móc thiết bị của Vinaxuki Thanh Hóa gồm có: Cẩu trục 10 tấn, cẩu trục 5 tấn, 2 máy nén khí, máy sấy khí, 4 máy cán tôn thủy lực và các loại máy xúc, máy ủi cùng những máy móc thiết bị khác... nhưng không ai mặn mà để ý.