Cùng đó, thu nhập lãi thuần là khoản mục tăng trưởng duy nhất của Eximbank trong quý đầu năm khi tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.358 tỷ đồng. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ giảm 24%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 58%, đồng thời lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 24 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác giảm 46%.

Eximbank vừa vượt qua khủng hoảng vụ thẻ tín dụng lại đối mặt lợi nhuận quý I/2024 giảm 24%
Eximbank vừa vượt qua khủng hoảng vụ thẻ tín dụng lại đối mặt lợi nhuận quý I/2024 giảm 24%

Tuy chi phí hoạt động đã được Eximbank tiết giảm 10%, chỉ còn gần 635 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, song lợi nhuận thuần của Eximbank vẫn giảm 2%, còn gần 943 tỷ đồng. Trong I/2024, Eximbank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ. Kết quả, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với quý cùng kỳ.

Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

Như vậy, nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 5.180 tỷ đồng cho cả năm 2024 vừa được ĐHĐCĐ thông qua sáng 26/4, kết thúc 3 tháng, Eximbank chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu. Kế hoạch này được cổ đông chất vấn là khá tham vọng khi tăng trưởng đến 90%.

Nguồn: BCTC Eximbank.
Nguồn: BCTC Eximbank.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024 đưa ra ở mức 5.180 tỷ đồng, Ban lãnh đạo Eximbank cho biết, tôn chỉ của HĐQT và ban điều hành là tự lực, tự cường, tự trọng và tự hào, còn nếu không hoàn thành ban điều hành cũng sẽ chịu trách nhiệm.

Tính đến 31/03/2024, tổng tài sản Eximbank xấp xỉ đầu năm ở mức 203.584 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 5% lên mức 147.021 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 160.659 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến hết quý I/2024 của Eximbank là 4,203 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới chuẩn tăng 85%. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,65% đầu năm lên 2,86%.

Eximbank miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương theo đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và đã được HĐQT thông qua từ ngày 26/04/2024. Đồng thời, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) từ ngày 26/04/2024. Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Anh giữ chức Thành viên HĐQT Eximbank.

Tại Đại hội đồng cổ đông Eximbank sáng ngày 26/4 cũng đã bỏ phiếu thuận, nhất trí bầu ông Nguyễn Hồ Nam trở thành thành viên HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nguyễn Hồ Nam được biết đến là Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital, là doanh nhân có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đã trải qua vị trí quản lý nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính và doanh nghiệp đa ngành.

Cùng ngày 26/4, bà Đỗ Hà Phương và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank.

Như vậy, sau các nghị quyết của HĐQT Eximbank vừa công bố, ngân hàng này sẽ có Chủ tịch là ông Nguyễn Cảnh Anh và 4 Phó chủ tịch gồm: ông Trần Tấn Lộc, bà Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam; thành viên HĐQT (ông Phạm Quang Dũng) và thành viên HĐQT độc lập (ông Trần Anh Thắng).

Tính đến cuối quý I, số nhân viên của Eximbank là 6.185 người, giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, số nhân viên bình quân trong quý I/2024 vẫn cao hơn 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết hợp với việc chi phí cho nhân viên bị cắt giảm 20,8% so với cùng kỳ, chi phí bình quân đã tụt xuống chỉ còn 16,6 triệu đồng/người/tháng, thuộc nhóm thấp nhất trong các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính.

Trước đó vào tháng 3/2024, nhà băng này đã vướng vào vụ bê bội liên quan đến nợ thẻ tín dụng với cách tính lãi suất "chẳng giống ai". Vụ việc đã nhanh chóng lan rộng trên các nền tảng mạng xã hội sau khi một khách hàng tai Quảng Ninh tố nhà băng EXimbank không thực hiện đúng các uay định của pháp luật về việc mở thẻ tín dụng. Theo đó, khách hàng này bị cho là nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, 11 năm sau nhận thông báo nợ 8,8 tỷ đồng. Vụ việc trở nên căng thẳng khi khách hàng mời luật sư khiếu nại, và nhiều tình tiết trong việc mở thẻ được công bố. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc, yêu cầu Eximbank có báo cáo sự việc, công bố với khách hàng và truyền thông. Tới thời điểm hiện tại, phía Eximbank đã phản hồi về vụ việc , cho rằng nguyên nhân từ vấn đê nhân sự, nhân viên của ngân hàng đã cứng nhắc khi xử lý hồ sơ của khách hàngvà khẳng định sẽ không thu 8,8 tỷ đồng. Hiện kết quả cuối cùng vụ việc chưa được các bên công bố.

Theo báo cáo đo lường sự vụ khủng hoảng trên mạng xã hội và online từ YouNet Media, vụ bê bối của ngân hàng Eximbank là cuộc khủng hoảng truyền thông lớn thứ 2 trong ngành ngân hàng từ năm 2023 đến nay, chỉ xếp sau vụ ngân hàng SCB liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.