Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận lớn mà giới siêu giàu săn lùng?
Nhiều đồ sưu tầm được đem ra đấu giá như tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, hàng hoá xa xỉ, thậm chí cả những trải nghiệm hiếm có thể sinh lợi "khủng", được giới siêu giàu săn lùng. (Nguồn: Sotherby's)

Đồ cổ

Tháng 11/2010, chiếc bình sứ đời vua Càn Long từng được tìm thấy trên căn gác xép phủ bụi ở vùng ngoại ô London, thắng đấu giá 84 triệu USD, phá vỡ mọi kỷ lục thế giới về đấu giá cổ vật. Theo AP, người mua đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận 'khủng' mà giới siêu giàu săn lùng?
Chiếc bình sứ đời vua Càn Long. (Nguồn: Bainbridge)

Chiếc đĩa đồng từ thời Tây Chu (1046-771 TCN) đã được bán tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào ngày 15/7/2017 với giá 27,3 triệu USD. Chiếc đĩa "Xi Jia", được đặt theo tên người chủ sở hữu, một vị quan lớn thời Tây Chu. Sau nhiều thế kỷ, chiếc đĩa cũng được truyền qua nhiều đời chủ.

Chiếc đĩa đồng có đường kính 47 cm và trong lòng đĩa được khắc 133 ký tự. Đây là một báu vật quốc gia có giá trị tương đương “Mao Gong Ding”, một chiếc vạc có chứa chữ khắc dài nhất thế giới, theo các nhà sử học. Chiếc vạc này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cung điện quốc gia Đài Loan.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận 'khủng' mà giới siêu giàu săn lùng?
Chiếc đĩa đồng từ thời Tây Chu (1046-771 TCN). (Nguồn: SCMP)

Nhiều cổ vật Việt Nam cũng được đấu giá cao “ngất ngưởng” ở nước ngoài. Cụ thể ngày 28/10/2021, một mũ quan triều Nguyễn khiến giới sưu tầm đồ cổ trong nước xôn xao khi đạt mức giá 600.000 euro (15,7 tỷ đồng) trong phiên đấu của nhà Balclis, Tây Ban Nha. Mũ được đấu giá kèm hộp gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hoa văn, tình trạng khá mới, chỉ hư hỏng nhẹ.

Từ giá khởi điểm 500 euro, sau hơn 10 lần trả, một nhà sưu tập online ẩn danh mua được vật phẩm với giá 600.000 euro, bỏ xa các đồ cổ khác trong phiên đấu. Cũng trong cùng phiên đấu giá, một bộ lễ phục triều Nguyễn được rao khởi điểm ở mức 800 euro, sau đó được bán với giá 35.000 euro (khoảng 920 triệu đồng), vượt xa dự đoán của các chuyên gia đồ cổ.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận 'khủng' mà giới siêu giàu săn lùng?
Mũ quan triều Nguyễn khiến giới sưu tầm đồ cổ trong nước xôn xao khi đạt mức giá 600.000 euro. (Nguồn: Balclis)

Vào tháng 5/2017, chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 - từng thuộc về vua Bảo Đại (1913-1997) - được bán với giá hơn 5,06 triệu USD (khoảng 115.1 tỷ đồng) tại phiên đấu ở Thụy Sĩ, xác lập kỷ lục là chiếc Rolex đắt nhất thế giới thời điểm đó.

Món đồ từng được giới thiệu là chiếc đồng hồ có giá trị và được yêu thích nhất, một trong những mẫu dạng vỏ hàu mang tính biểu tượng và phức tạp nhất từng được nhà sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ chế tạo. Đây là một trong ba mẫu có mặt số màu đen với kim cương trang trí, và là mẫu duy nhất được đính kim cương vào những giờ chẵn.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận 'khủng' mà giới siêu giàu săn lùng?
Chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 - từng thuộc về vua Bảo Đại. (Nguồn: pinterest)

Vua Bảo Đại mua đồng hồ này tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1954, khi tham gia một hội nghị bàn về vấn đề hòa bình ở Đông Dương.

Tranh đấu giá

Tháng 6/2023, bức tranh "Lady with a Fan" (Quý bà cầm quạt) của danh họa Áo Gustav Klimt đã được bán được với giá 85,3 triệu bảng Anh (hơn 2.500 tỷ VNĐ). Cuộc đấu giá vừa được tiến hành tại London (Anh), được xem là một kỷ lục đấu giá cho một tác phẩm nghệ thuật ở châu Âu. Bức tranh Quý bà cầm quạt vẽ một phụ nữ không rõ danh tính, mặc áo choàng mềm mại, tay cầm quạt, gương mặt mỉm cười tự tin, trên phông nền rực rỡ, mang đậm màu sắc phương Đông với những họa tiết điển hình là hình ảnh chim phượng hoàng, hạc, rồng và hoa sen.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận 'khủng' mà giới siêu giàu săn lùng?
Bức tranh "Lady with a Fan" (Quý bà cầm quạt) của danh họa Áo Gustav Klimt. (Nguồn: Sotherby's)

Bức tranh có giá đề xuất ban đầu là 65 triệu bảng Anh (hơn 1.900 tỷ VNĐ), nhưng đã chốt được giá chỉ sau 10 phút đấu giá căng thẳng. Bức Quý bà cầm quạt đã về tay một nhà sưu tập tham gia đấu giá qua một công ty tư vấn nghệ thuật có trụ sở ở Hong Kong, Trung Quốc.

Trước đó, bức tranh "Shot Sage Blue Marilyn" của Andy Warhol với 195 triệu USD (4,6 nghìn tỷ đồng) được chuyên trang nghệ thuật Artsy đánh giá là bức tranh đấu giá đắt nhất năm 2022. Đây cũng được xem là tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất thế kỷ 20 trong lịch sử đấu giá công khai.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận 'khủng' mà giới siêu giàu săn lùng?
Bức tranh "Shot Sage Blue Marilyn" (1964) của Andy Warhol. (Nguồn: Christie's)

Bức tranh ra đời năm 1964, sử dụng chất liệu acrylic và kỹ thuật silk-screening (kỹ thuật in lụa - vẽ hình và tô màu sắc trên lớp lưới lụa rồi ấn lớp lưới lên giấy hoặc canvas để in hình ảnh xuống), mô tả chân dung của Marilyn Monroe với tóc vàng, mắt xanh và môi đỏ, cười rạng rỡ. Tranh tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của họa sĩ và là nền tảng ra đời pop art.

Không chỉ tranh, các tác phẩm nghệ thuật giá trị cũng được giới sưu tầm săn lùng trên các sàn đấu giá.

Một số mặt hàng xa xỉ

Năm 2020, những chiếc túi xách Hermès Birkin đạt lợi nhuận trung bình 38%, mức cao nhất trong số các bộ sưu tập túi xa xỉ. Không những vậy, giá của chúng cũng tăng hàng năm. Hermès Birkin 25 nổi tiếng với giá bán lẻ khoảng 10.000 USD và có thể được bán lại ngay lập tức với giá gấp đôi giá trị bán lẻ trên. Điều này khiến cho chiếc túi xách sang trọng này trở thành một khoản đầu tư đáng giá.

Túi xách sang trọng mặc dù không được chuộng như rượu whisky lâu năm, xe hơi cổ hay đồng hồ Rolex, nhưng có thể tạo ra một số khoản đầu tư sinh lợi nhất định.

Theo chuyên trang Business of Fashion, Hermès là một công ty độc nhất vô nhị, không tạo ra những phong cách mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng - họ gần như không muốn bán cho người tiêu dùng một chiếc túi nào cả.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận 'khủng' mà giới siêu giàu săn lùng?
Hermès Birkin 25 nổi tiếng với giá bán lẻ khoảng 10.000 USD và có thể được bán lại ngay lập tức với giá gấp đôi giá trị bán lẻ. (Nguồn: Sotherby's)

Những chiếc túi Hermès cũng được thiết kế để đứng trước thử thách của thời gian, có nghĩa là những chiếc túi xách có tuổi đời hàng thập kỷ, nếu được chăm sóc cẩn thận, vẫn có thể trông như mới. Trung bình một chiếc túi Chanel hoặc Hermès tăng giá khoảng 12% mỗi năm.

Sự hiếm có của dòng túi Birkin, và cả những chiếc túi Kelly của thương hiệu là một trong những lý do khiến chúng được săn đón rộng rãi. Các đợt tăng giá hàng năm, ví dụ như đầu năm 2023 chứng kiến mức tăng 8-10% đối với túi Birkin và Kelly. Những chiếc túi đó có thể bán lại ngay lập tức với giá đôi khi gấp 3 lần giá bán lẻ, với nhiều khách hàng giàu có sẵn sàng trả giá cao để được sở hữu những kiểu dáng hiếm có. Như vậy có nghĩa là những chiếc túi xa xỉ này có thể trở thành một khoản đầu tư dài hạn và có khả năng sinh lời hơn nhiều loại tài sản khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả túi xách xa xỉ đều là khoản đầu tư. Các thương hiệu tạo ra các phong cách theo mùa dựa trên các xu hướng thay đổi theo từng mùa. Do đó, mẫu mã, phong cách của chiếc túi hàng hiệu được săn đón có thể thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh xu hướng thay đổi liên tục và thị trường bán lại không thể đoán trước, sự vượt thời gian là mấu chốt của một khoản đầu tư ổn định.

Cần lưu ý rằng, đồ sưu tầm thường là danh mục dành cho giới siêu giàu, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức cá nhân sâu rộng về những thứ có thể sưu tầm được để đánh giá xem đó có phải là một khoản đầu tư an toàn hay không.

Kim cương cũng là mặt hàng xa xỉ được đem ra đấu giá và được giới siêu giàu quan tâm. Năm 2009, trong phiên đấu giá tại Hồng Kông, nhà Christie’s đã thiết lập kỷ lục cho viên kim cương hồng nặng 5 carat mang tên Vivid Pink, với giá 83,5 triệu đôla Hong Kong (10,5 triệu USD).

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận "khủng" mà giới siêu giàu săn lùng?
Viên kim cương hồng Vivid Pink. nặng 5 carat có giá trị 10,5 triệu USD. (Nguồn: Sotherby's)

Năm 2010, một viên kim cương xanh nặng 7,64 carat, đặt trong chiếc nhẫn vàng và bạch kim đã được mua với giá 8,93 triệu franc Thụy Sĩ (8 triệu USD) tại phiên đấu giá của nhà Sotheby's tại Geneva. Trong những năm qua, nhiều viên kim cương quý, hiếm được đưa lên các sàn đầu giá đều thu hút sự quan tâm của đông đảo giới sưu tầm giàu có.

Các “mặt hàng” hiếm, độc, lạ khác

Rất nhiều thứ độc, lạ cũng được đem ra đấu giá bởi nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để có được “mặt hàng” đó.

Đơn cử, năm 2010, bữa ăn trưa cùng tỷ phú thông thái Warren Buffett đã đạt mức giá cao chưa từng có 2,6 triệu USD sau một tuần đấu giá. Hồi đó, nhà đầu tư từ Hong Kong Zhao Danyang là người trả cao nhất. Trước đó, nữ doanh nhân người Canada, chủ của hãng đầu tư Salida Capital đã trả 1,68 triệu USD để đổi lấy một buổi trưa vừa ăn vừa đàm đạo với "nhà hiền triết của vùng Omaha".

Giá trị bữa ăn này thậm chí ngày càng tăng lên theo thời gian. Năm 2019, một người không tiết lộ danh tính đã trả tới 4,6 triệu USD cho bữa ăn với nhà tỷ phú tài chính.

Những mặt hàng đấu giá đem lại lợi nhuận "khủng" mà giới siêu giàu săn lùng?
Bữa ăn trị giá hàng triệu USD với tỷ phú Warren Buffet. (Nguồn: AP)

Di vật của một số người có tầm ảnh hưởng cũng có thể trở thành "mặt hàng" đấu giá thu hút các nhà sưu tầm giàu có. Năm 2009, nhà đấu giá Christie đã bán thành công bản gốc bức thư do vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ viết tay với giá kỷ lục 3,2 triệu USD từ giá khởi điểm 950.000 USD. Bức thư dài 4 trang, do Tổng thống đầu tiên của Mỹ George Washington viết tại ngôi nhà Mount Vernon của ông hồi năm 1787. Tên tuổi của người mua không được tiết lộ.

Vị Tổng thống, lúc đó 55 tuổi, viết bức thư cho cháu trai của mình là Bushrod Washington. Trong thư, Tổng thống Mỹ bày tỏ lòng tin tưởng và nhiệt huyết vào bản Hiến pháp mới và sự hợp nhất của các bang trở thành một quốc gia hùng mạnh. Bức thư của được con cháu của Bushrod Washington giữ gìn suốt hơn 100 năm qua. Kỷ lục trước đó đối với một bức thư của George Washington là bức tóm tắt tình hình quân sự, bán năm 2002 với giá 834.500 USD.