Đứng trước nguy cơ phá sản

Tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke ở Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan về tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn.

Theo đó, các doanh nghiệp này cho biết theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).

"Từ khi có đợt kiểm tra tổng thể về PCCC đến nay tất cả các cơ sở đều nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tạm thời đóng cửa, nhưng đến nay đã hơn 3 tháng mà vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn về PCCC cụ thể nào để các cơ sở khắc phục", văn bản nêu.

Trao đổi với báo chí, anh Nguyễn Đăng Sỹ, đại diện quán karaoke số 16 Nguyễn Khang (Yên Hoà, Cầu Giấy) chia sẻ, sau khi xảy ra hai vụ cháy quán karaoke trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 2/8/2022 và quán karaoke An Phú (Bình Dương) ngày 6/9/2022, các doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại địa bàn Hà Nội càng ý thức hơn trách nhiệm của chủ cơ sở với vấn đề phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN), nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật.

Theo anh Sỹ, từ năm 2017, các đoàn kiểm tra luôn thực hiện kiểm tra định kỳ với các hộ đang hoạt động kinh doanh karaoke và vẫn được kết luận là đảm bảo yêu cầu về PCCC theo quy định.

Tuy nhiên, từ ngày 8/10/2022, lực lượng quản lý về PCCC các quận, huyện tại Hà Nội thực hiện kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Bộ Công an tại công văn số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10 về công tác rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CHCN trên phạm vi toàn quốc và công văn hướng dẫn do Cục Cảnh sát PCCC&CHCN ngày 13/9 về việc tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra an toàn PCCC &CHCN đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường.

Chủ quán karaoke này cũng cho hay: "Trên thực tế, mỗi phòng hát tại Hà Nội, đa số các cơ sở đầu tư trung bình cho trang trí, âm thanh hết khoảng 300-500 triệu đồng/phòng. Với hàng nghìn phòng hát trên toàn địa bàn thủ đô, tổng chi phí đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Rồi tiền thuê mặt bằng, tiền bồi hoàn sửa chữa lại hiện trạng ban đầu.

Chưa kể cơ sở kinh doanh vừa được hoạt động lại sau dịch Covid-19 chưa được nửa năm, với rất nhiều khó khăn thách thức, các cơ sở cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách. Nếu phải đóng cửa thì thiệt hại về kinh tế cực kỳ lớn, làm kiệt quệ kinh tế đối với những nhà đầu tư dịch vụ karaoke vốn đã thua lỗ vài năm nay, ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động phổ thông đang làm việc trong lĩnh vực karaoke", anh Sỹ cho hay.

Đáp lời anh Sỹ, bà Tạ Thị Hà, chủ quán karaoke ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, quán của bà đầu tư hơn 20 tỷ đồng, quy mô 12 phòng hát. Những ngày vừa qua, bà bị ảnh hưởng nặng nề khi mỗi tháng phải bỏ ra 500 triệu đồng để duy trì khi quán karaoke phải tạm dừng hoạt động.

Theo bà Hà, bên cạnh đó, các quy định về PCCC thay đổi thường xuyên khiến các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc thực hiện, trong đó có những quy định khó áp dụng vào thực tế. Vậy cần có những quy định vừa đảm bảo được an toàn về PCCC nhưng cũng đảm bảo tính khả thi, tháo gỡ cho các doanh nghiệp.

"Chúng tôi đề nghị các ban ngành có liên quan thanh tra lại việc nghiệm thu về PCCC đối với các cơ sở dịch vụ karaoke trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 của lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN đến nay đã đúng theo quy định của pháp luật chưa? Vì chúng tôi được nghiệm thu về PCCC và hàng năm vẫn được các đoàn kiểm tra theo định kỳ và đều nhận được biên bản kiểm tra là đủ điều kiện. Tại sao tại thời điểm này lại kết luận các cơ sở của chúng tôi không đủ điều kiện và yêu cầu chúng tôi dừng hoạt động.

Tới thời điểm này, rất nhiều quán đã phải đóng cửa gần nửa năm, kinh tế bắt đầu kiệt quệ vì phải gồng gánh tiền thuê nhà, tiền vay lãi ngân hàng trong thời gian dài. Tết Nguyên đán vừa qua những hộ kinh doanh karaoke không nhà nào ăn Tết ngon, có quán đã ngậm ngùi tuyên bố phá sản", bà Hà xót xa.

Cảnh sát PCCC nói: Sẽ tháo gỡ

Ngày 15/2, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết, đây là vấn đề khiến đơn vị rất trăn trở, chia sẻ với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh karaoke.

"Qua thống kê, trên địa bàn toàn thành phố có 1.548 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ, trong đó có hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không có đăng ký kinh doanh…, những trường hợp này chắc chắn phải tự giải thể.

Bên cạnh đó, có 600 cơ sở chưa được cấp phép đầy đủ giấy tờ liên quan về PCCC, an ninh trật tự, văn hoá… cái này phải củng cố, hoàn thiện", đại tá Hiếu thông tin.

Trước thắc mắc của chủ kinh doanh karaoke về việc họ đang rất lúng túng kể từ khi nhận biên bản kiểm tra kết luận "không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC" trong khi trước đây họ vẫn được các ngành chức năng kết luận là "đủ điều kiện"... , đại tá Hiếu đã có giải thích.

Về vấn đề này, đại tá Hiếu cho rằng, đơn vị đã phân cho công an 30 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm trên địa bàn mình phải giải thích cho hộ dân, hộ kinh doanh không để người dân bức xúc.

Cụ thể, "còn khoảng 400 cơ sở được cấp phép đầy đủ giấy tờ mà vẫn bị tạm đình chỉ hoạt động vì lý do như: có thể cơ sở đã được thẩm duyệt, lúc nghiệm thu hiện trạng chưa trang trí bổ sung các tiêu chí đối với loại hình karaoke; khi kiểm tra vi phạm một số lỗi như đường hành lang, cầu thang bộ đóng kín lại mở cửa; vật liệu trên hành lang thoát nạn là vật liệu dễ cháy; phòng hát bố trí chưa hợp lý; diện tích phòng hát bị co hẹp… tất cả những điều này cơ sở buộc phải khắc phục", đại tá Hiếu nhấn mạnh.

Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho rằng, quan điểm phòng nghiệp vụ PCCC thực hiện yêu cầu của Bộ Công an, Bộ Công an thực hiện yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì thế, nếu kiểm tra, rà soát cơ sở nào không có khả năng khắc phục sẽ buộc cơ sở phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc địa điểm khác.

"Tuy nhiên, việc chuyển địa điểm kinh doanh karaoke ở Hà Nội đang rất khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện theo Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện bảo đảm phòng, chống cháy nổ khi cấp phép kinh doanh mới đối với loại hình kinh doanh karaoke. Trong tháng 12/2022, chúng tôi đã kiến nghị đề xuất với lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Thành phố đã chỉ đạo ngành chức năng nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện văn bản....", đại tá Hiếu thông tin.

Đại tá Hiếu cũng cho biết, Giám đốc công an TP Hà Nội đã giao cho Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH là phòng nghiệp vụ quản lý hành chính về an ninh trật tự, văn phòng Công an TP liên tục trong thời gian qua tổ chức hội thảo. Một vài ngày tới sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo đưa ra kiến nghị, đề xuất với UBND TP Hà Nội để UBND TP kiến nghị với Bộ Công an, Bộ Văn hoá, Bộ Xây dựng nếu có để tháo gỡ cho Hà Nội.

"Trong những ngày vừa qua, các hộ kinh doanh karaoke lập ra hiệp hội karaoke để cùng nhau giải quyết, hỗ trợ tránh rơi vào trường hợp phá sản, đồng thời bảo vệ người lao động. Chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn cho các hộ kinh doanh làm đúng pháp luật.

Thành phố sẽ cấp phép mới cho doanh nghiệp kinh doanh karaoke đủ điều kiện trong thời gian tới. Các địa điểm mới mở nếu đảm bảo các điều kiện sẽ đều được cấp. Chúng ta hướng đến cái làm đúng, cùng nhau khắc phục. Cơ quan quản lý nhà nước phải hướng dẫn người dân, chủ doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót nếu có", đại tá Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, theo đại tá Hiếu, khi cơ sở kinh doanh karaoke quay lại hoạt động, chủ doanh nghiệp phải cam kết hoạt động đúng giờ, đảm bảo điều kiện PCCC...

"Nếu dân sai, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hướng dẫn cho dân sửa. Đối với các cơ sở bị tạm đình chỉ, đóng cửa, nếu họ cần, chúng tôi sẽ có buổi tiếp xúc cụ thể để các chủ kinh doanh hiểu cần phải sửa chữa như thế nào. Sau đó, họ có đơn gửi đến các cơ quan chức năng, từ đó có căn cứ thông báo hoạt động trở lại sau khi đã khắc phục một trong những yêu cầu mà phải tạm đình chỉ…", đại tá Hiếu nói thêm.