Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy 5 địa phương có mức giá cao nhất cả nước trong năm qua là Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Dương.

So với thống kê năm 2022, Hà Nội tiếp tục là địa phương có mức sống cao nhất cả nước. Còn TP HCM đã vượt Quảng Ninh về chi phí sống đắt đỏ trong năm 2023.

Theo khảo sát của phóng viên, một số người trẻ sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có mức chi tiêu cao hay còn gọi là "tiêu dùng sang chảnh". Chia sẻ với phóng viên chị Ngọc Thúy, nhân viên marketing tại TP HCM cho biết: "Tôi đã sống và làm việc tại TP HCM gần 10 năm, mức thu nhập tôi cho là cao nhưng mức chi tiêu vẫn khó đáp ứng giá cả sinh hoạt. Với mức lương từ 20 triệu sau khi trừ đi phí ăn uống, điện nước, thuê nhà và các khoản phụ mua sắm, ngày lễ thật sự chỉ tiết kiệm được một chút trong khoảng 2 triệu đồng/tháng".

Trong khi đó, những người laobđoojng trẻ khoảng 20 tuổi cho rằng mức thu nhập 7-10 triệu đồng không đủ để chi tiêu khi sống tại Hà Nội và TP HCM.

Chi phí sinh hoạt tại Hà Nội, TP HCM khiến nhiều người trẻ 'tiêu dùng sang chảnh'
Chi phí sinh hoạt tại Hà Nội, TP HCM khiến nhiều người trẻ 'tiêu dùng sang chảnh'. Ảnh minh họa

Chị Phương, (23 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) nói: "Sau khi đi làm tôi chỉ có mức thu nhập 8 triệu đồng, có những tháng phát sinh đám cưới bạn bè gần như không dư khoản nào. Vì thế vẫn phải nhờ đến bố mẹ hỗ trợ kinh tế. Với mức lương này đi cà phê, cuộc hẹn ăn chơi với bạn bè tôi cũng hạn chế".

Theo số liệu Tổng cục thống kê cho thấy: Một số nhóm hàng của thành phố Hồ Chí Minh có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: May mặc, mũ nón và giày dép bằng 81,99%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,87%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,93%. TP HCM là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế. Bên cạnh nguồn cung hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TP HCM đã đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hoá, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so với Hà Nội.

TP HCM có một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 120,52%; giáo dục bằng 116,86%; đồ uống và thuốc lá bằng 114,52%.

Đứng thứ ba cả nước là Quảng Ninh với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 6 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội, bao gồm nhóm văn hóa, giải trí và du lịch bằng 84,38%; bưu chính viễn thông bằng 91,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 92,4%; giao thông bằng 93,7%; may mặc, mũ nón, giày dép bằng 95,9%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 97,01%. Ở chiều ngược lại, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 114,57%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 107,58%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 104%; đồ uống và thuốc lá bằng 103,61%; giáo dục bằng 103,07%.

Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ ba cả nước do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.

Tiếp theo là Hải Phòng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 96,07%. Mức giá của Hải Phòng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Hải Phòng là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là thành phố có hệ thống tổ chức thương mại đa dạng với sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế. Một số nhóm hàng của Hải Phòng có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: giáo dục bằng 86,18%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 87,47%; may mặc, mũ nón và giày dép bằng 87,56%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,46%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 94,72%. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 111,94%; bưu chính viễn thông bằng 106,56%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 105,13%.

Bình Dương đứng thứ 5 cả nước với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 94,25%, tăng mức đắt đỏ 3 bậc so với năm 2022. Hầu hết các nhóm hàng của Bình Dương đều thấp hơn Hà Nội. Trong những năm qua, Bình Dương đã tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với công tác an sinh và phúc lợi xã hội trên cơ sở đầu tư có trọng điểm; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhờ vậy, các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao so với các năm trước, mức giá hàng hóa, dịch vụ cũng đắt đỏ hơn. Một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cao hơn 17,71% so với Hà Nội; bưu chính viễn thông cao hơn 13,41%; hàng hóa và dịch vụ khác cao hơn 7,6%.