Những ngày qua, biến động giá cổ phiếu Vietnam Airlines (mã HVN, sàn HoSE) đã khiến không ít người bất ngờ. Cụ thể, cuối phiên giao dịch ngày 21/6, cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN trên sàn HoSE) đã tăng giá 2,21% lên mức 27.700 đồng, tương ứng tăng 600 đồng mỗi cổ phiếu so với giá mở cửa.

Trong phiên giao dịch cùng ngày, có thời điểm giá cổ phiếu HVN đã đạt mức 27.900 đồng, sau đó giảm nhẹ và giữ mức khoảng 27.700 đồng cho tới cuối phiên. Khối lượng giao dịch cổ phiếu này không ghi nhận mức tăng đột biến, ghi nhận ở 1.281.500 cổ phiếu giao dịch trong phiên. Cổ phiếu HVN tăng giá trong phiên gần nhất đã giúp vốn hóa của Vietnam Airlines được đẩy lên mức 39.286 tỷ đồng.

Ngày 22/6, sau phần lớn thời gian nằm ở ngưỡng lên giá, tới cuối phiên HVN đã quay đầu giảm giá. Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu của Vietnam Airlines giảm giá 0,54% xuống mức 27.550 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trong phiên của HVN đạt 1.071.800 đơn vị, giảm nhẹ so với phiên ngày 21/6.

Như vậy, trong 1 tháng gần nhất, HVN đã tăng giá 1.800 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng trưởng 6,95%. Thời điểm giao dịch bùng nổ nhất là 8/6, khi khối lượng giao dịch đạt 1.617.100 cổ phiếu trong phiên.

Giá cổ phiếu Vietnam Airlines tăng, chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần cẩn trọng
Trong phiên giao dịch 21/6, có thời điểm giá cổ phiếu HVN đã đạt mức 27.900 đồng, sau đó giảm nhẹ và giữ mức khoảng 27.700 đồng cho tới cuối phiên.

Có thể nói, tác động chính của việc HVN bùng nổ trở lại là ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, có 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB cam kết có chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines với cam kết tài trợ vốn vay 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

“Hiện các tổ chức tín dụng và Vietnam Airlines đang tích cực triển khai các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân, dự kiến trong cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tới”, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia việc giá cổ phiếu HVN tăng thời gian qua không phản ánh tình hình kinh doanh thực tế của Vietnam Airlines bởi HVN là cổ phiếu cô đặc có lượng lưu hành bên ngoài chỉ 3,68%, tương đương với khoảng chưa đến 50 triệu cổ phiếu trên tổng số 1,418 tỷ cổ phiếu.

Còn theo một chuyên gia chứng khoán thì thị trường chứng khoán Việt Nam rất phổ biến những trường phái đầu tư theo "thuyết âm mưu", theo "kỳ vọng" và đơn giản là theo cảm xúc nhà đầu tư. Do đó, việc HVN biến động tăng giá thời gian qua đôi khi chỉ là "kỳ vọng" của nhà đầu tư trước những thông tin tích cực.

Giá cổ phiếu Vietnam Airlines tăng, chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần cẩn trọng
Thống kê giao dịch cổ phiếu HVN. Nguồn Vietstock

"Tôi dự báo trong quý II Vietnam Airlines có thể lỗ lên đến 5.000 tỷ nữa. Với tình hình dịch bệnh không thể một sớm một chiều có thể dập tắt được như hiện nay, do đó khó khăn với ngành hàng không dự báo còn bủa vây đến ít nhất hết năm 2021. Với 8.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu có được từ nhà nước, Vietnam Airlines cơ bản tránh được phá sản đến hết quý II (âm vốn chủ sở hữu), và 4.000 tỷ vay từ các ngân hàng sẽ giúp tình hình thanh khoản được cải thiện tốt hơn", ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch AzFin Việt Nam nhận định.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu Vietnam Airlines được Nhà nước tăng vốn chủ sở hữu, đồng thời được các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi các khoản vay cũ và thêm các khoản vay mới để có vốn hoạt động liên tục. Đồng thời, tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát hoặc tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam cũng như trên toàn thế giới cao, có thể trên 50%, khi đó lĩnh vực hàng không mới trở lại hoạt động bình thường. Do đó, chuyên gia này không cho rằng HVN hiện là cổ phiếu nên đầu tư cả ngắn hạn, trung lẫn dài hạn.

Trước đó vào ngày 15/4, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo. Lý do được đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Trong một động thái liên quan thì ngày 18/06, MBS thông báo sẽ loại cổ phiếu HVN ra khỏi danh mục cho vay từ ngày 21/06 và loại khỏi danh mục tính quản trị rủi ro từ ngày 01/07. Nhiều CTCK khác đã ngừng cấp margin cho cổ phiếu HVN từ lâu.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiết lộ Vietnam Airlines dự kiến số lỗ 6 tháng đầu năm khoảng 10,000 tỷ đồng và nợ quá hạn lên tới 6,240 tỷ đồng. "Vietnam Airlines hiện đang đối mặt rủi ro pháp lý với nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng", trích từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.