Khởi tố ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Khởi tố ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương, ngày 30/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Ông Dũng bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh trên, Bộ Công an phối hợp các lực lượng liên quan đã thực hiện thủ tục tố tụng theo quy định.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thêm, khi lãnh đạo ban chuyên án báo cáo với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về một số vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Tổng bí thư đã có lời khen ngợi lực lượng công an đã quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Mai Tiến Dũng từng hai lần bị kỷ luật.

Hôm 27/1, Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách ông Mai Tiến Dũng vì đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng đến uy tín tổ chức đảng và cơ quan quản lý Nhà nước.

Trước đó, giữa tháng 1/2023, Ban Bí thư quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Mai Tiến Dũng, do vi phạm liên quan các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước trong chống dịch COVID-19.

Ông Mai Tiến Dũng sinh ngày 8/01/1959, tại xã Văn Lý (H.Lý Nhân, Hà Nam). Ông từng kinh qua nhiều vị trí tại Hà Nam, từ Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty XNK H.Lý Nhân (Hà Nam) cho đến Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 4/2016, ông Dũng được bổ nhiệm Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tháng 4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Dũng.

Việc bắt ông Dũng nằm trong diễn biến điều tra vụ án liên quan siêu dự án Khu đô thị Thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, C03 đã bắt Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh. Trong số này, ông Quận bị điều tra Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, những người còn lại tội Nhận hối lộ.

Khởi tố ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ liên quan đến 'siêu dự án' liên quan đến 'đại gia' Nguyễn Cao Trí
Một góc dự án khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh

Về siêu dự án Khu đô thị Thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, khu đất thực hiện dự án rộng 3.595,45ha (trong đó, diện tích mặt nước là 1.959,87ha); thuộc các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng.

Tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ đầu tư từ năm 2010-2018.

Dự án này đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư (thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch) và xây dựng một số hạng mục công trình (một hội trường diện tích 100 m2, một hội trường phần thô, 15 căn nhà chuyên gia); san gạt đường giao thông (đường đất) và một số đoạn đường rải đá cấp phối.

Trước đó, hồi tháng 3, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo: “Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án”.

UBND Lâm Đồng đánh giá, dự án đã được thực hiện theo các quy định của pháp luật theo từng thời kỳ. Sau một năm phê duyệt Giấy chứng nhận đầu tư, dự án đã triển khai các thủ tục đầu tư, hoàn thành các thủ tục đầu tư thuê đất, thuê rừng, quy hoạch.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Tỉnh này dẫn Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất năm 2012, CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh không thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 của UBND tỉnh là 158/238 triệu đồng và số tiền chậm nộp là 104.230 triệu đồng (dù được đôn đốc nhiều lần); còn nợ đọng số tiền bồi thường tài nguyên, môi trường rừng với số tiền 6/660 triệu đồng.

Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư để người dân tái lấn chiếm, vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2013.

Khởi tố ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ liên quan đến 'siêu dự án' liên quan đến 'đại gia' Nguyễn Cao Trí

Mặt khác, khi triển khai dự án, doanh nghiệp còn vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng Hội trường không phép, 15 căn nhà chuyên gia không có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt, không có Giấy phép xây dựng…).

Nguyên nhân chủ yếu cho chủ đầu tư chưa tập trung nguồn lực về tài chính và nhân lực để đầu tư hoàn thành dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chậm triển khai xây dựng các hạng mục công trình, để phá rừng, lấn chiếm đất).

“Trong thời gian tới, các sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng thực hiện nhiệm vụ sau khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương”, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, đề xuất giải pháp.

Được biết, Khu đô thị Đại Ninh là dự án duy nhất của CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, doanh nghiệp được ông Nguyễn Cao Trí thỏa thuận bán cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá trị 3.000 tỷ đồng.

Thành lập vào năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Năm 2017, công ty nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, đại gia Nguyễn Cao Trí (53 tuổi, trú tại TP. HCM) dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (công ty con của Công ty Capella) thay Công ty Bến Thành để mua lại 51% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, với giá 1.530 tỷ đồng. Từ tháng 1/2021, ông Nguyễn Cao Trí trở thành người đại diện pháp luật của công ty này.

Sau 13 năm được giao đất, Công ty Sài Gòn Đại Ninh hiện vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Đến nay, tiến độ thực hiện dự án chỉ đạt gần 10%.

Đáng chú ý, tại dự án này đã để rừng bị phá lên đến hơn 257ha và trên 111ha đất rừng bị lấn chiếm. Năm 2017, Sở Tài chính Lâm Đồng có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỷ đồng, nhưng đến giữa năm 2020, doanh nghiệp này mới nộp 1,67 tỷ đồng.

Ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ có kết luận 929/KL-TTCP về việc công bố kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết luận có kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án vi phạm pháp luật về đất đai và đầu tư, trong đó có dự án của CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh. Công ty này đã có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng, kiến nghị xem xét lại việc thu hồi dự án.

Đến ngày 8/7/2021, Thanh tra Chính phủ lại có Thông báo kết luận sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký.

Trước khi sửa đổi bổ sung kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác để thẩm tra, trong tổ công tác có ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.

Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng gia hạn tiến độ cho dự án 24 tháng và yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành.

Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vào ngày 11/11/2022, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh báo cáo công ty đã đầu tư tổng số tiền vào dự án là 2.000 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị nâng tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án lên hơn 30.200 tỷ đồng.

Từ khi được chấp thuận cho tiếp tục triển khai dự án theo đề nghị tại Kết luận 1033/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng và các Sở, Ngành liên quan đã thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện đối với các hạng mục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, thực tế thì từ năm 2018 tới nay, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai thêm hạng mục công trình nào khác. Siêu dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt với tổng nguồn vốn lên tới hơn 25.000 tỷ đồng vẫn “án binh bất động”.