Trong phần thủ tục, HĐXX cho biết đã nhận được đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của ông Cảm và 5 người khác là Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính; Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.

Nhận được đơn của CDC thuộc 30 tỉnh, thành phố xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cảm và các bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội. Ngoài ra, luật sư bào chữa cho Nguyễn Nhật Cảm cũng cung cấp danh sách hơn 430 bác sĩ ở nhiều bệnh viện, 42 phó giáo sư và tiến sĩ bày tỏ mong muốn HĐXX cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cảm và cán bộ CDC Hà Nội.

Hai nhà khoa học và một số tổ chức liên quan cho nhóm các bị cáo là cựu cán bộ CDC, luật sư của ông Cảm cũng xin nộp thêm đơn xin của 42 phó giáo sư, tiến sĩ và 430 bác sĩ ở một số bệnh viện trên toàn quốc.

Trong đơn viết chung đề ngày 16/6 gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội, hai giáo sư, tiến sĩ từng là Phó viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ trung ương và Cục phó Cục Y tế dự phòng "kính mong xem xét khoan hồng, giảm án" cho cựu giám đốc CDC Hà Nội vì đã "không quản ngại ngày đêm tập trung chỉ đạo, điều hành hệ thống y tế cơ sở và trực tiếp nỗ lực tham gia chống dịch". Những nỗ lực đó đã góp phần khống chế, kiểm soát thành công Covid-19 ở Hà Nội trong giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm. Ảnh: Phạm Dự.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm. Ảnh: Phạm Dự.

Trong vụ án này, ông Cảm bị cáo buộc chủ mưu.

Phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra trong hai ngày do thẩm phán Đặng Đình Lực làm chủ tọa. 11 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. CDC Hà Nội (Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội) được mời đến toà với tư cách là bị hại.

Khai nhận tại toà, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm cho biết, bị cáo giữ nguyên nội dung khai kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Cảm khẳng định không quen biết Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) và không có việc thỏa thuận ăn chia 10%.

Bị cáo Cảm cũng thừa nhận sai nhưng cho rằng cái sai của mình không phải do cố ý và không hưởng lợi. Sau đó, bị cáo Cảm đề nghị HĐXX, VKS xem xét bối cảnh, điều kiện xảy ra vụ án, xem xét cho cán bộ CDC Hà Nội. Bởi đây là những người có chuyên môn cao, có nhiều cống hiến, đóng góp cho việc bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô.

Theo bị cáo Cảm, thời điểm xảy ra vụ án, bản thân và cấp dưới đều vì công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19, không ai tư lợi trong việc mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, CDC không đủ năng lực xét nghiệm vì đây là dịch bệnh hoàn toàn mới. UBND TP Hà Nội và Sở Y tế giao CDC Hà Nội xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, đào tạo nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Việc triển khai thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư đáp ứng việc phòng chống dịch diễn ra trong thời gian rất ngắn. CDC Hà Nội đã phải gồng mình lên tham khảo, tìm hiểu thị trường, đề xuất danh mục cụ thể từ chủng loại, giá. Việc mua sắm thiết bị là cấp bách nên CDC Hà Nội lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu.

Từ đó, bị cáo Cảm cho rằng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức thông thường sẽ khách quan hơn, nhưng mất nhiều thời gian hơn. Trong gói thầu 15, bị cáo thừa nhận là chưa khách quan vì bản thân lúc đó cũng chưa biết đề xuất mua loại máy nào. Đến phút chót, bị cáo rất sốt ruột, đã đi hỏi nhiều nơi và biết được Công ty Phương Đông là đơn vị nhập khẩu độc quyền loại máy này và đã liên hệ ngay.

Liên quan đến nội dung được trích lại 10% giá trị hợp đồng mua thiết bị, bị cáo Cảm khai chưa nghe thấy bất kỳ ai nói về việc này. “Những vi phạm của bị cáo là không cố ý và mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét đến bối cảnh, điều kiện xảy ra vụ án. Bị cáo mong muốn tiếp tục được đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân Thủ đô".

Các bị cáo tại toà. Ảnh: Phạm Dự.
Các bị cáo tại toà. Ảnh: Phạm Dự.

Trước đó, theo bản án sơ thẩm, 10 bị cáo, trong đó có 6 cựu cán bộ CDC Hà Nội đều bị tuyên phạt về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 222 Bộ luật hình sự. Trong đó, ông Cảm bị phạt 10 năm tù, Dung 6 năm, Thanh 6 năm 6 tháng, Quỳnh 5 năm và Vinh 6 năm 6 tháng, Duy 6 năm.

Bản án xác định, lợi dụng tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, từ tháng 2, các bị cáo dưới sự chủ mưu của ông Cảm đã vì động cơ vụ lợi mà thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm.

Ông Cảm trực tiếp bàn với Tuyền, Nhất, Vinh để ấn định giá các thiết bị trong gói thầu số 15 là hơn 9,5 tỷ đồng, trong đó hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen (Đức) giá 7 tỷ đồng, bảo hành 36 tháng.

Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội thuê Công ty Cổ phần định giá và đấu giá tài sản Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu. Ông Cảm chỉ đạo cán bộ dưới quyền là Thanh, Dung và Quỳnh hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu, ấn định Công ty MST là đơn vị trúng thầu trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Cảm còn thông đồng giả mạo hồ sơ, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục trái quy định để thực hiện sai phạm.

Sau khi chốt các phương án, nhóm của Vinh thực hiện mua bán lòng vòng với động cơ vụ lợi. Theo đó, giá hai máy do Phương Đông nhập khẩu, cung ứng là 4,1 tỷ đồng; bán cho Công ty Hưng Long (do vợ Vinh làm giám đốc) với giá giữ nguyên là 4,1 tỷ đồng. Vinh nhờ giám đốc công ty khác ký hợp đồng mua lại của Hưng Long giá 5,2 tỷ đồng rồi bán cho MST của Vinh giá 7,8 tỷ đồng. Cuối cùng, MST bán hai máy xét nghiệm và tách chiết cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng.

Hành vi trên bị cho rằng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.