Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) được 'cởi trói' sẽ giao dịch toàn thời gian từ ngày 19/1

Cụ thể: cổ phiếu HBC sẽ được giao dịch toàn thời gian kể từ ngày 19/1. Lý do được HoSE công bố là bởi Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã khắc phục được tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Tuy nhiên, cổ phiếu HBC vẫn đồng thời được theo dõi ở các diện, đó là cổ phiếu bị kiểm soát do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2021-2022) và cổ phiếu bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm.

Ngay khi nhận quyết định trên, cổ phiếu HBC đã có phiên nổi sóng. Đóng cửa phiên 18/1, cổ phiếu HBC tăng 6,9% lên mức giá trần 8.680 đồng/CP với thanh khoản đột biến đạt 5,73 triệu đơn vị, gấp gần 5 lần khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này trong 10 phiên giao dịch gần đây.

Theo nghị quyết của hội đồng quản trị ngày 14/12/2023, công ty hủy bỏ kế hoạch tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường 2024 đã thông báo trước đó, đồng thời công bố mục tiêu kinh doanh năm nay.

Cụ thể, Hòa Bình đặt kế hoạch năm 2024 có 10.800 tỷ đồng doanh thu và 433 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 14% về doanh thu so với kế hoạch 2023 nhưng gấp 3,5 lần về lợi nhuận. Kết quả 9 tháng đầu 2023, công ty đã lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ khoảng 880 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 64 tỷ đồng.

Mới đây, HBC sẽ phát hành gần 252,5 triệu cổ phiếu - trong đó có 32,5 triệu cổ phiếu là phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ.

Theo công bố, có hai nhà đầu tư nước ngoài dự kiến tham gia đợt chào bán của HBC, bao gồn Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd mua 100 triệu cổ phiếu và Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company mua 120 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu sau chào bán là 18,99% và 22,79% vốn điều lệ tại HBC.

Với đợt phát hành này, Hòa Bình dự kiến thu về từ 2.640 tỷ đồng - 3.190 tỷ đồng, dùng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty với các ngân hàng, trong đó hơn 1.754 tỷ đồng là trả gốc và lãi cho Ngân hàng BIDV, gần 998 tỷ đồng trả cho Ngân hàng VietinBank, 158 tỷ trả gốc và lãi cho Ngân hàng MSB, 136 tỷ trả cho NCB, còn lại trả cho VPBank và SeABank.