WB: GDP Việt Nam phục hồi dần về 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025

Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 4,7% trong năm 2023, phục hồi dần về 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.

Nhu cầu trong nước chững lại nhưng dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân vẫn được kỳ vọng duy trì, với tốc độ tăng 6,0% (so cùng kỳ) - tuy nhiên có thấp hơn mức tăng trưởng trước đại dịch là 7% năm 2019 - đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP.

Tổng đầu tư đóng góp 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng. Trong đó, đầu tư tư nhân được dự báo vẫn chưa khởi sắc với tốc độ tăng 4,3% so với 8,2% năm 2019 do những rủi ro bên ngoài, theo đó đóng góp 1,2 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP. Đầu tư công dự kiến tăng 9,5%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP, nhưng chỉ bù đắp được phần nào cho đầu tư tư nhân bị suy giảm.

Do thanh khoản được cải thiện và NHNN tái ban hành hướng dẫn về tái cơ cấu thời hạn trả nợ, những hạn chế về huy động tài chính trong lĩnh vực bất động sản/xây dựng dự kiến sẽ được nới ra và đầu tư sẽ dần phục hồi từ năm 2024 trở đi.

Dự báo tăng trưởng dựa trên giả định xuất khẩu hàng hóa sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm 2023, nhất là trong quý IV, do nhu cầu của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ sẽ dần phục hồi. Hướng tới năm 2024, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ dựa vào sự phục hồi của xuất nhập khẩu, với dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng trở lại, và đầu tư tư nhân được cải thiện.

WB: GDP Việt Nam phục hồi dần về 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025

Với Việt Nam, sau khi đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực ở mức 8% trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023 (giảm còn 3,7% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với số liệu tăng trưởng báo cáo cho nửa đầu năm 2022 khi tăng 6,4% so với cùng kỳ 2021). Các doanh nghiệp và thị trường lao động đều chịu ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế trầm xuống. Nguyên nhân chính do sức cầu bên ngoài giảm mạnh, đồng thời cầu trong nước cũng đang yếu đi.

“Tăng trưởng giảm đà có nguyên nhân do sức cầu bên ngoài giảm mạnh, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2023. Điều này ảnh hưởng đến kết quả của khu vực xuất khẩu, ước đóng góp khoảng 50% cho GDP của Việt Nam”, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết. Bên cạnh đó, sức cầu trong nước cũng chững lại do sự giảm dần hiệu ứng xuất phát điểm thấp của giai đoạn phục hồi sau COVID trong năm ngoái, và do niềm tin của người tiêu dùng đang yếu đi. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cuối giảm chỉ còn 2,7% so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm, so với mức 6,1% (so cùng kỳ) trong sáu tháng đầu năm 2022.

Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đứng vững và đầu tư công tăng nhẹ, nhưng tốc độ tăng đầu tư toàn xã hội vẫn bị giảm, do tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm mạnh xuống còn 2,4% so cùng kỳ, sau khi đạt mức 11,8% (so cùng kỳ) vào năm trước.

Tổng cầu giảm cũng được phản chiếu ở phía sản xuất (tổng cung) của GDP. Phản ánh sự suy giảm cầu xuất khẩu, đóng góp của khu vực công nghiệp cho tăng trưởng giảm xuống 0,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm, so với 2,8 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước. Ảnh hưởng của cú sốc cầu xuất khẩu còn bị trầm trọng hơn do tình trạng thiếu điện liên tục ảnh hưởng đến miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6/2023.

Trong điều kiện áp lực lạm phát đang hạ nhiệt và tăng trưởng đang chững lại, NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế. NHNN giảm lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cộng lại lên đến 150-200 điểm cơ bản (bps) qua bốn đợt cắt giảm lãi suất chính sách liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, lần lượt xuống còn 3% và 4,5%.

Mặc dù lãi suất đã giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn giảm từ 16,8% so cùng kỳ trong tháng 6/2022 xuống còn 7,8% so cùng kỳ trong tháng 6/2023, qua đó cho thấy nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp đang yếu đi.

Đầu tư công được đẩy nhanh đã hỗ trợ cho nền kinh tế đang giảm đà, nhưng những thách thức trong triển khai vẫn còn tồn tại. Cân đối ngân sách đến giữa năm 2023 cho thấy bội thu ước đạt (1,5% GDP), thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (5,2% GDP) do thu ngân sách giảm 7% trong nửa đầu năm 2023 so cùng kỳ năm trước khi các hoạt động kinh tế chững lại. Trong khi đó, tổng chi ngân sách tăng 12,8% (so cùng kỳ) trong nửa đầu năm 2023, do giải ngân đầu tư công tăng 43% (so cùng kỳ), nhờ triển khai hợp phần đầu tư (trị giá 1,6% GDP) trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022- 2023. Tuy nhiên, số liệu giải ngân đầu tư công lũy kế theo ước tính vẫn thấp - chỉ bằng 30,5% dự toán ngân sách năm ở thời điểm cuối tháng 6/2023.

“Nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế,” bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết tại buổi công bố báo cáo. “Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng - vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn”, bà Carolyn Turk lưu ý thêm.

Báo cáo nhận định, tuy có chững lại nhưng cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn đứng vững; đầu tư sẽ đóng góp khoảng 1,8 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP (đầu tư tư nhân dự kiến sẽ giảm nhẹ, đóng góp 1,2 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP; Đầu tư công dự kiến sẽ được đẩy mạnh, tăng 9,5% (so cùng kỳ), đóng góp 0,6 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP).