Công trình condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu

Có hiệu lực từ ngày 20/5/2023, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP đã bổ sung khoản 5 Điều 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ như sau:

Đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ; thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 126, khoản 1 Điều 128 của Luật Đất đai. Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2023
Công trình condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Ảnh minh họa

Việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng được thực hiện theo quy định. Việc thể hiện thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Ngày 3/4, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Nghị định này bổ sung nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.

Đáng chú ý, Nghị định số 10 bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.

Ngoài ra, Nghị định số 10 còn bổ sung trình tự thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định về đầu tư.

Bên cạnh đó, nghị định này cũng quy định chi tiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) qua mạng. Theo đó, người dân sẽ được nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện, mà không phải trực tiếp đến tận cơ quan quản lý để thực hiện như trước.

Chính sách mới về kinh tế này có hiệu lực từ ngày 20/5.

Quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Thông tư số 16/2023/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 17/3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Thông tư số 16/2023/TT-BTC sửa đổi quy định về "Điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ" như sau:

Với doanh nghiệp đang hoạt động, việc điều chỉnh vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2023
SCIC thoái vốn 73 doanh nghiệp trong năm 2023. Ảnh minh họa

Với các doanh nghiệp không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát, quyết định và chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước, việc nộp phần chênh lệch này không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp nộp phần chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm theo từng thành phần vốn tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.

Chính sách về kinh tế này có hiệu lực từ ngày 8/5.

Quy định mới về dịch vụ thông tin duyên hải

Một chính sách kinh tế mới có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2023 là Thông tư 03/2023/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 30/3/2023 quy định chi tiết đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải sử dụng ngân sách Nhà nước.

Thông tư nêu rõ, Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải và Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) là đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải.

Theo chính sách mới về kinh tế này, căn cứ vào khối lượng dịch vụ sự nghiệp công quy định, giá dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải năm gần nhất, dự kiến biến động các yếu tố chi phí đầu vào, VISHIPEL có trách nhiệm lập nhu cầu kinh phí để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải của năm tiếp theo gửi Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 30/5 hàng năm.

Trên cơ sở đề xuất của VISHIPEL, Cục Hàng hải Việt Nam lập dự toán chi ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thông tin duyên hải năm tiếp theo gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 1/7 hàng năm để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp trong dự toán chi ngân sách Nhà nước gửi Bộ Tài chính theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5.

Từ 15/5/2023, Bộ Tài chính có cơ cấu tổ chức mới

Nghị định 14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/5/2023.

Theo Nghị định, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Tài chính - ngân sách, hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm 28 đơn vị thay vì có 29 đơn vị như quy định cũ.

Vụ Chính sách thuế tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Điều chỉnh tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Theo quy định mới tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Chỉ quy định một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên; quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp; không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ; thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III còn 3 năm; giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng khi thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới.

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2023
Điều chỉnh tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Ảnh minh họa

Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.

Quy định mới sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00; bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

Tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa

Thông tư 03/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; hình thức, nội dung và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, tuyên truyền viên văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và mỹ thuật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2023.

Thông tư quy định, viên chức đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện trên thuộc các trường hợp sau được dự xét thăng hạng:

Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và chuyên ngành mỹ thuật được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" hoặc được tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học nghệ thuật quy định tại điểm b khoản 4 của các Điều 4, 5, 8 và 9 Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh; tại điểm b khoản 4 của các Điều 4 và 5 Thông tư số 09/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật, được sử dụng một lần danh hiệu hoặc giải thưởng để dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề.

Viên chức chuyên ngành văn hóa hạng IV lên viên chức chuyên ngành văn hóa hạng III: Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện tại Thông tư này và là viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành văn hóa hạng IV.

Quy định vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông có hiệu lực thi hành từ ngày 9/5/2023.

Trong đó, quy định vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi theo Quy chế mới chỉ bao gồm “bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí”.

Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng giáo dục mầm non

Thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2023.

Theo Thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT, chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, cấu trúc từ các môn học hoặc học phần (gọi chung là học phần). Chương trình đào tạo thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nhà trường, bảo đảm khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình đào tạo phải được công khai đối với sinh viên trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.