Hà Nội chỉ điểm loạt dự án "treo, ôm đất" nhiều năm

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Cùng với đó, có báo cáo trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hàng loạt dự án nhà ở, khu đô thị chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống của người dân gây bức xúc mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị lớn trên địa bàn sau hàng thập kỷ vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển khai.

Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", bỏ hoang, sử dụng sai mục đích ở khắp các địa bàn quận, huyện. Đây đều là các dự án đã được phê duyệt nhưng vì nhiều lí do, các doanh nghiệp đã bỏ hoang dự án, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn nạn về mất trật tự an ninh, văn minh đô thị, gât ảnh hưởng lớn tới quy hoạch đô thị thành phố.

Không ít dự án đã "đắp chiếu" từ 10 - 20 năm, ngay cả tại khu vực “đất vàng” thuộc quận nội đô cũng xuất hiện không ít các dự án treo trung tâm Hà Nội khiến diện tích đất hoang hóa tại Thủ đô ngày một gia tăng. Mặc dù đã được phê duyệt dự án với kì vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" cho Thủ đô nhưng không rõ lí do gì mà suốt gần 2 thập kỉ qua, hàng loạt doanh nghiệp chỉ "ôm đất", không triển khai khiến Hà Nội có tới hơn 300 dự án treo, gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu NSNN và kéo theo không ít hệ lụy.

Hà Nội chỉ điểm loạt dự án "treo, ôm đất" nhiều năm
Dự án Sông Hồng City sau 26 năm vẫn chỉ trên giấy

Đơn cử có thể kể đến "siêu" dự án Sông Hồng City; khu nhà ở văn phòng IDC; cao ốc 131 Thái Hà; dự án khu đô thị ở huyện Mê Linh..., sau hàng thập kỷ vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển khai.

Dự án xây dựng khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê (Dự án Sông Hồng City) với diện tích 51.300m2 tại khu vực hồ Nghĩa Dũng (nay thuộc địa giới phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và phường Phúc Xá, quận Ba Đình) được cấp Giấy phép đầu tư năm 1994, cho phép Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) Pte, Ltd (Singapore) thành lập Công ty liên doanh có tên là Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện trong vòng 8 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng và đưa các công trình xây dựng vào vận hành.

Tuy nhiên, sau 25 năm từ ngày được cấp giấy phép đầu tư đến nay dự án Sông Hồng City vẫn chỉ nằm "trên giấy"gây bức xúc cho người dân. Theo UBND TP Hà Nội, dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai do trong giai đoạn từ năm 1997-2001, từ ảnh hường và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực Châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai. Thêm nữa, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng.

Từ những vướng mắc trên, hiện UBND TP Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành: QH-KT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập và phê duyệt quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu làm cơ sở để nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án theo quy định. Chỉ đạo UBND quận Tây Hồ, quận Ba Đình tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng sau khi dự án được phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Hà Nội chỉ điểm loạt dự án "treo, ôm đất" nhiều năm
Dự án Khu nhà ở văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương "treo" hơn 30 năm khiến nhiều hộ dân không được cải tạo, xây dựng vì nằm trong diện quy hoạch của dự án

Theo tìm hiểu, dự án được triển khai từ năm 1990. Đến ngày 28/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi 13.970m2 đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và giao cho Công ty TNHH xây dựng IDC (Công ty IDC) sử dụng để thực hiện dự án. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, dự án khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) do Công ty TNHH xây dựng IDC làm chủ đầu tư đã "treo" được hơn 30 năm.

Nguyên nhân được UBND TP Hà Nội chỉ ra là do vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, dự án triển khai kéo dài, có thay đổi về chế độ, chính sách pháp luật, đến nay mới thu hồi, GPMB được 7.901m2 còn lại hơn 6.000m2 đất chưa GPMB; một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân; do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến chủ đầu tư chưa được giải quyết.

Sau đó, năm 2016, UBND TP có Thông báo 40 về ý kiến chỉ đạo của UBND TP giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ. Theo đó, đối với dự án IDC, UBND TP chỉ đạo Sở QH-KT chủ trì cùng Sở TN-MT và UBND quận Tây Hồ, Công ty IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo quyết định của Thủ tướng; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã GPMB, diện tích đất chưa GPMB, diện tích đất hồ bị lấn chiếm.

Được biết, đến nay, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, diện tích đất đã, đang, chưa thực hiện đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan.

Hiện, liên ngành thành phố đã họp và thống nhất nhà đầu tư, đề nghị UBND TP báo cáo Chính phủ xem xét quyết định theo thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án này.

Hà Nội chỉ điểm loạt dự án "treo, ôm đất" nhiều năm
Cao ốc 131 Thái Hà hơn thập kỷ vẫn chưa xong (Ảnh: Người đưa tin)

Mặc dù năm tại vị trí trung tâm đắc địa nhưng công trình Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh số 131 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) - được cấp phép xây dựng vào năm 2005 và dự kiến thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010 - do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư được xây dựng hơn chục năm nay vẫn chưa thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Tới năm 2014, Sở TN&MT Hà Nội công bố dự án 131 Thái Hà nằm trong danh sách dự án có chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ” cho người mua nhà. Đây cũng là một trong số các dự án Sở Xây dựng Hà Nội từng kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư vào năm 2015.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” ở phần xây thô và mới đây, UBND TP Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 131 Thái Hà của Cty TNHH tổng hợp Huy Hùng nằm trong danh sách 20 dự án chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, dự án 131 Thái Hà của Cty TNHH tổng hợp Huy Hùng nợ 45,2 tỷ đồng.

Trên đây mới chỉ là một trong số rất ít những ví dụ về thực trạng các lô "đất vàng" nhiều năm không được xây dựng, triển khai dở dang, sử dụng sai mục đích. Điều này đã khiến bộ mặt TP trở nên nhếch nhác, kéo theo rất nhiều hệ lụy như người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, ô nhiễm môi trường… trong nhiều năm nay. Từ dự án bỏ hoang xuất hiện các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, gây mất trật tự an ninh khu vực; đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất và thất thu ngân sách Nhà nước.

Hà Nội chỉ điểm loạt dự án "treo, ôm đất" nhiều năm
Hà Nội điểm mặt những dự án ‘treo’ ôm đất nhiều năm

Giải pháp được đưa ra để xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung là cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Bên cạnh việc thu hồi đất thì có thể đưa ra phương án xử phạt thật nặng đối với các chủ đầu tư “ôm” đất xong không triển khai, sử dụng sai mục đích; đặc biệt là cần sự nghiêm minh của các cơ quan chức năng trước các sai phạm.

Thế nhưng, việc quản lý quỹ đất của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Phía chủ đầu tư các dự án nêu trên chưa thật sự tuân thủ quy định pháp luật. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những sai phạm tồn tại lại là bài toán có quá nhiều điều kiện, khó thoả mãn yêu cầu về quy hoạch đô thị.

Kiến nghị thanh kiểm tra loạt dự án "treo, ôm đất" trên phạm vi cả nước

Mới đây, cử tri nhiều tỉnh, thành phố đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước.

Trước những ý kiến từ cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các dự án quy hoạch treo có nhiều nguyên nhân như: Việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm… Vì thế, để xử lý các quy hoạch treo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.

Đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Hà Nội chỉ điểm loạt dự án "treo, ôm đất" nhiều năm
Nhiều dự án treo gây lãng phí đất đai (Ảnh: Tài chính doanh nghiệp)

Trong trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch; được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước cho phép theo quy định pháp luật.

Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên- Môi trường) từng phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định.

Pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.

Tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản.

Theo DNVN