Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Internet
Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: Internet

Khó tiếp cận vốn vay ưu đãi

Tại hội nghị ''Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022'' diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành của Chính phủ và Thành phố sau đại dịch COVID-19 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện…

Tuy nhiên, hiện nay tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp … Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Trong khi đó, thực tế việc cung ứng vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn. Do kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, khả năng trả nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa như quy mô vốn nhỏ, thiếu phương án kinh doanh khả thi, phương án kinh doanh thường xuyên thay đổi, đặc biệt là vấn đề không đủ tài sản bảo đảm cho khoản vay…

Việc giải ngân còn chậm, việc tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn; đặc biệt là từ quý II/2022 trở lại đây rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng… cũng là những chia sẻ của Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội Lê Vĩnh Sơn.

Ông Sơn cho hay, vừa qua, chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn chưa đủ với "cơn khát vốn" của doanh nghiệp. Do tình hình giá cả tăng cao nên sức mua suy giảm, thị trường thu hẹp, hàng hóa tồn kho nhiều, cộng thêm những khó khăn về tài chính ở trên làm cho các doanh nghiệp lao đao và và đứng trên bờ vực phá sản.

Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này. Các doanh nghiệp thông tin, về gói vay hỗ trợ lãi suất 2% thì đa số doanh nghiệp đã "lắc đầu" vì khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng như: Không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ,…; quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán…

Thậm chí, có doanh nghiệp còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất…

Cần sự chủ động từ hai phía

Kiến nghị được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, thời gian qua lãi suất tăng cao, có những khu vực/trường hợp lãi suất tăng đến 14,15%/năm và còn có thể tăng cao hơn nữa. Vì vậy, đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, các gói cứu trợ nhanh, tăng tốc độ giải ngân, giảm lãi suất vay, nới zoom tín dụng…. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sự đổ vỡ theo dây chuyền của hệ thống các doanh nghiệp, ổn định nền kinh tế thủ đô, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đạt kế hoạch thu ngân sách 2023 và các mục tiêu đã đề ra….

Trước những khó khăn về vốn vay, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, NHNN ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.

Đến cuối tháng 10/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn Hà Nội đạt 5.000 tỷ đồng với 209 khách hàng được hỗ trợ; dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 12.242 triệu đồng.

Đại diện NHNN Chi nhánh Hà Nội thừa nhận, mặc dù sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là về đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP: Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên cả ngân hàng thương mại và khách hàng đều thận trọng, bảo đảm dòng tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Ngoài ra tâm lý e dè về công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý Nhà nước sau này cũng là một trở ngại.

Các ngân hàng thương mại đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

"Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang tiếp tục rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách, làm việc với khách hàng để xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định", ông Tuấn cho hay. Đồng thời nhấn mạnh phía ngân hàng rất mong muốn nhận được các ý kiến phản hồi, đánh giá khách quan từ phía các hội, hiệp hội và doanh nghiệp để có giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, dòng vốn từ ngân hàng vẫn là điểm tựa tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Bởi vậy, cùng với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, các doanh nghiệp hoặc thông qua các hiệp hội cũng cần chủ động nắm bắt, hiểu rõ quy trình đăng ký khoản vay, từ đó chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần và đủ để gia tăng cơ hội tiếp cận vốn thành công.