Chủ sở hữu khối tài sản trị giá 5 tỉ USD là ai?

Đầu năm 2017, một số báo dẫn nguồn từ Wall Street Journal cho biết hàng loạt động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỉ phú Trung Quốc Liu Zhongtian - Chủ sở hữu Tập đoàn China Zhongwang (Trung Quốc).

Cũng theo Wall Street Journal, China Zhongwang vướng phải nhiều nghi vấn về việc xuất nhôm sang các nước thứ ba như Mexico hay Việt Nam rồi dùng các công ty tại nước sở tại để tái xuất hàng sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế.

Hé lộ bí ẩn về kho kim loại giá trị 5 tỷ USD tại Vũng Tàu
Tỉ phú Liu Zhongtian.

Để xác minh làm rõ vụ việc, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan Mỹ và các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.

Tổng cục Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan Mỹ và Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra. Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, số lượng tồn lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,3 tỉ USD (tính theo thời điểm năm 2019)

Đến tháng 11/2019, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết chủ sở hữu của 1,8 triệu tấn nhôm đang nằm chờ xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu có địa chỉ trụ sở chính: Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo quy định của Luật Hải quan, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất chịu sự giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nguyên liệu nhôm nhập khẩu của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (tên giao dịch quốc tế là Global Vietnam Aluminum - viết tắt là GVA) được đưa về nhà máy sản xuất để sản xuất một phần, một phần được đưa đi gửi tại bãi thuê ngoài theo quy định..

Tháng 7/2020, tại cuộc họp báo về gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã thông tin về kết luận điều tra ban đầu vụ Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập 5 tỉ USD nhôm từ Trung Quốc. Tổng cục Hải quan, cho biết qua điều tra xác định, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm, thậm chí nhôm thành phẩm (nhôm định hình) vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu nhưng các sản phẩm này chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy chuẩn để xuất sang Mỹ. Do đó, doanh nghiệp thực hiện sản xuất lại.

“Thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác và vì thế trong quá trình chuyển đổi, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Với tinh thần thận trọng, khẩn trương, đoàn kiểm tra kết luận không đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan thông tin.

1,8 triệu tấn nhôm từng ở đâu trước khi đến Việt Nam?

Đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm đùn, trị giá 5 tỉ USD đã được chuyển từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ tới Việt Nam, Cơ quan Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS) cho biết.

Các chuyên gia ước tính, kho nhôm ở Việt Nam chiếm tới 14% tổng lượng nhôm trên toàn thế giới và được cho là đang được lưu trữ cảng vận tải chính của GVA.

Theo cáo trạng của tòa án Mỹ, mọi chuyện bắt đầu vào năm 2009 khi Zhongwang bắt đầu lên sàn chứng khoán và tìm cách lừa gạt các nhà đầu tư.

Mục đích ban đầu của Liu Zhongtian là thổi phồng giá trị thị trường của Zhongwang, khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng Mỹ có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nhôm của Zhongwang. Và Liu Zhongtian đã thành công khi giá trị Zhongwang tăng gần 1,3 tỉ USD với đợt phát hành chứng khoán công khai lần đầu (IPO) năm 2009 ở Hong Kong.

Các công tố viên Mỹ cho hay, để che giấu hoạt động, Liu Zhongtian và đồng phạm đã rót hàng trăm triệu USD qua các công ty ma và những doanh nghiệp đặt ở California do ông ta kiểm soát và rồi số tiền sẽ quay trở về Zhongwang như thể tiền thanh toán cho các lô hàng. Nhờ vậy, Zhongwang có thể che mắt các nhà đầu tư bằng báo cáo với những khoản lợi nhuận kếch xù.

Năm 2010, sau khi kết luận Trung Quốc trợ cấp sản xuất nhôm đùn và bán phá giá ở thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế lên tới 374% đối với các sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc như nhôm ống, nhôm tấm và Zhongwang cũng nằm trong số công ty bị liệt vào danh sách.

Tuy nhiên, mức thuế này không áp dụng với sản phẩm đã hoàn thiện và Liu lợi dụng khe hở này.

Liu Zhongtian cho hàn nhôm thành dạng pallet trước khi xuất sang Mỹ. Sau đó, ông ta xây dựng các cơ sở ở Mỹ để nung chảy các tấm pallet thành một dạng thức dễ bán hơn.

Trong báo cáo thường niên của Zhongwang, Liu khẳng định các lô hàng tới Mỹ là bán cho khách hàng Mỹ nhưng trên thực tế không tấm pallet nào được bán. Chúng được chất bên trong các kho hàng quanh miền Nam California. Các công ty nói trên đã nhập ít nhất 2,2 triệu pallet nhôm từ năm 2011 tới 2014.

Một số chuyên gia tại Mỹ cho rằng, Zhongwang Holdings của Liu Zhongtian còn trốn thuế ở Mỹ bằng cách đưa nhôm qua Mexico để ngụy trang xuất xứ.

Hé lộ bí ẩn về kho kim loại giá trị 5 tỷ USD tại Vũng Tàu
Kho nhôm của Po-Chi "Eric" Shen tại Mexico.

Tạp chí Wall Street Journal cũng cho biết, hàng trăm nghìn tấn nhôm đã được chuyển từ Trung Quốc tới Mexico thông qua hàng loạt công ty, trong đó có cả công ty thuộc sở hữu của con trai Liu Zhongtian và bạn làm ăn lâu năm của nhà tỉ phú này.

Cùng thời điểm Mỹ áp thuế trừng phạt với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc, một doanh nhân trẻ tuổi gốc Singapore, Po-Chi "Eric" Shen, bắt đầu tìm mua bất động sản ở Mexico. Anh ta chọn một khu đất gần San José Iturbide, cách biên giới Mỹ khoảng 500 dặm. Và Po-Chi "Eric" Shen chính là bạn của Liu Zuopeng - con trai tỉ phú Liu Zhongtian.

Tại Mexico, "Eric" Shen đã tạo ra một mạng lưới các công ty thương mại có khả năng đưa hàng trăm nghìn tấn nhôm từ Trung Quốc tới Mexico rồi đem nung chảy số nhôm này và chuyển tới Mỹ nhằm tránh các hạn chế về thương mại và tận dụng lợi thế từ Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Aluminicaste Fundición de México - công ty do "Eric" Shen thành lập, đã lên kế hoạch xây dựng 1 nhà xưởng để nung chảy nhôm thành kim loại thô.

Trong năm 2011, 2012, lượng nhôm đùn nhập khẩu của Mexico gia tăng. Phần lớn số kim loại được một công ty Singapore của Shen chuyển cho công ty vận tải của Aluminicaste.

Các nhà điều tra Mỹ cũng cho rằng rằng Liu Zhongtian định xây dựng một xưởng luyện kim ở Barstow hoặc mua lấy 1 xưởng ở Delair, N.J để nung chảy nhôm và bán lại ở thị trường Mỹ với mức giá thấp.

Thế nhưng kế hoạch này lại thất bại vì vướng mắc với vấn đề cấp phép hoặc môi trường. Aluminicaste cũng không được hưởng các điều khoản của NAFTA sau khi giới chức Mỹ kết luận số kim loại có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Và rồi số nhôm đó lên đường tới Việt Nam - cụ thể là khu vực kho bãi của công ty nhôm Global Vietnam Aluminum (GVA).

Theo Cơ quan Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS), từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm đùn, trị giá 5 tỉ USD đã được chuyển từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ tới Việt Nam.

Jeremy Scott, đặc vụ phụ trách điều tra của cơ quan an ninh nội địa Mỹ tại Los Angeles cho biết, Liu Zhongtian định nung chảy nhôm ở Việt Nam rồi có lẽ sẽ đưa quay trở lại Mỹ như một món hàng không xuất xứ từ Trung Quốc nhưng kế hoạch bại lộ.

Theo cáo trạng của cơ quan chức năng Mỹ, Liu Zhongtian và nhiều người khác đang đối mặt với án tù lên tới 465 năm nếu bị kết án toàn bộ 24 tội danh bao gồm âm mưu, gian lận, rửa tiền, giả mạo giấy tờ thông qua cơ quan thuế...

Cụ thể, Công ty China Zhongwang đã xuất khẩu một lượng lớn nhôm sang Nam California – Mỹ, sau đó dàn xếp doanh số "ảo" để lừa các nhà đầu tư. Công ty này còn lên kế hoạch tránh phải trả số tiền thuế 1,8 tỉ USD từ năm 2011.

Theo các công tố viên liên bang, tỉ phú họ Liu và đồng bọn bị buộc tội lừa đảo và rửa tiền. Họ bị tố chuyển hàng triệu USD thông qua công ty vỏ bọc cho các công ty nhôm mà ông Liu kiểm soát tại Mỹ, sau đó chuyển trở lại cho China Zhongwang.

Nhưng người phát ngôn của Zhongwang đã lên tiếng phủ nhận mọi sự liên quan của tỉ phú Liu Zhongtian và Zhongwang tới những lời buộc tội.

Cho đến nay, vụ việc vẫn bị để ngỏ và kho nhôm khổng lồ 1,8 triệu tấn vẫn nằm yên lặng tại Việt Nam.

Global Vietnam Aluminum bị Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm tại Việt Nam

Ngày 22/7/2020, Kiểm toán nhà nước đã có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Bộ Công an) điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn thuế Thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu đã thuê kho bãi của Công ty PTL để chứa nhôm nguyên liệu. Doanh thu cho thuê kho bãi với Công ty Nhôm Toàn Cầu từ năm 2015 đến năm 2019 là 3.404 tỉ đồng. Giá Công ty Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi của Công ty PTL bình quân các năm là 7,2 USD/m2/tháng.
Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu đã thuê kho bãi của Công ty PTL để chứa nhôm nguyên liệu. Doanh thu cho thuê kho bãi với Công ty Nhôm Toàn Cầu từ năm 2015 đến năm 2019 là 3.404 tỉ đồng. Giá Công ty Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi của Công ty PTL bình quân các năm là 7,2 USD/m2/tháng. cao gấp 7 lần so với giá Công ty PTL thuê kho bãi của Công ty CP Thành Chí (1 USD/m2/tháng) và gấp 4,7 lần giá Công ty PTL thuê của Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải (1,53USD/m2/tháng).

Kiểm toán nhà nước cho biết, Công ty Nhôm Toàn Cầu (Global Vietnam Aluminum) đã có hành vi chuyển giá, trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Theo văn bản của Kiểm toán nhà nước, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu đã thuê kho bãi của Công ty PTL để chứa nhôm nguyên liệu. Doanh thu cho thuê kho bãi với Công ty Nhôm Toàn Cầu từ năm 2015 đến năm 2019 là 3.404 tỉ đồng. Giá Công ty Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi của Công ty PTL bình quân các năm là 7,2 USD/m2/tháng.

Qua so sánh, giá thuê Công ty Nhôm Toàn Cầu trả cho Công ty PTL cao gấp 7 lần so với giá Công ty PTL thuê kho bãi của Công ty CP Thành Chí (1 USD/m2/tháng) và gấp 4,7 lần giá Công ty PTL thuê của Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải (1,53USD/m2/tháng). Như vậy, thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Công ty Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL tổng số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỉ đồng (bằng 78,72% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015-2019). Theo KTNN, số tiền chuyển giá này về nguyên tắc sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu Thuế TNDN phải nộp của Công ty Nhôm Toàn Cầu hoặc làm tăng số chuyển lỗ để bù đắp thu nhập chịu thuế các năm sau của công ty. Hành vi này của Công ty Nhôm Toàn Cầu đã vi phạm quy định của Luật Quản lý thuế và vi phạm Bộ Luật Hình sự.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đây là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, đăng ký lần đầu ngày 16.9.2015, vốn điều lệ là 150 tỷ đồng, trong đó, giá trị phần vốn góp của ông Jakky Cheung là 120 tỉ đồng (tỉ lệ 80%) và giá trị phần vốn góp của ông Nguyễn Tài là 30 tỉ đồng (tỉ lệ 20%). Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ nhất ngày 4.12.2015, vốn điều lệ của Công ty là 150 tỉ đồng - Công ty TNHH Praise Trend có giá trị phần vốn góp là 120 tỉ đồng (tỉ lệ 80%), ông Nguyễn Tài có giá trị phần vốn góp là 30 tỉ đồng (tỉ lệ 20%).

Trong quá trình chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài, KTNN nhận thấy, khi chuyển nhượng 75% vốn góp, ông Nguyễn Tài có dấu hiệu chuyển nhượng vốn với giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng (giá trị DN tại thời điểm chuyển nhượng vốn, ngày 16.1.2017). Qua kiểm toán, KTNN xác định lại giá trị thực tế của 22,5 tỉ đồng vốn góp ban đầu của ông Nguyễn Tài khi chuyển nhượng cho Công ty Praise Trend là 420,9 tỉ đồng. Áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất 20%, KTNN xác định số thuế TNCN phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng 75% vốn góp tại thời điểm 16.1.2017 là hơn 79,6 tỉ đồng. Sau khi trừ số thuế TNCN đã được Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xác định và truy thu 400 triệu đồng, số thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài cần phải truy thu thêm là hơn 79,2 tỉ đồng.

Qua nắm bắt thông tin, KTNN được biết, ông Jakky Cheung đại diện vốn của Công ty TNHH Praise Trend cũng chính là Giám đốc Công ty Nhôm Toàn Cầu. Như vậy, hành vi chuyển giá của Công ty Nhôm Toàn Cầu sang Công ty PTL và việc Công ty TNHH Praise Trend nhận chuyển nhượng 75% vốn góp từ ông Nguyễn Tài, từ đó được chia lợi nhuận các năm 2015, 2016 tổng cộng hơn 337,6 tỉ đồng và Công ty đã chuyển số lợi nhuận được chia này ra nước ngoài có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, mục đích cuối cùng là chuyển tiền bất hợp pháp từ Công ty Nhôm Toàn Cầu ra nước ngoài.

Chính vì vậy, KTNN đã nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) - Bộ Công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn thuế Thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.