Trong tuần qua, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đã tăng hơn 100 USD/ounce, trong đó riêng phiên cuối tuần 14-10 tăng tới hơn 60 USD, là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 đến nay.

Kim loại quý chứng kiến mức tăng đáng kể vào cuối tuần do nhu cầu trú ẩn an toàn ngày càng tăng khi Israel tăng cường cuộc xung đột với Hamas và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.

Chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.932 USD/ounce, cao nhất trong 3 tuần. Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 54,86 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 13,84 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.

Chiều nay (ngày 15/10), giá vàng trên thị trường trong nước được niêm yết cụ thể như sau:

Tại công ty DOJI Hà Nội giá vàng giao dịch trong ngưỡng 69,600 triệu đồng/lượng mua vào, 71,000 triệu đồng/lượng bán. Vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 69,600 triệu đồng/lượng mua vào, 71,000 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh 57,200 triệu đồng/lượng mua vào, 58,200 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 69,75 – 70,68 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 69,75 – 70,68 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Vàng miếng Phú Quý SJC đang niêm yết ở mức 69,6 triệu đồng/lượng mua vào và 71 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng ở chiều mua và 850.000 đồng ở chiều bán so với chiều qua.

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết mức 69,7 triệu đồng/lượng mua vào và 70,72 triệu đồng/lượng bán ra.

Sau khi giá vàng tăng mạnh vượt mốc 71 triệu đồng/lượng, nhiều khách kéo đến các cửa hàng để giao dịch, khiến thị trường sôi động hơn hẳn ngày thường. Tại phố vàng phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), các cửa hàng nhộn nhịp khi đón tiếp nhiều lượt khách.

Giá vàng vượt đỉnh lịch sử lên 71 triệu đồng/lượng có còn là kênh trú ẩn an toàn?
Bảng giá vàng ngày 15/10 cập nhật lúc 14h45p. Ảnh chụp màn hình

Tính riêng trong 3 tháng gần đây, giá vàng miếng SJC liên tục tăng mạnh và đã tăng tới gần 4 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng khoảng 4,7%.

Không chỉ riêng vàng SJC, giá vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Từ đầu tuần đến nay, giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ tại SJC có mức tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng, chạm mốc cao nhất 58,15 triệu đồng/lượng – mức cao nhất từ trước đến nay. So với giá hồi đầu năm, giá vàng nhẫn hiện tại đã tăng khoảng gần 4 triệu đồng.

Dự báo về xu hướng giá vàng, Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường Bắc Mỹ của Hội đồng Vàng Thế giới, cho rằng, trong bối cảnh bất ổn như hiện tại, các nhà đầu tư sẽ đổ xô vào vàng.

Ngoài ra, việc Mỹ tuyên bố thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Nga vào thứ 6 đã đẩy giá dầu quay trở lại gần mức 90 USD/thùng và tăng gần 4% trong ngày. Một số nhà phân tích lưu ý rằng, nếu giá dầu tiếp tục tăng, vai trò trú ẩn an toàn của vàng như một hàng rào chống lại lạm phát dai dẳng sẽ cũng sẽ tăng lên.

Trong khi tâm lý đang chuyển sang xu hướng tăng vững chắc, một số nhà phân tích cảnh báo các nhà đầu tư nên thận trọng và không nên đuổi theo thị trường. Ole Hansen, chiến lược gia hàng hóa của Ngân hàng Saxo, cho biết, trong khi vàng vẫn được hỗ trợ tốt bởi nhu cầu trú ẩn an toàn ngày càng tăng, giá vàng phải đối mặt với ngưỡng kháng cự đầy thách thức ở mức 1.950 USD/ounce.

Giá vàng vượt đỉnh lịch sử lên 71 triệu đồng/lượng có còn là kênh trú ẩn an toàn?

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam cho rằng, tình hình địa chính trị trên thế giới hiện nay và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất USD trong năm tới sẽ là cơ hội tạo “sóng” cho thị trường vàng.

Tình hình địa chính trị trên thế giới tác động lên giá vàng. Cuộc xung đột ở Trung Đông là động lực tăng trưởng quan trọng đối với vàng, bởi vàng là tài sản được xem như nơi lưu trữ giá trị an toàn trước những bất ổn về kinh tế và chính trị. Xung đột Israel - Hamas làm tăng thêm mối lo ngại về kinh tế toàn cầu, nên dòng vốn có thể đổ xô vào nơi an toàn, trong đó có vàng.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước tăng lên hơn 70 – 71 triệu/ lượng là mức giá cao trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân là do thị trường vàng thế giới và nội tại của nền kinh tế, giá vàng thế giới tăng đột biến hơn 31USD/ounce, giao dịch ở mức 1.932,5 USD/ounce, tương đương gần 57,3 triệu đồng/lượng.

“Vàng tăng một phần là do chiến tranh giữa Israel - Hamas và tình hình kinh tế thế giới còn ảm đạm. Cùng với đó, nội tại của nền kinh tế Việt Nam 3 quý đầu năm tăng trưởng thấp, thị trường tài chính, chứng khoán có những bất định, lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng hạ, thị trường bất động sản ảm đạm”, ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, giá vàng trong nước tăng cao nhưng chúng ta cũng không thể xem đó là hàng thượng biểu của nền kinh tế, bởi giá vàng trong nước cách xa và không đi cùng chiều với giá vàng thế giới, và không phản ảnh sự phát triển của nền kinh tế.

Các chuyên gia phân tích trên thế giới nhận định, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao. Tuần qua, vàng đã chịu một đợt bán tháo mạnh khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng lên 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007 (do Fed vẫn duy trì lãi suất ở mặt bằng cao).