Cụ thể, HNX quyết định đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo từ ngày 13/7 do tổ chức đăng ký giao dịch chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính theo quy định.

FLC được đưa vào diện hạn chế giao dịch ngày 22/5 do công ty này chậm nộp báo cáo tài chính 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn phải công bố thông tin. Cổ phiếu này cũng đang nằm trong diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 24/2 do Tập đoàn FLC là công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Vào ngày 6/7 vừa qua, Tập đoàn FLC đã có văn bản công bố thông tin và giải trình nguyên nhân chưa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Văn bản được ký bởi Tổng giám đốc Lê Tiến Dũng.

FLC cho biết, báo cáo tài chính hàng năm là một trong những nội dung thảo luận và thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ thường niên theo quy định tại Khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp năm 2020.

Tuy nhiên, hiện các báo cáo tài chính của FLC chưa được phát hành do FLC và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính riêng và hợp nhất cho năm 2021.

Theo đó, Tập đoàn FLC chưa thể phát hành các BCTC kiểm toán năm 2021 và cũng chưa có cơ sở để thực hiện kiểm toán BCTC năm 2022. Vì vậy, FLC chưa chuẩn bị được đầy đủ tài liệu tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, do đó chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Cổ phiếu FLC tiếp tục bị cho vào diện cảnh báo trên sàn UPCoM. Ảnh minh họa
Cổ phiếu FLC tiếp tục bị cho vào diện cảnh báo trên sàn UPCoM. Ảnh minh họa

“FLC đang nỗ lực phối hợp cùng UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 để làm cơ sở triệu tập ĐHĐCĐ thường niên 2022,” Tổng giám đốc Lê Tiến Dũng nói rõ trong văn bản.

Sau khi tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2022, FLC sẽ tiến hành các công việc tiếp theo theo quy định của pháp luật để triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong thời gian sớm nhất.

Trong một diễn biến khác, tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào đầu năm nay, đại diện Tập đoàn FLC cho biết sẽ bán cổ phần của hãng bay Bamboo Airways để tái cấu trúc nợ.

Trong khi đó, vào đầu tháng 5 này, Ngân hàng TMCP Quốc Dân cũng công bố lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch chuyển nhượng 203 triệu cổ phiếu của Bamboo Airways, vốn đã được thế chấp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay từ Tập đoàn FLC tại ngân hàng này.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC - bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, không chỉ FLC mà hoạt động kinh doanh của hàng loạt công ty khác thuộc hệ sinh thái cũng bị chao đảo.

Do vi phạm về công bố thông tin, toàn bộ các cổ phiếu khác thuộc "họ FLC" cũng bị lãnh phạt trên sàn chứng khoán, bao gồm: ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược HAI) và ART (Chứng khoán BOS), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) và KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS).