Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/12), với chỉ số Dow Jones hồi lại toàn bộ phần điểm đã mất trong tuần trước, khi nhà đầu tư rũ bỏ mối lo về sự xuất hiên của biến chủng Covid mới có tên Omircon. Giá dầu thô cũng tăng gần 5% vì thị trường cho rằng Omicron sẽ không có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng gần 647 điểm, tương đương tăng 1,8%, đạt 35.227,03 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,9%, chốt ở 15.225,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, đạt 4.591,67 điểm. Cả ba chỉ số cùng giảm điểm trong tuần trước, khi nhà đầu tư lo ngại về biến chủng Omicron và sự dịch chuyển lập trường sang cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mức tăng mạnh nhất trong phiên này thuộc về các cổ phiếu có mối liên hệ mật thiết với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và đi lại, giải trí. GE và Boeing tăng hơn 3% mỗi cổ phiếu. Chevron tăng 1,5% và Caterpillar tăng 1,7%. United Airlines tăng 8,3% và American Airlines tăng 7,8%. Royal Caribbean và Carival Cruise Lines tăng hơn 8% mỗi cổ phiếu. Wynn Resorts tăng 6%, Marriott và Hilton tăng hơn 4%. Experdia tăng 6,7% và Booking Holdings tăng 5,3%.

Chứng khoán Mỹ bật tăng, Bitcoin lấy lại mốc quan trọng

Các bảng giá chứng khoán xanh rực sau khi cố vấn y tế cấp cao nhất của Nhà Trắng, tiến sỹ Anthony Fauci, nói rằng dữ liệu về biến chủng Omicron là “khả quan”. Trước đó, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tiến sỹ Rochelle Walensky, nói rằng biến chủng mới hiện đã được phát hiện tại ít nhất 15 bang của Mỹ, trong chưa đầy 2 tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại biến chủng này vào nhóm “đáng lo ngại”.

“Rõ ràng, ở Nam Phi, Omicron đang có lợi thế về lây nhiễm”, ông Fauci nói. “Dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về biến chủng này, các dữ liệu đã có cho thấy có vẻ như mức độ nghiêm trọng của Omicron là không lớn”.

Mức tăng đuối hơn của Nasdaq trong phiên này là các cổ phiếu y tế và công nghệ giảm điểm. Hãng vaccine Covid Moderna là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong chỉ số này, sụt 13,4%. AMD và Nvidia giảm tương ứng 3,4% và 2,1%.

Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc Oanda cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục thận trọng cho tới khi có thêm dữ liệu về biến chủng Omicron.

“Các báo cáo hiện có nói rằng biến chủng Omicron dường như ít có khả năng gây nhập viện và tử vong. Điều này thúc đẩy tâm lý ham thích rủi ro. Nhưng vẫn còn quá sớm để quên đi mối lo về biến chủng mới”, ông Erlam viết trong một báo cáo. “Một phần vì chúng ta đã chứng kiến diễn biến như thế này lặp đi lặp lại kể từ khi có tin đầu tiên về Omicron cách đây hơn 1 tuần. Thị trường bị chi phối rất nhiều bởi các dòng tít. Đây chẳng qua là một phiên tăng nhờ có tin tích cực mà thôi”.

Ông Erlam cũng cho rằng thị trường trong tuần này sẽ tiếp tục biến động như trong tuần trước.“Đây có thể là tin đầu tiên trong một dòng tin tích cực về biến chủng mới, nhưng cũng có khả năng mọi chuyện không đi theo chiều hướng đó”, ông nói.

Ngoài Omciron, một vấn đề quan trọng khác được thị trường quan tâm ở thời điểm này là Fed sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ như thế nào. Chuyên gia Steve Liesman của CNBC cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng gấp đôi tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản lên 30 tỷ USD mỗi tháng.

Cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2020 của Fed sẽ diễn ra vào tuần tới. Thị trường tin rằng không lâu sau khi đóng lại chương trình mua tài sản có quy mô 120 tỷ USD mỗi tháng này, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,2 USD/thùng, tương đương tăng 4,6%, chốt ở 73,08 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,23 USD/thùng, tương đương tăng 4,9%, chốt ở 69,49 USD/thùng.

Tuần trước, cả hai loại dầu này cùng giảm giá tuần thứ sáu liên tiếp.

“Tất cả các thông tin ngày hôm nay đều là tin tốt. Động lực tăng giá có vẻ đã quay trở lại với thị trường”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.

Năm nay, giá dầu Brent đã tăng 38% nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của liên minh OPEC+. Tuy nhiên, giá dầu Brent hiện đã giảm nhiều từ mức đỉnh của 3 năm là 86 USD/thùng thiết lập hồi tháng 10.

Thông tấn INA của Iraq ngày 6/12 đưa tin Bộ trưởng Bộ Dầu lửa nước này Ihsan Abdul-Jabba nói ông dự báo giá dầu sẽ vượt ngưỡng 75 USD/thùng. Ông cho biết Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang “chủ động kiểm soát” thị trường năng lượng.

Trước đó, vào hôm Chủ nhật, Saudi Arabia nâng giá bán dầu thô cho Mỹ và khách hàng châu Á trong tháng 1 thêm 0,8 USD/thùng so với giá của tháng 12.

Chứng khoán Mỹ bật tăng, Bitcoin lấy lại mốc quan trọng

Sáng 4/12, giá Bitcoin bất ngờ sụt giảm rất mạnh, mất giá đều đặn hàng trăm USD mỗi giờ, có thời điểm xuống ngưỡng 42.000 USD, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng qua. Nhưng sau đó, giá Bitcoin có dấu hiệu hồi phục. Và đến sáng nay (7/12), đồng Bitcoin đã lấy lại mốc giá quan trọng: 50.000 USD.

Theo dữ liệu cập nhật từ CoinDesk vào lúc 7h30' sáng nay (7/12, theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin được giao dịch ở mức 50,647.11 USD, tăng 3,91% so với ngày hôm qua. Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin thời điểm cao nhất đạt 50.965,03USD, thấp nhất ở mức 47.261,50 USD.

Còn dữ liệu của CoinGecko cho thấy, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ qua là hơn 36 tỷ USD.

Dù đã phục hồi nhưng giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới này cũng chưa thể lấy lại mốc 1.000 tỷ USD. Vốn hóa của thị trường Bitcoin vào đầu giờ sáng nay ghi nhận ở mức hơn 956 tỷ USD.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Bitcoin mà nhiều đồng tiền mã hóa quan trọng khác cũng leo giá mạnh, thị trường tiền điện tử tràn ngập sắc xanh hi vọng.

Trong đó, Ethereum tăng 5,16%, ở mức giá 4.351 USD; Solana tăng 3,24%, có giá 195,05 USD; XRP tăng 5,64%, lên 0,832 USD; Cardano tăng 7,85%, lên mức giá 1,44 USD; Polkadot tăng 4,99%, giá là 28,05 USD; Stellar tăng 6,54%, có giá 0,299 USD; Dogecoin tăng 7,01%, ở mức giá 0,179 USD; Polygon tăng 16,61%, giá tăng lên 2,26 USD; Internet Computer tăng 4,46%, có giá 30,47 USD; Litecoin tăng 7,54%, có giá 162 USD; Bitcoin Cash tăng 7,27%, lên mức giá 472,41 USD...

Sự tăng giá của Bitcoin cùng với các đồng tiền điện tử khác đã đưa giá trị vốn hóa thị trường điện tử lên mức khá cao. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vào sáng nay đạt gần 2.483 tỷ USD, tăng 3,1% so với ngày hôm qua.

Giá Bitcoin cũng như nhiều đồng tiền mã hóa khác mấy ngày qua biến động mạnh trước thông tin xuất hiện biến chủng Omicron. Giới quan sát cho rằng biến thể Covid-19 mới sẽ làm chệch hướng kế hoạch tăng tốc cắt giảm các biện pháp kích thích nền kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và gây thêm áp lực với tình trạng lạm phát của Mỹ.

Thị trường tiền mã hóa đang bị mắc kẹt trong trạng thái "quan sát và chờ đợi" của nhà đầu tư. Giới đầu tư đang chờ xem Fed sẽ làm gì để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao cũng như chờ đợi những thay đổi trong môi trường pháp lý từ ngân hàng trung ương Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, tương lai ngắn hạn của Bitcoin khó có thể vượt mức 100.000 USD như sự kỳ vọng của một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong dài hạn, giá Bitcoin hoàn toàn có thể đạt 100.000 USD, thậm chí còn cao hơn nữa.