Tin trong nước: 179.640 F0 khỏi bệnh, số ca mắc tiếp tục giảm

Tính từ 16h ngày 20/3 đến 16h ngày 21/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 131.713 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 131.709 ca ghi nhận trong nước (giảm 9.440 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 87.895 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (17.916), Nghệ An (5.403), Phú Thọ (5.348), Bắc Ninh (4.295), Lào Cai (4.282), Bắc Giang (3.908), Tuyên Quang (3.896), Lạng Sơn (3.769), Yên Bái (3.755), Vĩnh Phúc (3.686), Bắc Kạn (3.684), Hải Dương (3.620), Đắk Lắk (3.592), Thái Bình (3.016), Sơn La (2.988), Hưng Yên (2.908), Quảng Bình (2.853), Gia Lai (2.793), Hòa Bình (2.793), Thái Nguyên (2.783), Cà Mau (2.714), Quảng Ninh (2.638), Bình Dương (2.452), Cao Bằng (2.264), Bình Định (2.232), Điện Biên (1.983), Hà Nam (1.798), Lai Châu (1.777), Lâm Đồng (1.729), Hà Giang (1.714), Quảng Trị (1.542), TP. Hồ Chí Minh (1.487), Bến Tre (1.451), Ninh Bình (1.446), Vĩnh Long (1.438), Kon Tum (1.246), Bình Phước (1.206), Tây Ninh (1.194), Đắk Nông (1.175), Nam Định (1.112), Phú Yên (973), Hà Tĩnh (968), Thanh Hóa (867), Trà Vinh (812), Quảng Ngãi (811), Đà Nẵng (788), Hải Phòng (758), Bà Rịa - Vũng Tàu (692), Khánh Hòa (616), Thừa Thiên Huế (610), Bình Thuận (450), Quảng Nam (353), Bạc Liêu (249), Cần Thơ (173), An Giang (170), Long An (134), Đồng Nai (77), Đồng Tháp (77), Kiên Giang (76), Ninh Thuận (74), Sóc Trăng (52), Hậu Giang (38), Tiền Giang (5).

Bản tin COVID-19 sáng 22/3: Việt Nam và 17 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau
Ngày 22/3, 179.640 F0 khỏi bệnh, số ca mắc tiếp tục giảm. Ảnh minh họa

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-3.930), Hà Nội (-1.149), Đắk Lắk (-1.003).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Kạn (+1.875), Bắc Ninh (+1.442), Bình Dương (+1.277).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 160.108 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.089.761 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 81.848 ca nhiễm).

Việt Nam và 17 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau

Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Việt Nam công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với các nước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã rất tích cực, chủ động đàm phán, đẩy nhanh quá trình công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo đó, tính đến ngày 17/3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Australia, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Ấn Độ, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Maldives, Nhà nước Palestine, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Arab Ai Cập, CHXHCNDC Sri Lanka, New Zealand, Cộng hòa Singapore, Cộng hòa Saint Lucia và Hàn Quốc.

Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại.

Bản tin COVID-19 sáng 22/3: Việt Nam và 17 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau
Việt Nam và 17 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau.

Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận. Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam vẫn đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vaccine của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc/và giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…

Hộ chiếu vaccine nước ngoài được coi là hợp lệ và được sử dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu được công nhận chính thức hoặc tạm thời bởi Chính phủ Việt Nam.

Danh sách hộ chiếu vaccine được công nhận được đăng tải trên trang thông tin của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (https://lanhsuvietnam.gov.vn).

Hàng trăm cơ sở đầu cơ, tăng giá kit test, thuốc COVID-19 ở Hà Nội bị xử lý

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vừa có báo cáo giám sát về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi đầu cơ, tăng giá các mặt hàng thiết bị y tế, buôn bán các loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19 chưa được phép lưu hành.

Báo cáo cho biết sau dịp Tết Nguyên đán, dư luận cử tri phản ánh trên thị trường giá một số thiết bị y tế như bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ SpO2 tăng cao đột ngột, đồng thời thị trường cũng xuất hiện một số loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành.

Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP tăng cường kiểm tra, xử lý việc mua bán vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, tích trữ nâng giá hàng hóa bất hợp lý…

Về kết quả kiểm tra, xử lý từ đầu năm 2022 đến nay, riêng ngành y tế của Hà Nội đã kiểm tra 716 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, kit test COVID-19 trong đó xử phạt vi phạm hành chính 67 cơ sở với số tiền hơn 1 tỉ đồng; giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 337 triệu đồng; tiến hành thu hồi giấy phép của 12 cơ sở.

Các sai phạm của các cơ sở này tập trung kinh doanh thuốc điều trị kit xét nghiệm COVID-19 như: bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 khi chưa thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D theo quy định…

Bản tin COVID-19 sáng 22/3: Việt Nam và 17 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau
Hàng trăm cơ sở đầu cơ, tăng giá kit test, thuốc COVID-19 ở Hà Nội bị xử lý. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Cục quản lý thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra 37 vụ, phát hiện tổng giá trị số hàng hóa vi phạm gần 2,7 tỉ đồng, tiến hành xử lý hành chính 35 vụ, với tổng mức phạt gần 380 triệu đồng. Lực lượng công an TP Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra 15 vụ, phát hiện tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 620 triệu đồng, tiến hành xử lý hành chính 8 vụ với số tiền hơn 110 triệu đồng…

Báo cáo giám sát chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đầu cơ, tăng giá kit test, thuốc điều trị COVID-19 trên địa bàn là do dịch tăng cao, nhu cầu của người dân lớn, dẫn đến việc nhiều cơ sở đã lợi dụng tình trạng trên để quảng cáo, buôn bán qua mạng các sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 được nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Một số cơ sở đã tăng giá bán hoặc không niêm yết giá bán.

Báo cáo cũng cho biết Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành 3 loại thuốc chưa Molnupiravir sản xuất trong nước và được bán tại các nhà thuốc, cùng với việc cấp phát thuốc điều trị COVID-19 miễn phí tại các cơ sở y tế trên địa bàn (các thuốc Molnupiravir, Favipiravir, Avigan…) đã đáp ứng đủ thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao và việc bán thuốc phải có đơn của bác sĩ nên việc tiếp cận các loại thuốc điều trị của người dân có lúc chưa được kịp thời.

Theo đó, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt nguồn hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế, kit test, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Xem xét đưa các mặt hàng thiết bị, vật tư y tế phòng chống COVID-19 vào diện bình ổn giá.