Cả nước có 3.691 ca bệnh nặng đang điều trị

Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 150.606 ca ghi nhận trong nước.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.791.841 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 78.878 ca nhiễm).

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.784.177 ca, trong đó có 3.988.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.151.105), TP. Hồ Chí Minh (581.285), Bình Dương (358.382), Nghệ An (336.515), Hải Dương (310.501).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 168.014 ca/ngày.

Cả nước có 3.691 ca bệnh nặng đang điều trị
Cả nước có 3.691 ca bệnh nặng đang điều trị.

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 129.434 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.991.393 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.691 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ: 2.982 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 338 ca; Thở máy không xâm lấn: 92 ca; Thở máy xâm lấn: 275 ca; ECMO: 4 ca.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 75 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.817 ca, chiếm tỷ lệ 0,5%so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 3-5 tuổi

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 1722/VPCP-KGVX ngày 19/3 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiêm, mua và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước.

Xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình và kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc nghiên cứu tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho người lớn, mũi 3 cho trẻ em và tiêm cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; có kế hoạch mua và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả.

Theo nghị quyết về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, mục tiêu đến hết quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 3-5 tuổi
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 3-5 tuổi. Ảnh minh họa

Về nhiệm vụ cụ thể, nghị quyết nêu rõ về bao phủ vaccine phòng COVID-19: Triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người (bao gồm cả người bệnh đến khám tại cơ sở y tế) để tránh bỏ sót; khẩn trương hoàn thành trong quý I/2022 việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tổ chức triển khai tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine; khẩn trương nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi.

Nếu để xảy ra lãng phí vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng gửi Bộ Y tế về việc thực hiện hợp đồng cung cấp vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất với Công ty VNVC (Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam).

Xét kiến nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 1292, Thủ tướng cho rằng, sự việc diễn ra từ tháng 12/2021, đến nay, Bộ Y tế mới báo cáo là quá chậm. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế khẩn trương xử lý các vấn đề nêu tại văn bản của bộ theo quy định và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lãng phí vaccine.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại các văn bản trước đó, kịp thời báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Trước đó, ngày 10/3, tại văn bản số 1487/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/2/2022 của Chính phủ về việc mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.

Trong ngày 18/3 có 160.525 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 201.566.460 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.509.503 liều: Mũi 1 là 70.938.226 liều; Mũi 2 là 67.872.903 liều; Mũi 3 là 1.496.162 liều; Mũi bổ sung là 14.633.539 liều; Mũi nhắc lại là 29.568.673 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.056.957 liều: Mũi 1 là 8.751.910 liều; Mũi 2 là 8.305.047 liều.

Phố đi bộ Hà Nội nhộn nhịp trở lại

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 cũng như được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội, sau gần 1 năm tạm dừng hoạt động, quận Hoàn Kiếm chính thức mở lại tất cả các không gian đi bộ trên địa bàn.

19h tối 18/3, phố đi bộ Hoàn Kiếm chính thức hoạt động trở lại. Sau gần 1 năm tạm dừng phòng, chống dịch COVID-19 thì nay người dân Thủ đô lại thong dong dạo bước ở không gian riêng dành cho người đi bộ vào dịp cuối tuần. Lực lượng chức năng đã thiết lập hàng rào barie ngăn các phương tiện lưu thông qua khu vực Hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố phụ cận.

Để làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, quận đã triển khai phương án phòng chống dịch cụ thể với người dân và du khách khi đến với không gian phố đi bộ phải thực hiện nghiêm túc quy định 5K.

Phố đi bộ Hà Nội đông đúc trở lại sau thời gian dài đóng cửa.
Phố đi bộ Hà Nội đông đúc trở lại sau thời gian dài đóng cửa. Ảnh: VOV

Yêu cầu người dân và du khách tuân thủ nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, quét mã QR và thực hiện giãn cách khi tham gia các hoạt động trong không gian phố đi bộ.

Quận đã bố trí các chốt trực ở các tuyến vào không gian phố đi bộ để kiểm soát người dân khi ra vào phố đi bộ đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Lực lượng chức năng tuần tra nhắc nhở các hàng quán kinh doanh trong tuyến phố đi bộ lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ.

Từ người bán hàng tới người dân đều háo hức khi phố đi bộ Hà Nội được mở cửa trở lại. Hầu hết người dân tham gia phố đi bộ luôn thực hiện nghiêm quy tắc 5K.

Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, việc mở lại không gian đi bộ là mong muốn của người dân cũng như các hộ kinh doanh trên địa bàn và thông qua đó sẽ thu hút khách du lịch đến với quận Hoàn Kiếm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.