Hà Nội tạm dừng phân lô tách thửa đất nông nghiệp

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có công văn số 1685 gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội liên quan tới việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ tầng để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã được phương tiện thông tin đại chúng phản ánh.

Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, báo cáo, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thừa đất, đồng thời đề xuất kiến nghị về các nội dung: điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại đại phương… Các trường hợp không được phép tách thửa.

Việc quản lý đối với thửa đất có dịch tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu và đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung trên diện tích đất không phải là đất ở.

Hà Nội tạm dừng phân lô tách thửa đất nông nghiệp. Ảnh: Vietnamnet.
Hà Nội tạm dừng phân lô tách thửa đất nông nghiệp. Ảnh: Vietnamnet.vn

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.

Chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thực hiện rà soát, báo cáo về các nội dung cụ thể: tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian từ 1/2017 – 1/2022 đối với thủ tục chia, tách thửa đất cho các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2. Đơn vị này cũng cần đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý đối với khó khăn, vướng mắc gặp phải.

Thời gian qua, tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội, xuất hiện tình trạng các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất vườn, đất trồng cây lâu năm rồi phân lô, bán nền.

Giới đầu cơ tham gia thị trường này khá tấp nập, nhưng rất ít người mua để ở, từ đó dẫn đến tình trạng “sốt ảo”, thổi giá, nhiễu loạn thị trường rồi gây ra những hệ lụy mà cả Nhà nước và người dân phải gánh chịu. Thực trạng này diễn ra ở nhiều huyện Hà như: Thạch thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh...

Sớm thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng làm cao tốc Bắc - Nam

Ngày 24/3, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 2830/BGTVT-ĐTCT gửi UBND 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ cùng các Ban quản lý dự án liên quan về chủ trương, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký nêu rõ: Triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đã giao các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương khẩn trương lập hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án làm cơ sở để trình Chính phủ thông qua trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đến nay, các Ban quản lý dự án đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của từng dự án thành phần, gửi UBND các tỉnh, thành phố để tổ chức thẩm định.

Đồng thời, gửi kết quả xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và đất trồng lúa còn lại, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất (nếu có) theo hiện trạng sử dụng đất của dự án để UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp, đánh giá theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện tại, Bộ GTVT vẫn chưa nhận được kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của 7 tỉnh có diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng - Ảnh minh họa
Hiện tại, Bộ GTVT vẫn chưa nhận được kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của 7 tỉnh có diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng - Ảnh minh họa

Đến ngày 23/3/2022, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được số liệu tổng hợp về nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của 8/12 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; chưa nhận được kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của 7 tỉnh có diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Theo yêu cầu của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, tổ chức thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/3/2022 để thẩm định trình Chính phủ.

Để bảo đảm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thành thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và tổng hợp, đánh giá nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên đối với dự án thành phần trên địa bàn quản lý, gửi Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 27/3/2022 để tổng hợp.

Các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn khẩn trương cử cán bộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, tổng hợp và đánh giá nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên và tiếp nhận các quy hoạch, tài liệu liên quan.

Đồng Nai: 2.500 tỷ sẽ được đầu tư để xây nhà ở xã hội trong 3 năm tới

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng vừa chủ trì cuộc họp với các sở ngành, địa phương để lấy ý kiến về việc quy hoạch các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thành 2.500 căn nhà ở xã hội có diện tích sàn khoảng 200.000 m2 và vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo ý kiến của các sở ngành, để các dự án nhà ở xã hội triển khai đúng theo kế hoạch, các huyện, thành phố phải triển khai các giải pháp như: trong quy hoạch đô thị phải xác định cụ thể diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là đất xây dựng nhà ở xã hội;

Kiểm soát chặt chẽ việc chủ đầu tư nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội, trường hợp các chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt thì thực hiện thu hồi dự án và giao cho những nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư tránh lãng phí quỹ đất;

Chọn các quỹ đất công phù hợp quy hoạch nhà ở xã hội để đấu thầu hoặc đấu giá đất triển khai dự án; nguồn vốn đầu tư dự án là từ Quỹ Phát triển nhà ở của tỉnh, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, cá nhân…

Đồng Nai: 2.500 tỷ sẽ được đầu tư để xây nhà ở xã hội trong 3 năm tới
2.500 tỷ sẽ được Đồng Nai đầu tư để xây nhà ở xã hội trong 3 năm tới. Ảnh minh họa

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động tính toán và rà soát lại lần nữa nhu cầu về nhà ở xã hội của địa phương và đưa vào quy hoạch để trình UBND tỉnh.

Với những khu vực đông công nhân, các địa phương không chỉ trông đợi vào quỹ đất công hoặc quỹ đất 20% từ những dự án nhà ở thương mại để quy hoạch nhà ở xã hội mà thực hiện quy hoạch riêng những dự án nhà ở xã hội để có thể triển khai nhanh trong thời gian tới.

Trong 2 tuần tới, các địa phương, Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ nhu cầu về dự án nhà ở xã hội gửi UBND tỉnh để trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết về nhà ở xã hội để các địa phương phải thực hiện đúng theo kế hoạch, nếu địa phương nào không triển khai được người đứng đầu của huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, Đồng Nai sẽ dành 924ha đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có gần 310ha xây dựng dự án nhà ở cho công nhân và 614ha làm nhà ở xã hội cho những đối tượng còn lại. Phần lớn quỹ đất làm nhà ở xã hội thuộc các dự án nhà ở thương mại phải dành ra 20%.

Song, nhiều dự án nhà ở thương mại đến nay vẫn chưa triển khai hoặc đang triển khai nhưng chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật để giao lại 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại các dự án.

Khi nhiều khu công nghiệp được thành lập mới và hoàn thành hạ tầng, đi vào hoạt động trong thời gian tới, số lao động đến Đồng Nai làm việc được dự báo tăng thêm 450.000 người, kéo theo nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ tiếp tục tăng cao.

Dự án VS Phoenix Villa Gia Lai cung cấp ra thị trường quần thể khu biệt thự

VS Phoenix Villa có vị trí nằm tại phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Dự án nằm cách trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai khoảng 17 km và thuận tiện di chuyển đến các tỉnh lân cận nhờ tuyến giao thông huyết mạch của vùng như quốc Lộ 19, đường AH17.

VS Phoenix Villa có tổng diện tích đất lên đến 35 ha, mật độ xây dựng 40 – 45% với tổng vốn đầu tư cho dự án là 1.600 tỷ đồng.

Sản phẩm của dự án VS Phoenix Villa cung cấp ra thị trường quần thể khu biệt thự bao gồm 247 căn với diện tích lớn từ 500 – 800 m2, với hai kiểu thiết kế là biệt thự vườn và biệt thự ven hồ.

Dự án VS Phoenix Villa Gia Lai cung cấp ra thị trường quần thể khu biệt thự
Dự án VS Phoenix Villa Gia Lai cung cấp ra thị trường quần thể khu biệt thự.

Sở hữu diện tích rộng lớn, VS Phoenix Villa cũng đem lại những tiện ích nội khu cho cư dân tại đây như: công viên cây xanh, bến du thuyền, cùng chuỗi nhà hàng nổi trên mặt nước, nhà hàng ven bờ, khu vực bar, clubhouse và các tiện ích về thể thao như phòng gym, yoga, sân banh, sân tenis...

Từ VS Phoenix Villa kết nối thuận tiện với những tiện ích của trung tâm thành phố Pleiku như: bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, bệnh viện tỉnh Gia Lai, Co.opmark Pleiku, bệnh viện đại học Y Dược, bệnh viện Quân Y 211, quảng trường Đại đoàn Kết…

Chủ đầu tư dự án VS Phoenix Villa Gia Lai là Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup (Tập đoàn VsetGroup) được thành lập ngày 26/03/2014, đặt trụ sở tại 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp VS Phoenix Villa hiện đang được chi nhánh VsetGroup tại Gia Lai chịu trách nhiệm quản lý và phát triển. Đồng thời Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Trương Gia thành viên của Tập Đoàn VsetGroup cũng sẽ là đơn vị thi công chính.

Dự án VS Phoenix Villa được lên kế hoạch từ đầu Quý I năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thiện và bàn giao vào năm 2023 và 2025.