Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023, sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 để tăng vốn. Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Trước đó, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và giới hạn số tối đa được cấp là 17.100 tỷ đồng.

Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm ngoái là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Việc tăng vốn cho Agribank sẽ giúp ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II.

Đồng thời, việc này sẽ gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa; đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển tam nông, thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ và NHNN…

Hiện tại, nguồn lực cho Agribank tăng vốn đã sẵn sàng. Số tiền 17.100 tỷ đồng là tương ứng với phần lợi nhuận còn lại Agribank nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2021 - 2023.

Trong năm 2021 và năm 2022, Agribank đã nộp Ngân sách nhà nước phần lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ với tổng số tiền: 10.457 tỷ đổng.

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Agribank dự kiến đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022.

Theo đó, dự kiến lợi nhuận còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ) nộp NSNN là 8.600 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận còn lại Agribank đã nộp NSNN từ năm 2021 đến hết Quý I/2023 là 13.329 tỷ đồng' và dự kiến nộp trong giai đoạn 2021-2023 là 19.057 tỷ đồng, lớn hơn đề xuất cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank nên đề xuất này hoàn toàn khả thi.

Agribank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 51.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Agribank được chấp thuận tăng vốn lên hơn 51.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Tính tới cuối năm 2022, Agribank đứng thứ 7 về vốn điều lệ toàn hệ thống mặc dù quy mô tổng tài sản, dư nợ cho vay,…Agribank đứng nhất nhì hệ thống. Cụ thể, vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm 2022 mới chỉ đạt 34.446 tỷ đồng, sau hàng loạt ngân hàng: VPBank (67.434 tỷ đồng), BIDV (50.585 tỷ), VietinBank (48.058 tỷ), Vietcombank (47.325 tỷ), MBB (45.340 tỷ), Techcombank (35.172 tỷ đồng).

Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng. Tuy vậy, ngay cả khi được tăng vốn, Agribank cũng chưa chắc đã vượt qua một số ngân hàng có mức vốn điều lệ dưới 51.000 tỷ đồng hiện nay do lộ trình bổ sung 17.100 tỷ đồng của Agribank kéo dài đến năm 2024. Trong khi đó, các ngân hàng lớn khác cũng đang lên kế hoạch tăng vốn rất mạnh: MB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 53.683 tỷ đồng, VietinBank dự kiến tăng lên hơn 66.000 tỷ, Vietcombank tăng lên 55.900 tỷ, BIDV cũng muốn tăng lên 61.557 tỷ đồng.

Trong báo cáo thẩm tra trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần báo cáo kế hoạch cổ phần hóa cũng như nhu cầu tổng thể vốn điều lệ cần thiết phải bổ sung cho Agribank đến năm 2030 và dự kiến kế hoạch, phương án bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong thời gian tới.

Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng

Tại ĐHCĐ năm 2023 vừa qua, các ngân hàng đều đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay với những phương án khác nhau. Riêng MSB đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu thưởng cho người lao động.