Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm (21/3), thị trường trái phiếu bền vững của các nền kinh tế thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) đã tăng 29,3% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng Euro.

ADB: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng 6,8%

Lượng trái phiếu bền vững tại các nền kinh tế này đạt 798,7 tỷ USD vào cuối năm 2023 và chiếm khoảng 20% tổng lượng trái phiếu bền vững toàn cầu.

Theo ADB, thị trường trái phiếu bền vững ASEAN+3 đã tăng 29,3% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng Euro.

Riêng thị trường ASEAN, ADB ghi nhận lượng phát hành trái phiếu bền vững ở mức 19,1 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm 7,9% tổng lượng phát hành tại thị trường trái phiếu bền vững ASEAN+3, so với mức 2,5% thị phần phát hành trái phiếu chung của thị trường ASEAN trong ASEAN+3.

Báo cáo của ADB cũng cho chỉ ra rằng, các điều kiện tài chính ở khu vực Đông Á mới nổi được cải thiện đôi chút trong thời gian từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024, khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải và hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều tăng trưởng ổn định.

Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi tăng 2,5% trong quý cuối cùng của năm 2023 lên 25,2 nghìn tỷ USD. Tổng lượng phát hành trái phiếu giảm 4,8% so với quý trước do hầu hết các chính phủ đã đáp ứng yêu cầu cấp vốn trong những quý trước, trong khi Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động vay của doanh nghiệp giữa bối cảnh triển vọng kinh tế yếu kém.

Đi ngược diễn biến khu vực, tại Việt Nam, theo báo cáo của ADB, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam lại giảm 0,4% so với quý trước do khối lượng lớn tín phiếu NHNN đáo hạn. Tổng cộng đã có 360.300 tỷ đồng (tương đương 14,8 tỷ USD) tín phiếu NHNN đáo hạn trong quý cuối cùng của năm 2023, trong khi NHNN ngừng phát hành tín phiếu vào tháng 11/2023.

Dư nợ trái phiếu chính phủ chỉ tăng 2,0% so với quý trước do lượng phát hành giảm, trong khi lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng 6,8% sau đợt sụt giảm trong quý trước.

ADB cũng ghi nhận lãi suất trái phiếu chính phủ ở Việt Nam giảm ở hầu hết các kỳ hạn trong giai đoạn từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024.