Giải pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử
Ngành Thuế sẽ tăng cường công tác thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm online.

Hiện nay, cơ quan thuế đang quản lý hai nhóm đối tượng chính có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm (từ năm 2018 đến hết tháng 10-2021). Các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng.

Đối với nhóm cá nhân có thu nhập cao từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Apple (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến; cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; bán hàng online...) đã kê khai, nộp thuế tính đến tháng 10-2021 với số thu là 498 tỷ đồng.

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Đối với hoạt động thương mại điện tử mua bán hàng hóa, dịch vụ trong nước, thực tế cho thấy hiện nay phát sinh nhiều đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Các giao dịch diễn ra nhiều và mang tính nhỏ lẻ. Thực tế cũng phát sinh trường hợp người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế nên cơ quan thuế khó xác định được địa điểm kinh doanh, thời gian kinh doanh. Còn đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cũng rất khó để xác định nguồn thu, đối tượng khi người nộp thuế không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhận định, dư địa thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử rất lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ nhằm quản lý thuế hiệu quả hơn đối với lĩnh vực này.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Tài chính phê duyệt và ban hành đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, đối với lộ trình ngắn hạn từ nay đến hết năm 2023, ngành Thuế sẽ tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua việc tăng cường một số giải pháp quan trọng như: Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin…; đồng thời thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử.

Đối với lộ trình dài hạn đến hết năm 2025, ngành Thuế tăng cường một số giải pháp quan trọng như: Đề xuất nghiên cứu xây dựng chính sách thuế đối với dịch vụ số xuyên biên giới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng quản lý đối với thương mại điện tử nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong giai đoạn này, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế để triển khai thực hiện từ năm 2025 nhằm tăng cường, mở rộng chức năng cho ngành Thuế trong công tác nắm bắt thông tin phục vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế là tổ chức ở nước ngoài có giao dịch xuyên biên giới, cá nhân có thu nhập cao, các giao dịch không bằng tiền mặt qua ngân hàng, tổ chức thanh toán trung gian, thanh toán ngang hàng…

Về phía địa phương, theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục tiếp tục tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để người nộp thuế tự giác thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa của ngành trong công tác quản lý thuế như: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử...