Thị trường chứng khoán ngày 19/11: VN-Index rơi tự do

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 19/11, chỉ số VN-Index giảm 17,48 điểm (-1,19%) xuống 1.452,35 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 346 mã giảm và 36 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index giảm 14,76 điểm (-3,15%) xuống 453,97 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 188 mã giảm 39 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,24%) xuống 113,24 điểm.

Thanh khoản vọt lên mức cao nhất trong lịch sử với giá trị giao dịch đạt gần 56.338,3 tỷ đồng, tương đương hơn 2,1 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua bán. Thanh khoản sàn HOSE cũng đánh dấu kỷ lục mới với hơn 44.800 tỷ đồng, khoảng gần 1,98 tỷ USD.

Phiên chiều nay áp lực bán tháo xuất hiện ở một số nhóm ngành tăng nóng giai đoạn vừa qua. Chỉ số chính có thời điểm mất hơn 36 điểm, tuy nhiên lực cầu đối ứng nhanh chóng xuất hiện và giúp VN-Index chỉ còn giảm hơn 17 điểm khi đóng cửa.

Bất chấp áp lực điều chỉnh từ thị trường chung, 25/28 cổ phiếu ngân hàng kết phiên trong sắc xanh, duy nhất BID đóng cửa giảm nhẹ 0,2%. Trong đó các mã tăng mạnh phải kể đến như BVB tăng 6,7%, SGB (+5,9%), PGB (+4,7%), BAB (+4,5%), KLB (+4,3%), EIB (+3,7%),...

Cổ phiếu HPG liên tiếp lao dốc từ vùng 58.000 đồng về dưới 50.000 đồng hôm qua vẫn chưa hết nóng thì phiên hôm nay, HPG tiếp tục lao dốc còn 48.000 đồng/cp.

Giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh khiến nhiều cổ phiếu ngành dầu khí giảm sâu, trong đó GAS dẫn đầu đà giảm.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng diện rộng với tổng giá trị mua ròng trên HOSE là 399,29 tỷ đồng, trong đó:

Tổng mua 1099,23 tỷ đồng: VJC (113,58 tỷ đồng), VNM (97,30 tỷ đồng), VCB (88,19 tỷ đồng), VRE (84,45 tỷ đồng), CTG (53,42 tỷ đồng)…

Tổng bán 699,94 tỷ đồng với tỷ trọng: HDB (40,08 tỷ đồng), PLX (20,62 tỷ đồng), VHM (16,57 tỷ đồng), GEX (12,67 tỷ đồng), CTD (10,07 tỷ đồng)…

Đóng cửa, sàn HNX có 38 mã tăng (8 mã tăng trần) và 131 mã giảm (5 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 14,75 điểm (-3,15%) xuống 453,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 250,86 triệu đơn vị, giá trị 6.379,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,99 triệu đơn vị, giá trị 71,17 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 có tới 15 mã giảm và chỉ còn 4 mã giao dịch trên mốc tham chiếu, trong đó CEO đã để mất sắc tím sau 9 phiên tăng trần liên tiếp và kết phiên đứng tại mức giá 31.500 đồng/CP, tăng 9,4%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn IDC cũng đóng vai trò là một má phanh cho thị trường khi vẫn duy trì đà tăng tốt với mức tăng 6,2% và kết phiên đứng tại mức giá 88.000 đồng/CP.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là NVB và BAB cũng là điểm sáng, góp phần tô điểm cho nhóm cổ phiếu ngân hàng khi kết phiên lần lượt tăng 1% và 4,5%, lên mức giá 29.400 đồng/CP và 23.400 đồng/CP.

Trái lại, là một trong những mã thuộc nhóm bất động sản và cũng thuộc top dẫn đầu vốn hóa thị trường trên HNX là THD đã cắm đầu đi xuống khi để mất tới 9,4%, xuống sát mức giá sàn 238.000 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm bất động sản, xây dựng giảm sâu như LHC giảm 9%, NDN giảm 7,8%, VC3 giảm 5,3%...

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán và dầu khí trên HNX cũng giảm sâu với các mã như BVS, MBS cùng giảm 5,6%, SHS có thời điểm giảm sàn và kết phiên để mất 3,9%, hay PVC giảm 7,7%, PVS giảm 5,4%, PVB giảm 3,4%...

Về thanh khoản, top 3 mã dẫn đầu gồm SHS khớp 18,5 triệu đơn vị, PVS khớp 18,32 triệu đơn vị và KLF khớp hơn 16 triệu đơn vị, đều kết phiên trong sắc đỏ.

Trên UPCoM, sau nhịp giảm mạnh vào giữa phiên, thị trường đã bật ngược đi lên, thu hẹp biên độ giảm.

Đóng cửa, với 73 mã tăng (55 mã tăng trần) và 109 mã giảm, UpCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,24%) xuống 113,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 317,21 triệu đơn vị, giá trị 4.800 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,72 triệu đơn vị, giá trị 141,89 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 32,11 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên giảm 7,7% xuống 21.700 đồng/CP. Thành viên khác trong nhóm dầu khí là OIL cũng giảm sâu khi để mất 5,2% xuống mức 16.500 đồng/CP và khớp 4,32 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM vẫn là điểm tựa chính của thị trường với sắc xanh phủ kín như PGB tăng 5,3%, SGB tăng 5,9%, KLB tăng 3%, VAB tăng 2,3%, BAB tăng 4,5%...

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, nhiều mã vẫn duy trì sức nóng như PVX, HVG, AVF, DPS, PVV, GTT, DIC… đều kết phiên tăng kịch trần. Trong đó, PVX khớp lệnh sôi động, chỉ thua BSR khi đạt xấp xỉ 20 triệu đơn vị; ngoài ra HVG khớp 13,42 triệu đơn vị, nhiều mã khác cũng giao dịch khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng phái sinh đều giảm nhẹ. Trong đó, VN30F2112 đáo hạn gần nhất vào ngày 16/12/2021, đã giảm 6,5 điểm (-0,4%) xuống mức 1.502,5 điểm, khớp lệnh gần 158.130 đơn vị, khối lượng mở gần 15.260 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áo đảo, trong đó CHPG2111 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 308.210 đơn vị và kết phiên giảm 15% xuống mức 1.190 đồng/CQ.

Tiếp theo đó là CSTB2110 khớp 175.980 đơn vị và kết phiên giảm 3,2% xuống 600 đồng/CQ.