Thoe đó, SAB ghi nhận doanh thu thuần quý II/2024, đạt 8.086 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mặt hàng bia chiếm gần 90% nguồn thu, phần còn lại là doanh thu bán nguyên vật liệu, nước giải khát, rượu và cồn.

Biên lợi nhuận gộp đạt 30,1%, tăng không đáng kể so với mức gần 30% của quý II năm ngoái.

Sabeco cho hay việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tiếp tục tác động đến đà tiêu dùng. Điều này dẫn đến doanh thu quý II thấp hơn mặc dù có tác động tích cực của việc tăng giá.

Trong kỳ, hoạt động tài chính cũng diễn biến tiêu cực chỉ mang về hơn 266 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ, do giảm thu nhập từ lãi tiền gửi.

Sabeco thu lãi ròng cao nhất 7 quý, mỗi ngày chi 5,5 tỷ đồng quảng cáo

Tại ngày 30/06/2024, Công ty có gần 23.4 nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng, tăng thêm 542 tỷ đồng so với đầu năm.

Chưa hết, phần lãi từ các công ty liên doanh liên kết thấp hơn 64% so với cùng kỳ về dưới 28 tỷ đồng.

Dù vậy, Công ty tiết giảm đáng kể các chi phí bán hàng và chi phí quản lý, góp phần cải thiện vào bức tranh lợi nhuận chung. Kết quả, Sabeco lãi ròng hơn 1,248 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 7 quý qua kể từ quý IV/2022.

Luỹ kế 6 tháng, Sabeco đạt 15.270 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 2.246 tỷ; tăng lần lượt 5% và gần 6% so với nửa đầu năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế được cải thiện.

Trong cơ cấu chi phí bán hàng nửa đầu năm, khoản chi phí quảng cáo và khuyến mãi chiếm tỷ trọng lớn nhất ghi nhận sụt 16% so với cùng kỳ còn 1.031 tỷ, cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng.

Theo Sabeco, ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.

Việc người dân thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu ngày càng khắt khe hơn đối với thiết kế bao bì, chất lượng... cũng là một áp lực đối với các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi mạnh trong các chiến dịch quảng cáo và khuyến mại để tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ.

Thực tế, trong nửa đầu năm, hãng đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo và khuyến mãi.

Ban lãnh đạo Sabeco cho rằng Nghị định 100 sẽ tiếp tục là một rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia năm nay. Bên cạnh đó, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển) vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Khó khăn trước mắt song Sabeco vẫn đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội cho ngành bia nhờ lợi thế dân số vàng, thu nhập tăng mạnh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu.

Kết quả tích cực trong quý II của Sabeco đã được dự báo trước. Theo các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SSI, lợi nhuận của Sabeco sẽ tăng trưởng 2 chữ số sau khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên nhờ các giải thể thao lớn như Euro hay Olympic 2024. Dẫu vậy, SSI vẫn duy trì quan điểm thận trọng với triển vọng của Sabeco trước thách thức của thị trường hiện nay.

Năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 34.397 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.580 tỷ; tăng lần lượt gần 13% và 8% so với năm 2023. Như vậy, sau nửa năm, hãng bia này đã thực hiện được 44% chỉ tiêu doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.