Tin bão số 3 mới nhất sáng 6/9: Cách Quảng Ninh khoảng 600km, sức gió lên đến 201km/h
Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá siêu bão Yagi là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đến 07h ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 3, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Từ trưa ngày 06/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2,0-4,0m, sau tăng lên 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m.
Đến tối và đêm 06/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội. Từ đêm 06/9 và gần sáng ngày 07/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m.
Vị trí tâm bão số 3 vào lúc 9h sáng ngày 6/9. |
Đến đêm 06/9 và gần sáng ngày 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 07/9).
Đồng thời cảnh báo khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá)-1,8m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm ngày 07/9 và nước rút do bão, khoảng 0,5m (Thanh Hoá)-1,0m (Quảng Ninh) xuất hiện vào sáng ngày 07/9. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Từ hôm nay (6/9), ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hoá-Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 03. Từ đêm 06/9 đến sáng 09/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 07/9 đến đêm 08/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Đám mây không lồ xuất hiện tại Hà Tĩnh trong sáng 6/9. |
Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.
Nhiều địa phương thực hiện cấm biển
Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về diễn biến cơn bão số 3 (Yagi), công tác chuẩn bị ứng phó tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đề cao tinh thần cảnh giác, phát huy "4 tại chỗ" kịp thời, chính xác, phối hợp nhịp nhàng trong công tác ứng phó với bão số 3.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người, trong đó có 1.543 tàu/10.045 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ di chuyển vào bờ, tránh trú bão.
Nhiều địa phương thực hiện cấm biển từ ngày 6/9, riêng Ninh Bình thực hiện cấm biển từ 5/9. (Trong ảnh lực lượng chức năng bắn pháo hiệu báo bão) |
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9; Ninh Bình cấm biển từ 13h ngày 5/9.
Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176 ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thuỷ sản có nguy cơ bị thiệt hại rất cao khi bão vào vịnh Bắc Bộ. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thuỷ sản.
Trên các đảo của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng còn 2.231 du khách và đã nhận được thông tin về bão, chủ động phương án ứng phó.
Về công tác bảo đảm an toàn hồ chứa, hồ Hoà Bình mở 1 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt.
Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14, giật cấp 17 (vượt mức thiết kế). Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 37 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý.
Tại các địa phương còn 15.000 ha lúa Hè Thu, 958.000 ha lúa mùa đang trỗ-chín sữa, phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu bị ngập úng kéo dài.
Theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 gây nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên. |
Nhấn mạnh phương châm chủ động phòng ngừa, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương triển khai tất cả các biện pháp, nhất là 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo, kiểm tra, dôn đốc sát sao, thực hiện nghiêm theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động.
Với vùng hoàn lưu rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương phải chuẩn bị ứng phó với mưa lớn sau bão, tình trạng ngập lụt tại các đô thị, khu dân cư, nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp di dời người dân ở khu vực xung yếu, còn ở trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các tàu thuyền neo đậu ven bờ, khách du lịch hiện còn ở trên các đảo ven bờ.