M&A: Sabeco dự chi hơn 830 tỷ đồng thâu tóm Sabibeco
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán SAB) vừa thông qua nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chào mua công khai cổ phiếu SBB của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco).
Sabeco dự định chào mua công khai 37,8 triệu cổ phiếu SBB, tương đương 43,2% vốn điều lệ. Nếu thành công, Sabeco sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Sabibeco lên 59,6%, tương đương khoảng 52,2 triệu cổ phiếu. Qua đó, Bia Sài Gòn chính thức trở thành công ty mẹ của Sabibeco.
Hiện tại, Sabeco đã sở hữu 16,4% cổ phần tại Sabibeco, tương đương với gần 14,4 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, các bên liên quan của Sabeco cũng nắm giữ 5,5 triệu cổ phiếu SBB, chiếm 6,3% vốn điều lệ của công ty này.
Được biết, mức giá chào mua là 22.000 đồng/cổ phiếu, Sabeco sẽ dự chi hơn 831,9 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ trên. Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 6/9, cổ phiếu SBB đóng cửa ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, thị giá cổ phiếu SBB đang thấp hơn 18,2% so với giá Sabeco chào mua.
Thời điểm dự kiến thực hiện trong năm 2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán đã nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào mua công khai của Sabeco.
Sabeco dự chi hơn 830 tỷ đồng thâu tóm Sabibeco |
Tuy nhiên, Sabeco cũng đưa ra các điều kiện về việc hủy bỏ đợt chào mua như: số lượng cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt tỉ lệ tối thiểu là hơn 25,12 triệu cổ phiếu - tương đương 28,7% tổng cổ phiếu đang lưu hành hoặc SBB giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Một điều kiện khác xảy ra cũng khiến thương vụ hủy bỏ, đó là SBB bán tài sản của công ty có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất...
Về kết quả kinh doanh của Sabeco, theo báo cáo tài chính quý II/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 3% so với cùng kỳ xuống 8.086 tỷ đồng. Tốc độ tăng chi phí giá vốn thay đổi không đáng kể giúp công ty thu về 2.440 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Công ty cho biết do ảnh hưởng của Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tiếp tục tác động đến đà tiêu dùng khiến doanh thu giảm. Trong kỳ, hoạt động tài chính cũng diễn biến tiêu cực chỉ mang về 266,3 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ, do giảm thu nhập từ lãi tiền gửi.
Cùng với đó, phần lãi từ các công ty liên doanh liên kết thấp hơn 64,3% so với cùng kỳ về mức 27,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt giúp Sabeco báo lãi sau thuế tăng 9% so với cùng kỳ lên 1.318 tỷ đồng là nhờ tiết giảm được một số chi phí hoạt động. Trong đó, khoản lớn nhất chính là chi phí quảng cáo và khuyến mại, ước tính khoảng 583 tỷ đồng, giảm 21% so với quý II/2023. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất mà Sabeco ghi nhận kể từ quý 3/2022 với con số gần 1.400 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.269 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với con số 14.526 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.342 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu đạt 34.400 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 4.580 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 44% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, quy mô tài sản của Sabeco đạt hơn 34.153 tỷ đồng, gần như đi ngang so với con số hồi đầu năm, trong đó có hơn 6.034 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, cùng với hơn 17.324 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Hàng tồn kho giữ ổn định ở mức hơn 2.350 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tăng nhẹ, ghi nhận hơn 9.023 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 8.668 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm hơn 355 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 25.129 tỷ đồng.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư quý I/2024, ban lãnh đạo Sabeco cũng cho rằng quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia năm nay. Cùng với đó, các yếu tố như chi phí sản xuất kinh doanh (bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển...) vẫn ở mức cao, biến động bất thường và dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Song, hãng vẫn tự tin sẽ duy trì đà phục hồi trong năm nay nhờ kết quả kinh doanh tích cực qua từng tháng, đồng thời đánh giá năm 2024 sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội cho ngành bia Việt Nam nhờ lợi thế dân số vàng, thu nhập tăng mạnh, tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn và thị trường xuất khẩu.
Sang năm 2025, Sabeco kỳ vọng chi phí đầu vào sẽ trở về mức bình thường, qua đó tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp, tạo ra môi trường chi phí thuận lợi hơn cho công ty.
Về Sabibeco Group, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2005, nổi tiếng với dòng sản phẩm bia Sagota. Công ty hiện có 6 nhà máy thành viên và liên kết, với tổng công suất sản xuất đạt 610 triệu lít bia mỗi năm.
Mặc dù doanh thu của Sabibeco đều duy trì quanh ngưỡng 2.000 tỷ đồng trong những năm gần đây, nhưng từ 2020 đến 2023, công ty liên tục ghi nhận thua lỗ, đặc biệt trong năm 2023 với mức lỗ lên tới 152 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ quý II/2024, Sabibeco đạt doanh thu hơn 280 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Công ty lỗ sau thuế 7,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,5 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Sabibeco ghi nhận doanh thu đạt 635 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, dẫn đến lỗ sau thuế 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lãi 32 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Sabibeco đạt 2.328 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả của Sabibeco là 450 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn, trong đó vay nợ chiếm hơn 290 tỷ đồng.